Hội thảo do USTH phối hợp cùng Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tổ chức với sự hỗ trợ từ Quỹ NAFOSTED.
Tham dự hội thảo có TS. Phạm Đình Nguyên, Phó Giám đốc Quỹ NAFOSTED, GS. Trần Đại Lâm, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nhiệt đới; PGS. TS. Đinh Thị Mai Thanh, Quyền Hiệu trưởng USTH, và gần 150 nhà nghiên cứu, giảng viên, cán bộ, sinh viên… của các trường đại học, viện nghiên cứu, đặc biệt có những cán bộ, giảng viên đến từ Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Khoa học- ĐH Thái Nguyên.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. Trần Đại Lâm cho biết hội thảo được tổ chức với kỳ vọng góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, đồng thời nâng cao số lượng và chất lượng công bố khoa học quốc tế tại các viện nghiên cứu và trường đại học Việt Nam, trong đó có USTH và Viện kỹ thuật nhiệt đới.
Trong phần đầu của hội thảo, TS. Phạm Đình Nguyên giới thiệu thông tin tổng quan về Quỹ NAFOSTED (Quỹ) cùng các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Bên cạnh đó, TS. Nguyên cũng dành thời gian lắng nghe chia sẻ và giải đáp cụ thể câu hỏi của các nhà nghiên cứu tham dự hội thảo về các vấn đề như quy trình tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ xin tài trợ cũng như đánh giá kết quả thực hiện đề tài.
Công bố quốc tế có ý nghĩa quan trọng đối với cá nhân nhà khoa học. Bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế sẽ khẳng định chất lượng công trình nghiên cứu, thước đo năng lực nghiên cứu, khả năng hội nhập của nhà khoa học. Chính vì vậy, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm công bố quốc tế tại phần hai của hội thảo với sự tham gia của các nhà nghiên cứu dày dặn kinh nghiệm đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của người tham dự.
Hai phần chia sẻ thẳng thắn, tâm huyết về những khó khăn, thử thách trong quá trình nghiên cứu của bản thân từ hai nhà khoa học xuất sắc giành Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018, 2019 là TS. Trần Đình Phong (USTH) và TS. Lê Trọng Lư (Viện Kỹ thuật nhiệt đới) đã mang tới góc nhìn chân thực cùng nhiều lời khuyên hữu ích cho các nhà nghiên cứu trẻ.
Theo TS. Trần Đình Phong để có những bài báo công bố trên tạp chí quốc tế các nhà khoa học trẻ cần có sự kiên trì, bền bỉ để tìm ra được câu trả lời cho những vấn đề dù là nhỏ nhất. Đặc biệt, TS. Trần Đình Phong nhấn mạnh để tạo nên sức mạnh trong nghiên cứu khoa học, nhà khoa học cần phải có sự tin tưởng, hợp tác và chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp. Hợp tác nghiên cứu cho phép thực hiện được các nghiên cứu khó.
Còn với TS. Lê Trọng Lư, để bài báo công bố trên các tạp chí có chỉ số impact factor (IF) cao, trước tiên nhà khoa học phải có kỹ năng đọc hiểu, từ đó sẽ nảy sinh và phát hiện được những ý tưởng mới; ngoài ra nhà khoa học cũng cần phải lựa chọn tạp chí phù hợp (như tìm hiểu kỹ các tiêu chí cũng như yêu cầu của tạp chí) để tăng khả năng được chấp nhận đối với các công bố.
Ngoài ra, tọa đàm còn có sự tham gia giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm từ phía từ TS. Phạm Đình Nguyên, PGS. Vũ Đình Lãm, Giám đốc Học viện Khoa học và Công nghệ; PGS. Đinh Thị Mai Thanh, Quyền Hiệu trưởng USTH; PGS. Ngô Đức Thành, Đồng trưởng khoa Vũ trụ và Ứng dụng USTH. Những trao đổi nhiệt huyết của các khách mời đã cung cấp những thông tin hữu ích và phần nào giúp các nhà khoa học trẻ hình dung rõ hơn về con đường công bố một bài báo khoa học quốc tế, những thử thách và cách để vượt qua.
Sau hơn 3 giờ diễn ra, buổi hội thảo và tọa đàm đã kết thúc thành công, phần nào tháo gỡ những nút thắt và mở ra những cơ hội mới trong việc đăng bài báo trên các tạp chí quốc tế.
TIN LIÊN QUAN
Khoa FAS: Hội tụ các nhà khoa học xuất sắc trong ba lĩnh vực Vật lý, Hóa học và Toán Ứng dụng
TS. Trần Đình Phong xuất sắc nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018
USTH đào tạo nguồn nhân lực Hóa học chất lượng cao