Với GS. Corinne Chanéac, giảng viên từ Đại học Sorbonne (Pháp), USTH không chỉ là bến đỗ cho mỗi chuyến công tác mà còn là mái nhà học thuật thứ hai. Từ cơ duyên giữa đại dịch đến những chuyến trở lại đều đặn, cô bền bỉ vun đắp cầu nối tri thức Pháp – Việt.
Khi GS. Corinne Chanéac bước xuống sân bay quốc tế Nội Bài, hành trình đến Việt Nam không còn mang cảm giác của một chuyến công tác giảng dạy thông thường. Bầu không khí ấm áp, quen thuộc của Hà Nội, nhịp sống sôi động của thành phố và sự yên bình của khuôn viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) chào đón cô như một người bạn cũ. Là giảng viên, nhà nghiên cứu Hóa học, Giám đốc phòng thí nghiệm Hóa học Vật liệu Ngưng tụ Paris (LCMC), Đại học Sorbonne, với GS. Corinne Chanéac mỗi lần đến USTH thân thuộc như trở về ngôi nhà học thuật thứ 2.
Cô Corinne Chanéac biết đến USTH vào một thời điểm đặc biệt. Năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các trường đại học trên thế giới nỗ lực duy trì duy trì các mối quan hệ quốc tế trong bối cảnh phong tỏa và hạn chế đi lại. Một đồng nghiệp đã giới thiệu với cô về USTH và Liên minh các trường đại học và viện nghiên cứu Pháp hỗ trợ cho sự phát triển của USTH (USTH Consortium). Ý tưởng tham gia vào một dự án hợp tác giáo dục đại học đầy ý nghĩa kết nối giữa Việt Nam và Pháp đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm đặc biệt của cô.
Cô Corinne Chanéac chia sẻ: “Một đồng nghiệp đã hỏi liệu Đại học Sorbonne có muốn gia nhập Liên minh USTH Consortium không. Sau khi nhận được lời đề nghị này, cô đã trao đổi với thầy Hiệu trưởng Đại học Sorbonne và các thảo luận về cơ hội hợp tác giữa hai bên đã bắt đầu.”
Từ đó đến nay, mối quan hệ hợp tác giữa Đại học Sorbonne và USTH đã ngày càng phát triển bền chặt. Đại học Sorbonne cũng đã trở thành thành viên của Liên minh USTH Consortium năm 2021, tích cực hỗ trợ USTH về nhiều mặt.
Năm 2022, cô Corinne Chanéac lần đầu tiên tham gia giảng dạy tại USTH trong chương trình thạc sĩ Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano. Trải qua ba năm gắn bó, cô Corinne Chanéac vẫn luôn duy trì ngọn lửa đam mê giảng dạy, không ngừng kết nối học thuật giữa hai trường, đồng thời truyền cảm hứng cho các thế hệ sinh viên USTH.
Cô Corinne Chanéac chia sẻ mình giảng dạy môn Optical Properties of Materials, một học phần nằm trong chương trình thạc sĩ năm đầu ngành Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano. “Môn học này giải thích tính chất quang học của vật liệu dưới góc nhìn hóa học. Vào năm thứ 2 (M2), một đồng nghiệp khác sẽ giảng dạy môn học này dưới góc độ vật lý, từ đó giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện hơn về vật liệu thông qua nhiều cách tiếp cận khác nhau.” Hiểu về tính chất của vật liệu là tiền đề cho tối ưu hoá và sử dụng bền vững những vật liệu đang có, và phát triển những vật liệu mới, vật liệu kỹ thuật cao – chìa khoá mở ra sự đột phá công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng của kinh tế – xã hội.
Trong quá trình giảng dạy, cô Corinne Chanéac nhận thấy học viên USTH đến từ nhiều nền tảng học thuật khác nhau, vừa có sinh viên đại học mới tốt nghiệp, vừa có các bạn đã đi làm và thêm cả sinh viên quốc tế. Vì vậy, cô luôn dành thời gian để đảm bảo tất cả đều theo kịp nội dung học trên lớp. “Ở Pháp, đa phần sinh viên sau khi học xong đại học sẽ học tiếp lên thạc sĩ luôn nên cô nắm rõ sinh viên của mình đã học những môn gì. Nhưng tại USTH, học viên có xuất phát điểm rất đa dạng nên cô đã điều chỉnh cách tiếp cận trong mỗi lần lên lớp để phù hợp hơn với nhu cầu của từng nhóm học viên nhằm giúp các em tiếp nhận kiến thức hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nội dung bài giảng và kiểm tra thì vẫn giống như ở Paris.”

Là một giảng viên, niềm tự hào lớn nhất đối với cô Corinne Chanéac chính là được chứng kiến sự trưởng thành và thành công của các thế hệ học trò. Ánh mắt cô ánh lên niềm xúc động khi nhắc về một học viên đặc biệt – người từng theo học lớp thạc sĩ đầu tiên mà cô giảng dạy tại USTH. Sau khi hoàn thành chương trình thực tập năm thứ 2 tại Paris, người học trò này tiếp tục con đường nghiên cứu và hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ dưới sự hướng dẫn trực tiếp của cô tại phòng thí nghiệm ở Pháp. Đối với cô Corinne Chanéac, được đồng hành trên hành trình học thuật của học trò từ giảng đường đến khi các em vững vàng bước vào con đường nghiên cứu không chỉ là niềm vui mà còn giúp cô cảm nhận sâu sắc ý nghĩa sâu sắc của công việc “gieo mầm tri thức”.
Cô Corinne Chanéac chia sẻ quy mô lớp học nhỏ tại USTH cũng là một lợi thế để cô dễ dàng tương tác trực tiếp với học viên mỗi lần lên lớp. “Ở Pháp, không phải lúc nào cô cũng có cơ hội trò chuyện với từng em sinh viên. Nhưng ở đây, cô có thể trao đổi riêng, theo sát quá trình học và hiểu các em rõ hơn.”
Từ năm 2024, cô Corinne Chanéac đã triển khai các buổi thực hành vào nội dung giảng dạy tại USTH. “Với môn học của cô, ngoài thời gian học lý thuyết, sinh viên sẽ có thời lượng thực hành trong phòng thí nghiệm. Đây sẽ là cách hiệu quả để giúp học viên hiểu rõ hơn nội dung bài giảng và biết cách vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn,” cô chia sẻ.
Mỗi chuyến công tác của cô Corinne Chanéac thường kéo dài từ 9 đến 10 ngày, với khoảng 20 giờ giảng dạy trực tiếp. Dù quỹ thời gian hạn hẹp, cô vẫn cố gắng gia tăng gắn kết với học viên và cộng đồng học thuật tại USTH. Cô dành thời gian gặp gỡ các đồng nghiệp, trao đổi ý tưởng và tìm kiếm các cơ hội mở rộng hợp tác giữa USTH và Đại học Sorbonne. Nhờ những nỗ lực bền bỉ của cô và các cộng sự, đến nay đã có ba giảng viên từ Đại học Sorbonne tham gia giảng dạy tại chương trình thạc sĩ Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano, gồm hai giảng viên Hóa học và một giảng viên Vật lý, góp phần làm phong phú và đa dạng thêm môi trường học thuật tại USTH.
Với cô Corinne Chanéac, mỗi chuyến công tác đến USTH không chỉ để giảng dạy mà là một lời hẹn, một cam kết được nuôi dưỡng bằng sự tôn trọng, niềm tin và tình yêu với khoa học. Mỗi lần trở về Paris, cô lại mang theo những câu chuyện nhỏ, những kỷ niệm trong trẻo cùng nguồn cảm hứng mới, tiếp thêm động lực cho những chuyến trở lại.
Cô Corinne Chanéac từng chia sẻ: cô đến USTH không chỉ để giảng dạy, mà để thấu hiểu, để kết nối và để xây những nhịp cầu tri thức giữa hai ngôi trường, hai nền văn hóa.
Chính điều đó đã làm nên dấu ấn đặc biệt cho mỗi lần cô trở lại Việt Nam và USTH.