Từ năm 2016, trường USTH đã xây dựng quy trình tuyển chọn và phê duyệt các đề xuất cho các loại đề tài có quy mô khác nhau (VD: “Đề tài mục tiêu” vào năm 2021 dành cho các đề tài liên ngành, hợp tác với các đối tác bên ngoài, “Đề tài Loại 1” dành cho giảng viên – nhà nghiên cứu dày dặn kinh nghiệm, “Đê tài Loại 2” dành cho các nhà nghiên cứu trẻ, và USTH-20 dành cho ý tưởng sáng tạo đổi mới của sinh viên). Những đề xuất được chọn sẽ được góp ý về chuyên môn bởi các Hội đồng khoa học quy tụ các nhà nghiên cứu dày dặn kinh nghiệm trong ngành/lĩnh vực liên quan đến đề tài. Nhờ đó, các chủ nhiệm đề tài có thêm nhiều kinh nghiệm và ngày càng hoàn thiện hơn trong việc chuẩn bị đề xuất và huy động tài trợ cho các đề tài tiếp theo.
Từ năm 2017, USTH cam kết nguồn kinh phí dành cho phát triển nghiên cứu khoa học ngày càng tăng qua các năm. Bên cạnh việc tích cực thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, từ năm 2017 đến năm 2021, các giảng viên – nghiên cứu viên của USTH cũng liên tục thành công trong việc huy động kinh phí nghiên cứu khoa học từ các đơn vị ngoài trường như NAFOSTED, VinIF, MOST,… (như thể hiện trong biểu đồ phía dưới)
Trong năm 2021, như thể hiện trong hình bên dưới, USTH đã đầu tư 2,1 tỷ đồng cho các đề tài nghiên cứu KH&CN cấp cơ sở, trong khi các nghiên cứu viên của USTH nhận được 11,1 tỷ đồng kinh phí tài trợ nghiên cứu từ bên ngoài. Con số này cho thấy đòn bẩy tài trợ nghiên cứu rất mạnh: với mỗi đô la đầu tư cấp cơ sở huy động được 5,3 đô la từ các nhà tài trợ bên ngoài.