Trở thành người tiên phong dấn thân vào chuyến phiêu lưu mới đầy mạo hiểm hay tiếp tục con đường gia đình mong muốn, Lâm đã từng do dự khi lựa chọn giữa hai ngã rẽ như thế. Và rồi, niềm đam mê khám phá các vì sao đã trở thành động lực để Lâm theo đuổi ước mơ của mình.
Ước mơ bị trì hoãn
Nguyễn Tùng Lâm (cựu học viên hệ Thạc sĩ ngành Vũ trụ USTH khóa 2015-2017) đã bị hấp dẫn bởi vũ trụ huyền bí ngay từ những năm tháng là học sinh chuyên Lý trường THPT chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Lâm kể, ngày đó, bạn hay “lê la” các diễn đàn về thiên văn để giao lưu với bạn bè cùng sở thích và trao đổi kiến thức về thiên văn. Thậm chí bạn còn tự chế cả 1 chiếc kính thiên văn khúc xạ từ ống nhựa. Tình yêu với thiên văn học cứ thế lớn dần và Lâm bắt đầu có suy nghĩ nghiêm túc về việc định hướng bản thân theo đuổi lĩnh vực này lâu dài.
Vậy mà ước mơ khám phá về các vì sao của Lâm bị gián đoạn khi gia đình không ủng hộ việc theo đuổi con đường khoa học kĩ thuật và muốn bạn học kinh tế. Sau khi học hết năm thứ nhất trường kinh tế, đã có lúc cơ hội đến với Lâm khi biết được Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội – USTH (còn được gọi là Đại học Việt Pháp) – mở ngành Vũ trụ và Ứng dụng. Bạn cũng đã được thầy Pierre Lesaffre – giảng viên khoa Vũ trụ và Hàng không trực tiếp giới thiệu về chương trình đào tạo của khoa, chế độ học bổng cũng như tiềm năng phát triến và cách thức nộp hồ sơ.
“Đó là giây phút em đứng giữa hai sự lựa chọn: theo đuổi ước mơ, trở thành người tiên phong dấn thân vào chuyến phiêu lưu mới đầy mạo hiểm hay tiếp tục con đường gia đình mong muốn. Nhưng vì do dự và e ngại mà em lúc đó chưa thể theo đuổi đến cùng tình yêu với vũ trụ của mình”, Lâm nói.
Kiên trì theo đuổi ước mơ
Suốt bốn năm học đại học, tình yêu với thiên văn học vẫn âm ỉ cháy trong Lâm. Bạn tự mày mò tìm kiếm các khóa học trực tuyến về thiên văn để nâng cao hiểu biết và thỏa niềm đam mê với vũ trụ. Bạn cũng đăng ký tham gia các diễn đàn, câu lạc bộ thiên văn, các sự kiện cộng đồng như Space Day – Ngày hội Khoa học và Công nghệ Vũ trụ – do USTH phối hợp với Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội tổ chức nhằm giới thiệu vật lý thiên văn và công nghệ vũ trụ tới các bạn trẻ. Thú vị hơn, một vài lần Lâm đã “vượt rào” học ké vài buổi với các sinh viên USTH vì quá mê ngành học và ngôi trường này.
Càng ngày, Lâm càng nhận thấy thiên văn học mới là niềm đam mê đích thực của mình, nên sau khi tốt nghiệp đại học, bạn quyết tâm theo đuổi ước mơ còn dang dở bằng việc nộp hồ sơ ứng tuyển hệ Thạc sĩ ngành Vũ trụ tại USTH. Vì học trái ngành nên thử thách dành cho Lâm cũng nhiều hơn so với các thí sinh khác (chỉ cần xét hồ sơ và phỏng vấn). Bạn phải vượt qua bài kiểm tra đầu vào và chứng minh được khả năng, đam mê của mình trước thầy Yannick Giraud-Heraud – Trưởng khoa Vũ trụ và Hàng không. Cuối cùng, bằng tình yêu với thiên văn học và vốn kiến thức phong phú tự trau dồi, Lâm đã chinh phục thầy Yannick và được nhận vào hệ Thạc sĩ ngành Vũ trụ mà không cần học bổ sung chương trình hệ Đại học.
