Ngày 29/06/2023 vừa qua, Khoa Vũ trụ và Ứng dụng của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu khí tượng thủy văn bằng phương pháp đồng vị và mô phỏng lũ lụt”.
Tại chương trình, về phía USTH, có sự tham dự của GS. Jean-Marc Lavest – Hiệu trưởng chính, ông Luc Le Calvez – Trưởng Ban Nghiên cứu, Đổi mới và Chuyển giao Công nghệ. Về phía khoa Vũ trụ và Ứng dụng, có sự hiện diện của PGS. TS. Ngô Đức Thành – Đồng Trưởng khoa, cùng các cán bộ, giảng viên, sinh viên Việt Nam và quốc tế của khoa. Đặc biệt, hội thảo được đón tiếp Giáo Sư Kei Yoshimura từ Đại học Tokyo (Nhật Bản). Ông đã trình bày các nghiên cứu mới nhất về mô hình địa khí hậu toàn cầu và khu vực. Ngoài ra, điểm đáng chú ý của hội thảo là sự xuất hiện và trình bày kết quả nghiên cứu của nhiều diễn giả khác đến từ các trường Đại học, đơn vị nghiên cứu uy tín trong và ngoài nước như Đại học Tokyo (Nhật Bản), Đại học Mỏ Địa chất, Đại học Khoa học tự nhiên, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS. TS. Ngô Đức Thành đã có phần giới thiệu ngắn gọn về nhóm nghiên cứu REMOSAT (Viễn thám và mô hình hóa bề mặt và khí quyển). Theo đó, REMOSAT được kỳ vọng sẽ có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nghiên cứu và ứng dụng liên quan đến viễn thám và mô hình hóa tại Việt Nam, cũng như cho các chương trình giảng dạy và đào tạo của USTH. Hiện nay, REMOSAT đang tập trung vào các hướng nghiên cứu gồm: quan sát trái đất và mô hình hóa. Trong đó, khí tượng, thủy văn và môi trường là lĩnh vực mà nhóm quan tâm triển khai nghiên cứu. Vì vậy, hội thảo “Nghiên cứu khí tượng thủy văn bằng phương pháp đồng vị và mô phỏng lũ lụt” hứa hẹn là cơ hội tuyệt vời để các thành viên trong nhóm nghiên cứu nói riêng và nhiều giảng viên, sinh viên USTH chia sẻ và nâng cao năng lực chuyên môn.
Trong suốt chương trình, nhiều chủ đề quan trọng đã được đưa ra thảo luận. Các nghiên cứu xoay quanh tình trạng mưa lũ và đánh giá nguy cơ lũ quét. Đồng thời, bằng các phương pháp hiện đại như thủy văn đồng vị và mô phỏng lũ lụt, các nhà khoa học đang nâng cao tính chính xác của dự báo thời tiết và phát triển hệ thống cảnh báo lũ lụt sớm. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh toàn thế giới đang phải “chạy đua” để ứng phó với những biến đổi ngày một khắc nghiệt của khí hậu toàn cầu.
Hội thảo đã tạo nên một diễn đàn bổ ích để các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khí hậu, thủy văn và môi trường trao đổi những kết quả nghiên cứu quan trọng và gợi mở nhiều giải pháp tiên tiến.
Qua hội thảo này, khoa Vũ trụ và Ứng dụng cũng tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong công tác tổ chức các chương trình mang hàm lượng chuyên môn cao, trở thành địa điểm lý tưởng để kết nối các chuyên gia và đóng góp vào sự phát triển của khoa học – công nghệ tại Việt Nam.