Pauline Martinot – nghiên cứu sinh thực tập tại USTH – được trao giải “Diễn giả xuất sắc nhất” cho bài thuyết trình “Sử dụng thiết bị cảm biến huỳnh quang mới trong phương pháp đo tại hiện trường nhằm xác định lượng carbon đen hòa tan có nguồn gốc từ giao thông hàng hải” tại Hội nghị “Quang học đại dương” lần thứ 25 tại Quy Nhơn (Việt Nam) từ ngày 02 – 07/10/2022.
Pauline Martinot là nghiên cứu sinh năm thứ hai về lĩnh vực vật lý biển và sinh địa hoá tại Đại học Aix Marseille (Pháp). Trong kỳ thực tập cuối khóa tại Viện Hải dương học Địa Trung Hải, cô tập trung nghiên cứu về carbon đen hòa tan (DBC) thông qua các phép đo huỳnh quang và độ hấp thụ.
DBC là một dạng ô nhiễm liên quan đến quá trình đốt cháy không hoàn toàn nhiên liệu hoá thạch (than, dầu mỏ,..), gỗ hoặc các nhiên liệu khác. Điểm nóng chính của tình trạng ô nhiễm này nằm tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ô nhiễm carbon đen không những làm gia tăng hiện tượng trái đất nóng lên mà còn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân trên dải đất hình chữ S cũng như hệ sinh thái địa phương.
Vì vậy, nghiên cứu của Pauline nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng khoa học Việt Nam. Cô nhanh chóng tìm được tiếng nói chung với những “đối tác” khoa học đầy tham vọng và triển vọng tại USTH. Do đó, cô quyết định dành năm thứ hai và thứ ba trong chương trình Tiến sĩ của mình ở Hà Nội với mong muốn hợp tác cùng các nhà nghiên cứu đến từ 2 khoa sở hữu thế mạnh cũng như bề dày về thành tựu nghiên cứu của USTH là khoa Vũ trụ và Ứng dụng (SA) và khoa Nước – Môi trường – Hải dương học (WEO). Trong khuôn khổ dự án SOOT-SEA (Mạng lưới nghiên cứu quốc tế của IRD), các khoa SA và WEO đang thực hiện các nghiên cứu về carbon đen bằng cách sử dụng phân tích hóa học và mô hình hóa để nghiên cứu về carbon đen. Ngay từ những ngày đầu đến USTH, các thành viên của hai khoa đều dành cho Pauline sự chào đón nồng hậu và quan tâm đặc biệt. Hơn nữa, tinh thần “đồng đội” từ “đại gia đình” SA và WEO đã truyền cho cô rất nhiều động lực khi lần đầu đến học tập và sinh sống tại Việt Nam.
Hội nghị “Quang học Đại dương” mà Pauline tham dự kéo dài trong 4 ngày. Tại đây, cô không chỉ được lắng nghe những bài thuyết trình thú vị mà còn có cơ hội giao lưu với nhiều nhà khoa học lỗi lạc thuộc mọi quốc tịch. Đây cũng là lần đầu tiên cô góp mặt tại một hội nghị quốc tế. Vì vậy, khi nộp bản tóm tắt vài tháng trước, cô không bao giờ nghĩ rằng bài thuyết trình của mình sẽ được lựa chọn tại một hội nghị danh tiếng và uy tín như vậy.
Vào ngày đầu tiên của Hội nghị, Pauline tâm sự rằng cô đã rất lo lắng đến nỗi mỗi bước chân lên bục thuyết trình với cô khi ấy thật đỗi khó khăn. Nhưng sau đó, mọi chuyện đã khác. Pauline chia sẻ: “Khi bắt đầu bài thuyết trình, tôi ngay lập tức nhận được sự quan tâm cũng như ánh nhìn thiện cảm của các nhà khoa học dành cho những kết quả nghiên cứu của mình. Sự căng thẳng của tôi biến mất! Tôi tiếp tục bài thuyết trình bằng cách tận dụng tối đa cơ hội này để nói về nghiên cứu mà tôi và nhóm của mình đang theo đuổi. Và tôi đã có cuộc thảo luận đầy sôi nổi, thú vị trong phần hỏi – đáp”.
Cảm biến mà Pauline trình bày tại hội nghị là kết quả sau gần một năm nghiên cứu ở Marseille (Pháp) và hợp tác với Đại học Oldenburg (Đức). Nhưng trước khi phát triển cảm biến này, có rất nhiều công việc cần phải thực hiện nhằm mô tả đặc tính quang học của DBC. Hoạt động này chiếm phần lớn thời gian thực tập cuối khóa của cô. Cho nên, sự hợp tác của Pauline với USTH và Viện Tài nguyên và Môi trường biển – IMER (Hải Phòng) đã cho phép cô thu thập một lượng lớn các mẫu carbon đen dạng hạt đến từ các máy bơm khí quyển ở Hà Nội và các tàu thuyền từ cảng Hải Phòng. Những mẫu này là bước đầu tiên trong công việc của Pauline.
Giải “Diễn giả xuất sắc nhất” là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực nghiên cứu của Pauline. Đồng thời, đây cũng là kỷ niệm đáng nhớ của cô khi chọn USTH nói riêng và Việt Nam nói chung là điểm đến trong hành trình nghiên cứu của mình.
Chúc mừng Pauline Martinot! Chúc bạn sẽ có thêm nhiều kỷ niệm tuyệt vời ở USTH và Việt Nam.