Từng bước chinh phục các vì sao
Giữa ba chuyên ngành Vật lý thiên văn, Vệ tinh và Công nghệ vũ trụ của hệ Thạc sĩ ngành Vũ trụ, Lâm đã không ngần ngại lựa chọn Vật lý thiên văn vì đây là lĩnh vực bạn yêu thích hơn cả. Lâm giải thích, thiên văn học là ngành khoa học tự nhiên cổ xưa nhất, nghiên cứu những hiện tượng trên bầu trời và sự tiến hóa của toàn thể vũ trụ nhằm thỏa mãn nhu cầu khám phá, chinh phục vũ trụ của con người.
Hơn nữa, đây cũng là lĩnh vực đa ngành, không chỉ đòi hỏi kiến thức vật lý, thiên văn học mà cả địa chất, khoa học vật liệu, khoa học máy tính, sinh học, cơ điện tử… để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Chẳng hạn, kỹ thuật phục hồi hình các thiên thể cho sắc nét đã được áp dụng trong ngành y để chẩn đoán bệnh trong võng mạc ở đáy mắt. Vì vậy mà vật lý thiên văn càng thú vị.
Khi theo học tại USTH, việc được tiếp xúc với các giảng viên mà hầu hết là các nhà nghiên cứu cấp cao từ Pháp là một trong những trải nghiệm quý giá nhất đối với Lâm. Các giảng viên đều thân thiện, kiên nhẫn và sẵn sàng giải thích các thắc mắc của học viên nên Lâm và các bạn không chỉ được tiếp cận với những tri thức tiên tiến nhất mà còn được truyền cảm hứng và niềm đam mê bất tận về vũ trụ bao la.
Bên cạnh đó, khóa học tại USTH đã mở cánh cửa tiếp cận nền khoa học tiên tiến của thế giới cho Lâm với cơ hội thực tập hiếm có tại Đài Thiên văn Paris Meudon vào năm 2017 khi đang học năm 2 hệ Thạc sĩ. Tại đây, Lâm không chỉ được cọ xát với môi trường làm việc chuyên nghiệp mà còn tìm được đề tài nghiên cứu phù hợp về các siêu cụm sao trong thiên hà bùng phát sao bằng kính thiên văn không gian James Webb cũng như nhiều hệ kính thiên văn lớn khác trên mặt đất. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của thầy giáo là nghiên cứu viên cấp cao, cộng với nỗ lực của bản thân, Lâm ứng tuyển thành công để trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ từ tháng 12 năm đó.
Trong thời gian theo học tại USTH, việc học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh, thường xuyên thực hiện các bài thuyết trình và tham gia các hội thảo khoa học, seminar chuyên đề với các giảng viên đã giúp Lâm có cái nhìn tổng quan về các nghiên cứu của thế giới và các dự án khoa học, từ đó nhanh chóng “bắt nhịp” với môi trường học tập và làm việc tại nước ngoài. Những kiến thức đã học trước đây tại USTH lại trở thành nguồn tài liệu tri thức nền tảng cho đề tài nghiên cứu của Lâm.
Lâm chia sẻ, USTH đã tiếp lửa đam mê và từng bước giúp bạn chạm tay vào ước mơ của mình. Gia đình cũng dần thay đổi suy nghĩ và ủng hộ hơn khi thấy bạn kiên định và có những thành công bước đầu với niềm đam mê của mình. Bên cạnh định hướng nghiên cứu về vũ trụ, Lâm cũng mong muốn có thể chia sẻ kiến thức và tình yêu với vật lý thiên văn tới cộng động, đặc biệt là các bạn trẻ. Lâm rất tâm đắc với câu nói của Robert H.Goddard, nhà khoa học tiên phong của ngành hàng không vũ trụ Mỹ: “Thật khó mà nói điều gì là không thể, vì ước mơ của ngày hôm qua là hi vọng của hôm nay và là hiện thực của ngày mai”, và bạn đang nỗ lực từng ngày để hiện thực hóa ước mơ của mình.