Ngày 08/07/2025, tại Hà Nội, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tổ chức Hội nghị gặp mặt các thành viên Hội đồng khoa học và triển khai công tác đánh giá, xét chọn đề tài nghiên cứu cơ bản năm 2025. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Giám đốc NAFOSTED cùng các nhà khoa học là thành viên các Hội đồng khoa học ngành nhiệm kỳ 2025–2027.
PGS.TS. Ngô Đức Thành – Đồng Trưởng khoa Khoa Vũ trụ và Ứng dụng, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã được tín nhiệm tham gia vào Hội đồng khoa học Nghiên cứu cơ bản với vai trò Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Khoa học Trái đất – Khoa học Biển nhiệm kỳ mới. Đại diện cho các Hội đồng khoa học nhiệm kỳ 2025-2027, thầy đã có bài phát biểu tại Hội nghị.

PGS.TS. Ngô Đức Thành khẳng định ở bất kỳ quốc gia nào, nghiên cứu cơ bản luôn là nền tảng thiết yếu cho sự phát triển khoa học. Dù không phải lúc nào cũng tạo ra kết quả ứng dụng tức thời, nhưng chính nghiên cứu cơ bản nuôi dưỡng các ý tưởng đột phá, đặt nền móng cho những công trình có khả năng làm thay đổi nhận thức và tiến trình phát triển xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, khoa học cơ bản nói riêng và nền khoa học nói chung của Việt Nam đang đứng trước những bước ngoặt mang tính bản lề. Đầu tiên là nghị quyết 57-NQ/TW (22/12/2024) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; tiếp theo là sự thay đổi trong nội tại Quỹ, với nhiều chương trình, quy mô, và nguồn kinh phí, theo chiều hướng lớn mạnh hơn.
PGS. TS. Ngô Đức Thành đánh giá cao những đổi mới trong cơ chế tài trợ của Quỹ: từ khuyến khích công bố chất lượng cao, mở rộng, thúc đẩy các hướng nghiên cứu liên ngành, hỗ trợ các nhà khoa học trẻ và các nhóm nghiên cứu mạnh, linh hoạt hơn trong các thủ tục hành chính, chấp nhận rủi ro trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu.
Ông nhấn mạnh, từ năm 2008 đến nay, cơ chế tài trợ minh bạch và ổn định của NAFOSTED đã giúp hình thành đội ngũ nghiên cứu cơ bản vững mạnh, với chất lượng công bố tiệm cận các chuẩn mực quốc tế. Hướng tới mục tiêu tiêu đến 2030 có số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm, ông cho rằng sự gia tăng về lượng này cần song hành với chất lượng công bố.
Trong bối cảnh thay đổi rất nhanh của khoa học, phương thức nghiên cứu khoa học, các bài toán liên ngành, PGS. TS. Ngô Đức Thành đề xuất các định hướng để Hội đồng Khoa học tiếp tục đẩy mạnh chuẩn mực quốc tế, và cập nhật, thích nghi với tình hình mới. Trong đó có bảo đảm tính minh bạch và chuẩn mực khoa học trong các hoạt động xét duyệt, chủ động đề xuất và gợi mở các hướng nghiên cứu mới, đồng thời tăng cường vai trò kết nối và truyền cảm hứng trong cộng đồng nghiên cứu.
Dựa trên thực tiễn hoạt động nghiên cứu, ông đề xuất bốn nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tài trợ, gồm: có những chương trình tài trợ dài hạn, theo định hướng nghiên cứu; tiếp tục xem xét tăng cường cơ chế hỗ trợ nhà khoa học trẻ, đặc biệt là Postdoc; triển khai các buổi làm việc, các phiên họp để các Hội đồng khoa học ngành mở rộng, đưa ra các bài toán lớn, định hướng, mang tính đột phá; tôn vinh nhà khoa học và thúc đẩy trách nhiệm giải trình.
Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia NAFOSTED là cơ quan tài trợ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nhiệm vụ KH&CN đột xuất có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn, nhiệm vụ KH&CN tiềm năng, hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực KH&CN quốc gia. Trong nhiệm kỳ 2025-2027, USTH vinh dự có hai PGS là thành viên Hội đồng khoa học NCCB ngành Khoa học trái đất – Khoa học biển và ngành Hoá học – thể hiện uy tín và chất lượng nghiên cứu – nhân lực của nhà trường tiếp tục được khẳng định trong hệ sinh thái khoa học quốc gia. |