Ngày 17/12/2020, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã tổ chức Lễ Khai trương Fablab USTH- không gian sáng tạo mở cho các bạn trẻ yêu thích sáng tạo khoa học- công nghệ- kỹ thuật.
Tham dự sự kiện có GS. Jean-Marc Lavest – Giám đốc châu Á Thái Bình Dương của Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF; ông Chekou Oussouman, Đại diện của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ OIF tại khu vực châu Á Thái Bình Dương; ông Eric Molay, Tùy viên hợp tác khoa học và Đại học, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cùng đại diện của các trường đại học và các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Về phía USTH, có sự tham gia của GS. Etienne Saur, Hiệu trưởng chính, PGS. TS. Đinh Thị Mai Thanh, Hiệu trưởng, các thành viên trong nhóm phụ trách dự án, cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường.
Phát biểu khai mạc chương trình, GS. Etienne Saur cho biết Fablab USTH là dự án hợp tác giữa USTH và AUF trong khuôn khổ dự án C-NEUF (Campus kỹ thuật số của Không gian đại học Pháp ngữ) với mục tiêu xây dựng một không gian sáng tạo mở dành cho thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. GS. Etienne Saur cảm ơn sự tin tưởng và hỗ trợ của AUF, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của nhóm phụ trách dự án đã góp phần quan trọng tạo dựng những tiền đề đầu tiên cho một không gian sáng tạo mở ngay tại USTH.
Thay mặt AUF, GS. Jean- Marc Lavest bày tỏ sự vui mừng trước bước tiến quan trọng này của dự án Fablab USTH. Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, hiện tại AUF đang hỗ trợ tài chính cho 3 dự án tương tự, trong đó FabLab USTH nhận được tài trợ với tổng kinh phí khoảng 50.000 euro.
Việc thành lập Fablab USTH đi theo tinh thần của chương trình cải cách hệ thống giáo dục đại học và tăng cường đào tạo theo định hướng giáo dục nghề nghiệp mà chính phủ Việt Nam đề ra. GS. Lavest bày tỏ kỳ vọng Fablab USTH sẽ giúp học sinh, sinh viên có thể cụ thể hóa những kiến thức cơ bản đã học và tạo điều kiện cho giảng viên đại học xây dựng các chương trình giảng dạy tiên tiến hơn.
Cũng tại buổi lễ, TS. Nguyễn Xuân Trường, chủ nhiệm dự án Fablab USTH đã điểm lại những hoạt động của dự án trong thời gian qua, đồng thời đề ra kế hoạch trong thời gian tới.
Dù chưa chính thức ra mắt nhưng Fablab USTH đã bắt đầu hoạt động từ năm 2018 với nhiều hoạt động kết nối, thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong cộng đồng như Cuộc thi sáng tạo 24h Hackathon, tham gia Ngày hội STEM, các khóa học sử dụng máy in 3D, Workshop về khởi nghiệp, Tập huấn về áp dụng STEM trong giáo dục phổ thông…
Dưới sự hỗ trợ từ AUF, Fablab USTH được xây dựng với 4 không gian: Không gian đào tạo, Không gian làm việc chung, Không gian thiết kế và Không gian tiền sản xuất.
Với những trang thiết bị máy móc và công cụ hiện đại hỗ trợ đắc lực cho quá trình tìm tòi, khám phá và thử nghiệm các ý tưởng mới như máy in- scan 3D, máy CNC, máy phay, máy tiện, bo mạch, các thiết bị tự động hóa (PLC), mặt Arduino, Wacom, các phần mềm bổ trợ tư duy thiết kế mô hình 2D, 3D, Fablab USTH sẽ là nơi giao lưu, gặp gỡ, học hỏi và hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của các bạn học sinh, sinh viên yêu thích khoa học- công nghệ- kỹ thuật.
TS. Nguyễn Xuân Trường cho biết trong thời gian tới, Fablab USTH sẽ tìm kiếm cơ hội để mở rộng hợp tác với khối doanh nghiệp, đẩy mạnh các dự án ứng dụng của sinh viên. Và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động dành cho đối tượng phổ thông, góp phần lan tỏa, nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo, đổi mới, tinh thần “can-do” trong thế hệ trẻ Việt Nam.
Khép lại buổi lễ, GS. Jean-Marc Lavest ông Etienne Rolland-Piegue, GS. Etienne Saur và PGS. TS. Đinh Thị Mai Thanh đã cắt băng khai trương, chính thức ra mắt Fablab USTH với công chúng.