Lê Ngọc Trẫm – cựu học viên Thạc sĩ ngành Vũ trụ (2012 – 2014) của USTH – vừa công bố những nghiên cứu mới nhất về 30 Doradus (hay còn gọi là Tinh vân Nhện đỏ). Kết quả của nghiên cứu này ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới khoa học và nhanh chóng được hàng loạt tờ báo lớn của Mỹ (như NASA, Science Tech Daily) đưa tin.
Nghiên cứu về 30 Doradus nằm trong Chương trình SOFIA (Stratospheric Observatory for Infrared Astronomy) – Đài quan sát Thiên văn trên tầng bình lưu dành cho Thiên văn học hồng ngoại. Đây là chương trình hợp tác giữa Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Trung tâm hàng không vũ trụ Đức, do USRA điều hành, nhằm khám phá những hiện tượng bí ẩn của vũ trụ mà kính thiên văn hồng ngoại đặt trên mặt đất bị hạn chế, ví dụ như sự hình thành của các vì sao, hành tinh hay những hố đen vũ trụ, …
Lê Ngọc Trẫm cùng cộng sự tại SOFIA đã nghiên cứu và chỉ ra rằng từ trường trong khu vực 30 Doradus, một vùng hình thành sao của Đám Mây Magellan Lớn, có thể là chìa khóa cho những “hành vi” bất thường của nó. Nghiên cứu phát hiện rằng từ trường trong khu vực này có vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa của 30 Doradus và các đám mây phân tử tương tự.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu phân cực tuyến tính của bức xạ bụi từ Camera băng thông rộng trên không có độ phân giải cao của SOFIA Plus (HAWC+) để đo đạc từ trường trong 30 Doradus. Về mặt tổng quan, nghiên cứu chỉ ra rằng áp suất từ trong 30 Doradus khá mạnh đủ giúp cho đám mây được tồn tại bên cạnh một cụm sao khối lượng lớn R136, và có khả năng ngăn cản sự sụp đổ của đám mây để hình thành các ngôi sao mới. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy rằng nhiễu loạn nén siêu vượt âm có thể giúp hình thành những ngôi sao mới tại số khu vực trong lòng đám mây phân tử này. Tuy nhiên, các vùng từ trường yếu hơn cho phép khí nóng tạo bởi bức xạ của cụm sao R136 thoát ra và làm phình to các vỏ bọc khổng lồ xung quanh đám mây 30 Doradus.
Phát hiện này có ý nghĩa rất lớn trong hành trình vén màn bí ẩn về sự hình thành của các ngôi sao trong vũ trụ. Đây sẽ là tiền đề cho những nhà khoa học tiếp tục các công trình nghiên cứu có giá trị trong lĩnh vực thiên văn học nói riêng và vũ trụ nói chung.
Lê Ngọc Trẫm là 1 trong số những gương mặt tiêu biểu của Khoa Vũ trụ và Ứng dụng đã và đang có những đóng góp quý giá cho khoa học trên trường quốc tế.
Ngọc Trẫm tốt nghiệp thạc sĩ ngành Vũ trụ tại USTH và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Vật lý thiên văn tại Đài quan sát thiên văn quốc gia Paris và Trường Đại học Sư phạm Paris (École Normale Supérieure de Paris). Trẫm từng là trợ giảng tại trường Đại học Sư phạm Paris, Pháp, thực tập sinh tại Viện Thiên văn học và Khoa học Vũ trụ Hàn Quốc. Năm 2019, Trẫm được nhận làm NCS sau tiến sĩ tại Trung tâm nghiên cứu AMES của NASA tại California theo chương trình SOFIA, tài trợ bởi Hiệp hội trường đại học nghiên cứu không gian (USRA). Hiện nay, Ngọc Trẫm đang là nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Max-Planck (Max-Planck Institute for Radio Astronomy), Đức. |