“Đam mê tái tạo thế giới cho tuổi trẻ. Nó khiến mọi thứ trở nên sống động và đáng kể.”
Đó là câu chuyện về hành trình đến với khoa học của Nguyễn Châu Giang, học viên thạc sĩ Vũ trụ, cô gái trẻ đến từ Đà Lạt, người vừa có công bố đầu tay trên Astrophysical Journal, tạp chí khoa học chuyên ngành thuộc nhóm Q1 lĩnh vực Vật lý thiên văn với chỉ số Impact: 5.58.
Ngay từ khi còn học tại trường THPT Chuyên Thăng Long, thành phố Đà Lạt, Châu Giang đã bị lôi cuốn bởi những cuốn sách, đoạn phim khoa học về vũ trụ. Cô gái nhỏ, trầm tính đến từ xứ sở ngàn hoa khát khao khám phá bầu trời đêm huyền bí, giải mã những bí ẩn của vũ trụ và ấp ủ ước mơ trở thành nhà thiên văn học trong tương lai.
Qua cộng đồng các bạn trẻ yêu thích thiên văn học – Vật lý thiên văn, Giang biết đến USTH và chương trình Vũ trụ và Ứng dụng của Trường. Sau một quá trình tìm hiểu và nhận được sự tư vấn, chia sẻ nhiệt tình từ các anh chị khóa trên, Giang quyết định nghe theo tiếng gọi của con tim, lựa chọn USTH là nơi trao gửi đam mê và ước mơ của bản thân.
Châu Giang quan niệm: “Life is an exploration of things. The more exploration we make, the more knowledge we gain.” (Tạm dịch sống là khám phá. Chúng ta càng khám phá, chúng ta càng tích lũy thêm nhiều kiến thức). Chính vì vậy, cô nàng muốn “tận dụng” tối đa quãng thời gian ngồi ghế giảng đường. Bên cạnh những buổi học trên lớp, Châu Giang tích cực tham gia các trường hè về thiên văn học, hội thảo, seminar để tích lũy kiến thức chuyên môn cũng như gặp gỡ các nhà khoa học để tìm ra định hướng nghiên cứu riêng cho bản thân sau này.
Đến năm thứ 2, khi Châu Giang tham gia hội thảo quốc tế “Chu trình khí và bụi trong Vũ trụ” tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), thành phố Quy Nhơn, cô nàng đã có dịp lắng nghe bài trình bày của PGS. TS. Hoàng Chí Thiêm, Trưởng nhóm Vật lý lý thuyết, Viện Thiên văn và Khoa học Không gian Hàn Quốc (KASI) và cảm thấy vô cùng hứng thú.
Đam mê và nhiệt huyết thôi thúc Giang viết thư giới thiệu bản thân và bày tỏ mong muốn được thực tập và làm đề tài tốt nghiệp dưới sự hướng dẫn của PGS. TS. Hoàng Chí Thiêm và may mắn nhận được sự đồng ý từ thầy.
Mới đây, Châu Giang đã có công bố khoa học đầu tay “Sự tiêu tán, phân cực, và màu sắc của Siêu tân tinh loại IA bởi ảnh hưởng từ sự quay của các hạt bụi” đăng trên tạp chí Astrophysical Journal của nhà xuất bản IOPscience, kết quả của 3 tháng nghiên cứu tại Viện Thiên văn và Khoa học Không gian Hàn Quốc (KASI), dưới sự chỉ bảo tận tình của PGS. TS. Hoàng Chí Thiêm và tiền bối Lê Ngọc Trẫm, cựu học viên thạc sĩ tại USTH, hiện đang làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm nghiên cứu Ames NASA.
IOP Science là một trong những nhà xuất bản hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Vật lý và các lĩnh vực khoa học khác. Astrophysical Journal là tạp chí về lĩnh vực thiên văn học có chỉ số impact factor 5.58, thuộc top cao so với các tạp chí cùng chuyên ngành khác. Theo bảng xếp hạng của Scimago Journal & Country Rank, Astrophysical Journal là tạp chí chất lượng cao Q1 và xếp thứ 34 trong top 100 tạp chí được bình chọn bởi Google Scholar.
Theo đuổi một lĩnh vực còn khá mới mẻ tại Việt Nam, Châu Giang cũng như nhiều bạn trẻ khác phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách lòng kiên trì và sự đam mê. Thành công bước đầu là nguồn động viên tinh thần và sự ghi nhận cho những nỗ lực bền bỉ của Châu Giang trên con đường trở thành một nhà nghiên cứu thực thụ trong lĩnh vực Vật lý thiên văn.
Hiện Châu Giang vẫn kiên trì theo đuổi con đường mình đã chọn bằng việc học tiếp chương trình thạc sĩ Vũ trụ tại USTH. Bên cạnh đó, cô nàng cũng đang tiếp tục làm đề tài mô hình ảnh hưởng của cơ chế phá hủy bụi bằng lực ly tâm lên bụi xung quanh các vật thể có bức xạ cao trong vũ trụ với PGS. TS Hoàng Chí Thiêm, đồng thời bày tỏ dự định nghiên cứu sâu hơn về chủ đề này trong tương lai.
Châu Giang muốn gửi đến các bạn trẻ cùng chung chí hướng với mình rằng: “ Hãy thầm lặng, làm việc chăm chỉ, nghiêm túc theo đuổi ước mơ của mình và mọi thứ sẽ ổn thôi.”
Chúc Châu Giang sớm có thêm các công bố quốc tế và hoàn thành được ước mơ của mình nhé!