Thạc sĩ ngành Vũ trụ của USTH là chương trình duy nhất tại Việt Nam đào tạo các nhà khoa học tương lai tham gia vào kỷ nguyên mới phát triển khoa học và công nghệ vũ trụ. Học viên tốt nghiệp được đồng cấp bằng bởi Việt Nam và Pháp. Do đó, chương trình nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều bạn trẻ yêu thích khoa học. Dưới đây là những câu hỏi thường gặp khi tìm hiểu về chương trình Thạc sĩ ngành Vũ trụ. Cùng USTH giải đáp các thắc mắc này nhé.
1. Yêu cầu tuyển sinh đầu vào của ngành Vũ trụ như thế nào?
Để theo học ngành này, ứng viên cần chuẩn bị nền tảng kiến thức về vật lý vững chắc. Ngoài ra, ngành Vũ trụ còn đòi hỏi khả năng tư duy toán học, sự am hiểu về địa lý và môi trường nhằm nâng cao khả năng tổng quát, xử lý các bài toán đa ngành trong thực tế cũng như những dự án về biến đổi khí hậu, đánh giá tác động của môi trường, …
Chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Vì vậy, ứng viên cần có trình độ ngoại ngữ tốt để đáp ứng yêu cầu đầu vào, phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu trong suốt chương trình.
Hơn nữa, yếu tố quan trọng nhất là niềm đam mê với lĩnh vực khoa học vũ trụ và công nghệ (quan sát trái đất, quan sát vũ trụ, viễn thám, công nghệ vệ tinh, …). Điều này sẽ giúp bạn không những ghi điểm trong mắt Hội đồng tuyển sinh, mà còn giữ lửa nhiệt huyết để theo đuổi mục tiêu công việc trong tương lai.
2. Yêu cầu tiếng Anh đầu vào của chương trình Thạc sĩ ngành Vũ trụ có bắt buộc phải có chứng chỉ tiếng Anh không?
Yêu cầu đầu vào tiếng Anh của chương trình Thạc sĩ ngành Vũ trụ KHÔNG BẮT BUỘC phải có chứng chỉ tiếng Anh.
Theo quy định của USTH, thí sinh có trình độ:
– tương đương IELTS 5.0 trở lên: được miễn 60h tiếng Anh tăng cường và chỉ học 100h tiếng Anh kỹ năng.
– dưới IELTS 5.0 phải học đồng thời 60h tiếng Anh tăng cường và 100h tiếng Anh kỹ năng.
Để xác định trình độ tiếng Anh của thí sinh, USTH quy định:
- Thí sinh đã có chứng chỉ Tiếng Anh IELTS từ 5.0 trở lên (hoặc TOEFL iBT 35 điểm trở lên) trong thời gian 02 năm 03 tháng tính đến ngày USTH tổ chức kiểm tra: được miễn tham gia bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào
- Thí sinh chưa có chứng chỉ tiếng Anh từ 5.0 trở lên (hoặc TOEFL iBT 35 điểm trở lên): bắt buộc tham gia kiểm tra tiếng Anh đầu vào do USTH tổ chức
- Các trường hợp khác sẽ do Hội đồng tuyển sinh trường xem xét quyết định
Thông thường, USTH sẽ tổ chức 2 đợt kiểm tra tiếng Anh trước và sau khi nhập học.
Thí sinh có thể đăng ký lớp tiếng Anh hè do USTH tổ chức vào tháng 8 hàng năm để nâng cao năng lực ngoại ngữ trước khi theo học chính thức.
3. Thí sinh không tốt nghiệp Cử nhân ngành Vũ trụ nhưng muốn chuyển sang học Thạc sĩ ngành này thì có được không?
Dựa trên yêu cầu tuyển sinh đầu vào của ngành, thí sinh cần nộp hồ sơ để Hội đồng tuyển sinh trường xét duyệt. Thực tế, có nhiều thí sinh tốt nghiệp Cử nhân các ngành như vật lý, hàng không vũ trụ, khoa học trái đất, khoa học môi trường, địa lý tự nhiên, khoa học dữ liệu, điện tử, … đã đăng ký và theo học ngành Vũ trụ. Hiện nay, các bạn vẫn đã và đang có những bước tiến vững chắc trên con đường sự nghiệp của mình.
4. Làm thế nào để học viên nhận được cơ hội thực tập nước ngoài? Nhà trường có chính sách hỗ trợ gì cho học viên thực tập nước ngoài không?
Học viên sẽ có 6 tháng thực tập tại các đơn vị, tổ chức, viện nghiên cứu, … ở trong và ngoài nước. Nhờ vào mạng lưới đối tác toàn cầu của khoa Vũ trụ và Ứng dụng, 90% học viên ngành Vũ trụ có cơ hội thực tập được trả lương tại Pháp và nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, …
Đồng thời, trong kỳ thực tập, học viên không những nhận được sự hỗ trợ, tư vấn định hướng từ phía khoa Vũ trụ và Ứng dụng, mà còn có cơ hội giành học bổng thực tập USTH với các mức giá trị cao (năm học 2023 – 2024, học bổng thực tập USTH có trị giá từ 10 đến 45 triệu đồng/ học viên). Ngoài ra, nhiều học viên ngành Vũ trụ đã xuất sắc chinh phục thêm nhiều học bổng danh giá khác của các trường Đại học lớn trên thế giới.
5. Học viên sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Vũ trụ có cơ hội nghề nghiệp như thế nào trong tương lai?
Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Vũ trụ, học viên có nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực khoa học và công nghiệp vũ trụ; phát triển, điều khiển vệ tinh; nghiên cứu sử dụng dữ liệu vệ tinh cho giám sát môi trường, nghiên cứu vật lý thiên văn tại các trung tâm nghiên cứu và doanh nghiệp trong và ngoài nước; theo đuổi sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu; là chuyên gia trong các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường…