Ngày 12 và 13/6/2019, hội thảo với chủ đề “Từ cảm biến đến kết nối vạn vật ứng dụng trong kỹ thuật sinh thái” đã được tổ chức tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, Đại học Việt Pháp), thu hút sự có mặt của nhiều nhà khoa học uy tín Việt Nam và Pháp.
Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ dự án “Nghiên cứu ứng dụng mô hình vườn sinh thái thông minh để xử lý nâng cao chất lượng nước thải từ trạm xử lý nước thải của VAST” do TS. Mai Hương, giảng viên-nghiên cứu viên khoa Nước-Môi trường-Hải dương học chủ nhiệm.
Tham dự hội thảo có bà Fabienne Runyo, Tùy viên báo chí, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; GS. Orange Didier, trường Đại học Montpellier, Viện Nghiên cứu vì Phát triển (Pháp); GS. Serge Stinckwich, trường đại học Sorbonne (Pháp); GS. Gerino Magali, trường đại học Toulouse; ông Dan-Tam Costa, công ty xử lý nước thải đô thị Epurtek (Pháp) cùng nhiều nhà khoa học, giáo sư uy tín trong lĩnh vực Môi trường, Công nghệ thông tin và Khoa học Vật liệu.
Về phía USTH, có PGS.TS. Đinh Thị Mai Thanh, Quyền Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Thị Huệ, Đồng Trưởng khoa Nước-Môi trường-Hải dương học cùng đông đảo giảng viên, nghiên cứu viên, học viên thạc sĩ và sinh viên USTH tham dự.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Đinh Thị Mai Thanh nhận định công tác xử lý nước thải đang được xem là một trong những vấn đề cấp bách đối với nhiều đô thị tại Việt Nam, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh do thiếu sự đồng bộ về hạ tầng và công nghệ. Chính vì vậy, bên cạnh các công nghệ hóa-lý truyền thống, giải quyết ô nhiễm nước thải bằng phương pháp sinh thái đang dần trở nên phổ biến nhờ mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế và thân thiện với môi trường.
Trong số đó, SMART GARDEN – vườn kỹ thuật sinh thái thông minh được đánh giá là một giải pháp tiềm năng cho việc xử lý nước thải và ô nhiễm đất tại Việt Nam, đặc biệt là xử lý hữu cơ và kim loại nặng. Theo đó, mô hình vườn này sẽ trồng các loại cây đặc biệt (cây sậy, cây thủy trúc…) có khả năng hấp thụ các chất gây ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt trước khi được xả ra môi trường.
Tại USTH, dự án nghiên cứu ứng dụng của SMART GARDEN được triển khai từ tháng 6/2018 và kéo dài trong vòng 2 năm, với mục tiêu xử lý và góp phần nâng cao chất lượng nước thải từ trạm xử lý nước thải của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hiện đang chủ yếu sử dụng công nghệ hoá lý để xử lý nước thải.
Dự án nhận được sự hỗ trợ về kinh phí từ phía Viện Hàn lâm và cơ sở hạ tầng để triển khai từ phía Viện Công nghệ môi trường. Trên phương diện khoa học-công nghệ, Viện nghiên cứu vì phát triển (IRD), Trường Đại học Toulouse, Trường Đại học Montpellier và Công ty xử lý nước thải đô thị Epurtek cũng tham gia trực tiếp vào dự án nhằm hỗ trợ nghiên cứu, thiết kế mô hình và thu thập dữ liệu cho các quy trình xử lý môi trường.
“Không chỉ phục vụ mục tiêu xử lý nước thải, SMART GARDEN còn được xem như không gian ngoài trời để giảng dạy thực tế cho sinh viên. Hiện nay các sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế của khoa Nước-môi trường-hải dương học (USTH) đang tiến hành nghiên cứu nhằm cải thiện mô hình cả về mặt nâng cao chất lượng nước và hiệu quả kinh tế.” – TS. Mai Hương, chủ nhiệm dự án chia sẻ.
Hội thảo “Từ cảm biến đến kết nối vạn vật ứng dụng trong kỹ thuật sinh thái” được tổ chức vừa qua nhằm đánh giá những kết quả bước đầu đạt được trong quá trình triển khai dự án, đặt nền móng cho những bước phát triển tiếp theo; đồng thời góp phần giới thiệu rộng rãi mô hình vườn sinh thái thông minh đến với cộng đồng. Diễn ra trong vòng 2 ngày, hội thảo đã giúp kết nối các nhà khoa học đến từ nhiều lĩnh vực như Công nghệ thông tin và Khoa học vật liệu, từ đó mở ra các triển vọng trong việc ứng dụng Trí thông minh nhân tạo và Công nghệ nano nhằm đẩy mạnh hiệu quả và đa dạng hóa ứng dụng của mô hình trong tương lai.
Một vài hình ảnh tại hội thảo:
TÌM HIỂU THÊM:
Ngành Nước-Môi trường-Hải dương học: Phong phú và triển vọng
USTH và Viện Công nghệ Môi trường thiết lập hợp tác
Sinh viên Hải dương học của USTH đi thực địa tại Lào
USTH tuyển sinh ngành Nước-Môi trường-Hải dương học năm học 2019-2020