inh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Yên Mô, Ninh Bình, Lã Thị Hường, cô sinh viên nhỏ bé nhưng đầy nghị lực đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn để sống trọn vẹn với niềm đam mê kỹ thuật điện tử.
Cái khó “ló”… đam mê
Tay cầm tua vít, tay cầm mỏ hàn, Hường thoăn thoắt thao tác giống như 1 người thợ cơ khí lành nghề. Bên cạnh em là la liệt những bản mạch, linh kiện, 3 máy CNC và máy tính được sắp xếp một cách “bừa bộn nhưng gọn gàng” trong căn phòng 8m2 mà em gọi vui đó là “chuồng lợn”.
“Chuồng lợn” của Hường bao gồm 1 bàn học là chiếc máy khâu hỏng của mẹ, giá sách do mẹ tự đóng từ cửa sổ cũ và 1 chiếc giường ngủ mà 2/3 diện tích giường em dành để máy móc, chỉ còn 1 phần để ngủ. “Chuồng lợn” vừa là nơi để học, để ngủ và cũng là “vương quốc” riêng để em được thỏa sức đam mê vẫy vùng với những sáng tạo của riêng mình.
Mặc dù có “vương quốc sáng tạo” của riêng mình nhưng ít ai biết rằng, cô gái nhỏ bé Lã Thị Hường lại sinh ra trong 1 gia đình có hoàn cảnh khó khăn với mẹ làm nông, bố bị bệnh không có khả năng lao động. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều do mẹ em lo toan, gánh vác.
Nhà nghèo, không có điều kiện để mua đồ chơi. Đồ chơi của Hường ngày bé là những thứ có sẵn quanh nhà, là bầu trời, màn đêm, là cánh đồng. Hường từng mơ ước có được chiếc kính thiên văn để có thể thỏa thích ngắm bầu trời và những vì sao nhưng gia đình không có điều kiện để mua.
14 tuổi, khi đang là học sinh lớp 8, Hường đã tự chế tạo cho riêng mình 1 chiếc kính thiên văn. “Nhưng kính lắp xong em thấy có gì đó chưa ổn và em bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về kính thiên văn thì biết rằng chiếc kính mà em tự chế còn rất thô sơ, kính “chuẩn” cần phải tích hợp cả điện tử. Và để “chế” ra được 1 chiếc kính chuẩn thì cần phải có máy CNC tích hợp vẽ, phay, cắt…” – Hường nhớ lại.
Hường dành gần như toàn bộ thời gian những năm học cấp 3 để tìm hiểu về máy CNC. Và cứ thế tình yêu kỹ thuật điện tử lớn lên trong Hường lúc nào không hay.
Để có kiến thức, Hường đọc sách, đọc tài liệu trên Internet. Để có kinh nghiệm và kinh phí thực hành em đi làm thêm. Ngày nào cũng như ngày nào, ban ngày đi học, đi làm thêm, ban đêm em đắm chìm trong thế giới của riêng mình đến 2-3 giờ sáng. Tính ra 1 ngày Hường chỉ ngủ 2-3 tiếng và quỹ đạo đó lặp đi lặp lại suốt gần 1 năm.
Thành quả là hè lớp 12, chiếc máy cắt CNC đầu tiên được hoàn thiện. Hường mạnh dạn mang sản phẩm đăng ký thi trực tiếp tại Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình. Sản phẩm của Hường được lọt vào vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Ninh Bình, được lựa chọn để tham dự cuộc thi toàn quốc và đã xuất sắc giành giải 3 chung cuộc.
“Điểm tựa tinh thần là mẹ”
Hường kể, để có thể luôn “cháy” hết mình với niềm đam mê kỹ thuật, điện tử trong điều kiện kinh tế gia đình khó khăn thì “chỉ có mẹ là người tin tưởng và đặt niềm tin vào em nhất, mẹ luôn âm thầm đồng hành, ủng hộ với em trong mọi quyết định”.
Và cũng chính người mẹ ấy, người chỉ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đã ủng hộ Hường hết mình khi em nộp hồ sơ vào USTH, ngôi trường đại học mà lần đầu tiên người mẹ ấy mới nghe tên và biết đến.
Hường đến với USTH với vốn tiếng Anh gần như là con số 0 và thứ duy nhất em có khi nộp hồ sơ vào trường là tình yêu, niềm đam mê kỹ thuật và sự can đảm.
Chính niềm đam mê, tính cách quyết đoán, Hường đã chinh phục hội đồng phỏng vấn và trúng tuyển vào ngành Vật lý kỹ thuật và Điện tử tại USTH.
Đỗ đại học đối với nhiều người là niềm vui, nhưng với Hường, niềm vui ấy chan chứa cả nỗi lo về “cơm áo gạo tiền”.“Em thương mẹ vất vả bởi mẹ là lao động chính trong nhà. Để có tiền cho em nhập học, mẹ đã phải chạy đôn, chạy đáo vay tiền khắp nơi.” Với nỗ lực của mẹ, Hường đã hiện thực hóa được mong muốn của mình. Em trở thành thí sinh cuối cùng nhập học vào USTH năm 2019.
Hường bảo, “em luôn tin mình chắc chắn sẽ làm được và em luôn coi USTH là nhà, là niềm tự hào và là mục tiêu phấn đấu của mình”.
Sau 2 năm học tại USTH, từ cô gái sống nội tâm, khép kín giờ Hường đã tự tin hơn rất nhiều. “Em vui vì giờ mình có thể giao tiếp và đọc tài liệu bằng tiếng Anh – điều mà trước đây em và gia đình không bao giờ nghĩ tới. Em vui vì ở USTH em được tiếp tục thỏa sức với những đam mê, nghiên cứu của mình về điện tử, kỹ thuật”.
Trong cái nắng oi ả của mùa hè, Hường vẫn miệt mài từ sáng tới chiều tại Fablab, nơi Hường và các bạn cùng nhau tìm tòi, sáng tạo. Trong ánh mắt của em luôn ánh lên nghị lực quyết tâm và tôi tin em sẽ làm được.