Sáng ngày 10/9/2018, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã tổ chức seminar về “Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu trong thời đại chuyển đổi số” với sự hiện diện của diễn giả, GS.TSKH. Hồ Tú Bảo, thu hút sự tham gia của hơn 200 nhà nghiên cứu và sinh viên quan tâm.
Seminar có sự tham gia chia sẻ của diễn giả là GS.TSKH. Hồ Tú Bảo, nhà khoa học xuất sắc với hơn 40 năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu tại nhiều cơ sở uy tín về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, học máy và khoa học dữ liệu tại Việt Nam và quốc tế.
Hiện nay, GS. Hồ Tú Bảo đang giữ vai trò giám đốc Viện John von Neumann (Viện JVN), Đại học Quốc gia TP. HCM, đối tác chính trong xây dựng chương trình Thạc sĩ về Khoa học Tài chính Tính toán Định lượng của USTH, chương trình đầu tiên tại Hà Nội đào tạo chuyên ngành ứng dụng các phương án toán học và tin học để giải các vấn đề liên quan đến quản trị rủi ro và tối ưu lợi nhuận tài chính.
Trong buổi seminar, GS. Hồ Tú Bảo chia sẻ các khái niệm cốt lõi của trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, những lĩnh vực đang tạo nên cuộc cách mạng số hóa; chiến lược của các quốc gia và thảo luận hướng đi phù hợp cho Việt Nam trong thời đại chuyển đổi số.
Có thể nói, tiến bộ của khoa học đã cho phép con người dần số hóa được hầu hết mọi thực thể trên thế giới, và từ đó kết nối các phiên bản số của chúng trong không gian internet, hay còn gọi là Internet Of Things (IoT) – Mạng lưới vạn vật kết nối bởi Internet. Khoa học dữ liệu đóng vai trò “bộ não” trong quá trình phân tích các dữ liệu cung cấp bởi không gian số kể trên, từ đó đưa ra quyết định điều hành các hoạt động trong thế giới thực bằng trí thông minh nhân tạo.
Thực tế cho thấy trong thời chuyển đổi số, khoa học dữ liệu đang ngày càng nắm giữ vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống như y tế, ngân hàng, giao thông và du lịch. Thông qua các quá trình phân tích, khám phá tri thức từ dữ liệu, khoa học dữ liệu hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong việc đưa ra quyết định hiệu quả. Trong thời đại số hóa, người làm chủ dữ liệu lớn sở hữu ưu thế cạnh tranh trên con đường trở thành người chiến thắng.
Từ đó, GS. Hồ Tú Bảo cho biết cuộc chạy đua giữa các quốc gia trong cuộc cách mạng số hóa chính là cuộc chạy đua dựa trên nền tảng về Khoa học dữ liệu. Có thể nói, về bản chất, quốc gia đi đầu trong thời đại số hóa là quốc gia làm chủ được nguồn dữ liệu lớn và phức tạp của IoT, đồng thời sử dụng kết hợp khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo nhằm quản lý, điều khiển những dữ liệu đó, mang lại một cuộc sống ngày càng tiện nghi và “thông minh” hơn cho con người.
Cuối cùng, Giáo sư nhấn mạnh rằng Khoa học dữ liệu chính là “chìa khóa thời công nghệ số”. Do đó, để không bị tụt lại phía sau, mục tiêu gần nhất của Việt Nam là chú trọng xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu, đồng thời đào tạo đội ngũ nhân lực, đặc biệt là lực lượng chuyên gia “tinh nhuệ” có khả năng làm chủ lượng thông tin khổng lồ này.
Nhà khoa học dữ liệu (Data Scientist) được Harvard Business Review đánh giá là “công việc hấp dẫn nhất thế kỷ 21”. Glassdoor công bố rằng mức lương trung bình của một nhà khoa học dữ liệu năm 2014 là $118.709 so với $64,537 của một lập trình viên. Theo dự báo của Học viện toàn cầu McKinsey: vào năm 2018, riêng nước Mỹ có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt từ 140.000 tới 190.000 chuyên gia phân tích dữ liệu, thiếu 1.5 triệu nhà quản lý biết sử dụng các công cụ của Dữ liệu lớn để thực hiện việc ra quyết định hiệu quả hơn. Những người có kỹ năng về khoa học dữ liệu (Data Science) đang được chào đón hơn bao giờ hết.
Tại Việt Nam, nhiều tập đoàn lớn như Facebook, Lazada, Tiki, Grab… rất chú trọng ứng dụng KHDL và tuyển dụng số luợng lớn nhân sự ngành này nhằm đầu tư tăng trưởng kinh doanh. |
Tìm hiểu thêm
Chương trình Cử nhân ngành Công nghệ Thông tin và Truyền thông
Chương trình Thạc sĩ ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông
Chân dung 5 trường đại học Pháp đồng cấp bằng Thạc sĩ ICT với USTH
Học Thạc sĩ ICT quốc tế: Lựa chọn của những người thức thời