Thanh xuân luôn được nhắc đến như là quãng thời gian tươi đẹp nhất, nhiệt huyết nhất, nhiều kỉ niệm sâu đậm với mỗi người. Với Nguyễn Đăng Minh, cựu sinh viên ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano, thanh xuân của cậu được gửi gắm trong những kỉ niệm về 3 năm đại học tại trường USTH. Dù đã chững chạc hơn, trưởng thành hơn, nhưng có một điều đặc biệt không thay đổi ở chàng sinh viên năm nào, đó là tình cảm gắn bó với USTH trong từng sẻ chia, từng câu chuyện kể.
Lựa chọn tình cờ, nhưng ba năm tại USTH lại trở thành “thanh xuân tươi đẹp”
Năm 2016, chàng trai chuyên Hóa trúng tuyển đại học ngành Công nghệ sinh học ở ba trường đại học top đầu về ngành khoa học và kỹ thuật. Với Minh, sự lựa chọn gắn bó với USTH khi ấy cũng vô cùng tình cờ, hồn nhiên.
Thế nhưng, chia sẻ về quãng thời gian tại USTH, Minh coi đây là thời “thanh xuân” tươi đẹp: “Nói về USTH, là 3 năm tươi đẹp trong cuộc đời đi học, là 3 năm mình học được rất nhiều, được thử thách rất nhiều qua việc học tập và làm nghiên cứu.”
Hiệu ứng của nhiệt huyết
Năm nhất tại trường USTH, phần vì tò mò, phần vì hào hứng của sinh viên mới, Minh đăng ký tham gia tất cả các buổi chuyên đề của các khoa. Bị lôi cuốn theo những cuộc thảo luận và những tìm tòi hăng say của giảng viên và sinh viên, Minh cũng bắt đầu tìm hiểu để được tham gia, được đặt câu hỏi. Dần dần, với sự dẫn dắt và truyền cảm hứng của thầy Trần Đình Phong, cậu nhận ra sức hút của ngành Công nghệ Nano, và “động lòng” với lĩnh vực này. Thậm chí, Minh còn thuyết phục bạn mình cùng đăng ký chuyên ngành Nano. Cứ thế, Minh tìm thấy mình trong niềm say mê khoa học chung của USTH, và hòa vào không khí sáng tạo miệt mài, sôi nổi của nhóm thí nghiệm CECS mà cậu chọn gắn bó quãng đường 3 năm sau này.
Nguồn cảm hứng bất tận từ phòng lab Nano
Khác với thực hành thông thường, những thí nghiệm của cậu và cả nhóm lại được gọi yêu thương là những “tâm tư trong phòng thí nghiệm”. Năm cuối cùng tại trường, phần lớn thời gian Minh đều dành ở lab, từ làm việc đến giao lưu bạn bè: “Lab là nơi mình dành phần lớn thanh xuân ở đó, làm việc, chơi, ăn,… ngủ thì hơi khó vì mùi hóa chất, hihi.”
Tâm huyết của Minh trong khoảng thời gian này đều đặt trong những thí nghiệm cả nhóm thực hiện, trong dự án USTH 20, và trong những nghiên cứu về chế tạo điện cực quang tạo ra nhiên liệu sạch hydro. Cả nhóm cũng trở nên thân thiết, gắn bó hơn bởi cùng chung đam mê, cùng chung nhiệt huyết. Dường như, phòng thí nghiệm Công nghệ Nano đã trở thành ngôi nhà thứ hai của Minh, nơi khởi nguồn của mọi đam mê, sáng tạo miệt mài mà cậu sinh viên năm ấy dành cho lĩnh vực này.
Điều Minh trân trọng nhất về khoảng thời gian này chính là sự sát cánh của những người “đồng chí” của mình ở nhóm thí nghiệm. Trong những giai đoạn khó khăn, áp lực nhất của quá trình chuẩn bị hồ sơ du học, thành viên của nhóm luôn bên cạnh động viên và khích lệ tinh thần. Sự sẻ chia đó, có lẽ, không phải là điều dễ gì có được. Những ngày tháng sắp tốt nghiệp, nhóm sinh viên trẻ chia sẻ, gánh gồng bớt cho nhau những áp lực, truyền thêm cho nhau những quyết tâm, nhiệt thành.
Dấu mốc đáng nhớ nhất không chỉ với Minh mà với cả nhóm có lẽ là ngày 15/05/2019, khi Minh nhận được thư mời tham dự chương trình tiến sĩ và học bổng cho nghiên cứu sinh ngành Hóa tại trường Đại học Houston, Mỹ. Những nỗ lực của cả nhóm cũng đã được đền đáp khi 2 bạn sinh viên nữa cũng nhận được học bổng Erasmus Mundus danh giá.
Đặt chân tới Mỹ, lại tìm thấy USTH thứ hai
Khác với những tưởng tượng về việc đi xa nửa vòng trái đất, Minh cảm thấy không khí học tập sôi nổi ở Houston không khác biệt nhiều so với ở USTH. Không còn bỡ ngỡ với những khác biệt về văn hóa, phong cách giữa sinh viên Mỹ và Việt Nam, Minh chia sẻ rằng cậu đang tận hưởng thời gian trải nghiệm quý giá này, đồng thời tiếp thu và mở rộng kiến thức nhiều hơn nữa.
Trong tương lai, chàng sinh viên Nguyễn Đăng Minh vẫn mong muốn được theo đuổi công việc nghiên cứu và giảng dạy, bởi Minh muốn bước tiếp con đường truyền cảm hứng cho sinh viên như những thầy cô giáo cậu được gặp gỡ trong 3 năm “tươi đẹp” tại USTH.