Đó là chia sẻ của Nguyễn Tuấn Linh, cựu sinh viên ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano, hiện đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Paris Diderot, Pháp về hành trình đến với ngành học “vạn năng” của thời đại công nghiệp 4.0. Khó khăn và thử thách là tất yếu trên con đường chinh phục tri thức, theo đuổi đam mê, tuy nhiên, nếu muốn tiệm cận gần hơn tới mục tiêu của bản thân, điều quan trọng nhất là cần phải đi đúng hướng.
Đam mê đến “muộn”
Không giống như nhiều bạn bè học khối ngành khoa học – công nghệ – kỹ thuật, tìm thấy đam mê đối với ngành học mình yêu thích từ sớm, Nguyễn Tuấn Linh cho rằng cơ duyên của mình đối với ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano đến khá “muộn”. Tuấn Linh trúng tuyển vào một ngành học khác tại USTH nhưng trong quá trình học năm nhất, Linh có cơ hội gặp gỡ và nhận được sự chia sẻ của các thầy cô khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano.
Bị bất ngờ bởi những ứng dụng phong phú của ngành học còn rất mới mẻ này trong các lĩnh vực của đời sống từ thiết bị điện tử đến chăm sóc sức khỏe, môi trường…, đồng thời bị cuốn hút bởi những đề tài nghiên cứu mà khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano đang triển khai, Linh nhận thấy đây chính là lĩnh vực mình thực sự mong muốn theo đuổi và đã đưa ra một quyết định “táo bạo”: chuyển ngành. Linh chia sẻ: “Mình cảm thấy thật may mắn vì đã tìm thấy định hướng của bản thân trước khi “quá muộn” và cũng nhận được sự tạo điều kiện từ phía Nhà trường. Nhìn lại chặng đường gắn bó 3 năm đại học và 2 năm thạc sĩ tại khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano, mình luôn cảm ơn các thầy cô vì đã đồng hành, đưa cho mình những lời khuyên hữu ích trong học tập, nghiên cứu và cả cuộc sống, nhờ đó mình đã dần trưởng thành và tự tin hơn trên con đường mình lựa chọn.”
Đối với một sinh viên theo ngành khoa học, mỗi giây phút trong phòng thí nghiệm đều khó quên: niềm vui khi thí nghiệm thành công, thất vọng khi thí nghiệm thất bại, áp lực khi phải “chạy” deadline và cả những giờ xả hơi “học và chơi hết mình” cùng bạn bè. Với Linh, khoảng thời gian tham gia dự án nghiên cứu cùng thầy Nguyễn Văn Quỳnh – Đồng trưởng khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano là quãng thời gian đáng nhớ nhất. “Không khí làm việc chăm chỉ và gần gũi giữa thầy và trò khiến cho mình thực sự lưu luyến khi phải chia xa. Mỗi khi chúng mình gặp khó khăn, các thầy cô an ủi và động viên tinh thần, đồng thời cùng trao đổi để tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục.”
Đặc biệt, Tuấn Linh còn nhớ rõ khoảng thời gian chuẩn bị cho đợt thực tập tại Đại học Paris Diderot, Pháp cho chương trình đại học. Vì đây là lần đầu tiên xa nhà, đến một quốc gia xa lạ nên Linh đã nhận được sự hướng dẫn tận tình từ phía các giảng viên, những người đã có kinh nghiệm sống và học tập tại Pháp. “Mình đã được các thầy cô tư vấn cặn kẽ từ những việc nhỏ như chuẩn bị vali thế nào, khi đến Pháp thì đi ra sao để đến địa điểm thực tập. Thế nên, mặc dù lần đầu đi Pháp nhưng mình vẫn không bị bỡ ngỡ.”
“Cơ hội giống như bình minh, nếu chờ lâu quá bạn có thể bỏ lỡ”
Đối với lĩnh vực khoa học – công nghệ, để tiến xa trong sự nghiệp, sinh viên cần rèn luyện cho mình tính chủ động và sáng tạo, bởi khi đó bạn sẽ tìm ra được thế mạnh và hướng đi phù hợp cho bản thân. Tuấn Linh cho biết: “Tại USTH, đặc biệt ở khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano, có rất nhiều cơ hội cho sinh viên để phát triển bản thân như tham gia dự án nghiên cứu trong quá trình học, trao đổi, thực tập tại nước ngoài. Thầy cô cũng cởi mở, tôn trọng sự khác biệt của từng sinh viên. Nếu bạn thực sự yêu thích và nỗ lực, thầy cô sẽ tạo điều kiện để bạn phát huy khả năng của mình.” Mặc dù vậy, để nắm bắt được các cơ hội này, sinh viên cũng cần chủ động và nỗ lực trong học tập, nghiên cứu. “Cơ hội giống như bình minh, nếu chờ lâu quá bạn có thể bỏ lỡ”. Đó chính là lời chia sẻ chân thành Tuấn Linh muốn gửi lời nhắn nhủ đến các em sinh viên khóa dưới – những người có cùng đam mê với các hạt vật chất nano – nhỏ nhưng đầy quyền năng này.
Tuấn Linh khuyên các bạn sinh viên trong khoảng thời gian 3 năm học tại USTH, hãy chủ động kết nối, chia sẻ với thầy cô về định hướng nghiên cứu mình quan tâm, còn nếu đang phân vân cũng đừng ngần ngại nói ra suy nghĩ của bản thân. Với kinh nghiệm giảng dạy và “làm nghề” nhiều năm, các thầy cô sẽ đưa ra cho bạn những lời khuyên, sự hướng dẫn và hỗ trợ phù hợp.
Cơ hội thực tập 3 tháng tại Pháp và trở thành nghiên cứu sinh tại Đại học Paris Diderot đến với Tuấn Linh cũng chính nhờ sự kết nối chủ động của bạn với giáo sư người Pháp đến USTH giảng dạy và nghiên cứu. Linh cho biết: “Mình được thầy ký hợp đồng nghiên cứu đề tài nghiên cứu tiến sĩ, đồng nghĩa với việc mình sẽ được trả lương trong quá trình học nghiên cứu sinh tại Pháp. Thầy đã hướng dẫn mình trong kỳ thực tập tốt nghiệp ở chương trình đại học. Vì vậy, trong quá trình học và làm việc với giảng viên nước ngoài, các bạn nên cố gắng để lại ấn tượng tốt bởi các thầy cô có thể trao cho bạn những cơ hội thực tập, học tiếp tại nước ngoài sau này.”
Hiện, Tuấn Linh đang nghiên cứu về cơ chế vận chuyển điện tích trong các mối nối phân tử, tiếp tục định hướng mà bạn đã bắt đầu từ chương trình đại học. Tuấn Linh nhấn mạnh: “Con đường nghiên cứu đòi hỏi sự kiên trì và gắn bó bền lâu. Do vậy, điều quan trọng là chúng ta cần xác định được hướng đi phù hợp và đi đúng hướng nếu muốn tiệm cận gần hơn với mục tiêu của bản thân.”
Chúc Tuấn Linh vững tin và thành công với định hướng bạn đã lựa chọn!