TS. Julien Laverdant, Viện Lumière Matière, Đại học Lyon 1 đã gắn bó với chương trình thạc sĩ Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano tại USTH từ năm 2017. Cùng tiến sĩ chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian đến thăm Việt Nam và giảng dạy tại Trường.
Thầy đã đến Việt Nam và giảng dạy tại USTH rất nhiều lần, vậy điều gì khiến thầy cảm thấy ấn tượng?
Châu Á thực sự mang đến những trải nghiệm văn hóa độc đáo về mọi khía cạnh đời sống, con người và công việc. Tôi cảm thấy bản thân rất may mắn vì có những người bạn và đồng nghiệp tốt tại Việt Nam. Mỗi năm tôi thường sang Việt Nam một đến hai lần để thăm họ. Thật sự tôi luôn dành một tình cảm đặc biệt đối với văn hóa và con người nơi đây.
Mối quan hệ giữa thầy và trò tại USTH có sự khác biệt lớn so với ở Pháp. Cũng phải mất một thời gian để tôi thích nghi với môi trường mới nhưng những trải nghiệm tôi có được đều rất đáng giá. Mỗi lần lên lớp, tôi cảm nhận được sự kính trọng các em dành cho mình và cả sự chân thành, cởi mở khi chúng tôi trao đổi về những vấn đề khoa học.
Cơ duyên nào thầy biết đến USTH và yếu tố nào đã thúc đẩy thầy quyết định trở thành giảng viên trong chương trình thạc sĩ Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano?
Tôi biết đến USTH thông qua nơi tôi đang giảng dạy và nghiên cứu, Đại học Lyon 1, một trong những thành viên thuộc Liên minh vì sự phát triển của USTH (USTH Consortium). Bên cạnh đó, tôi cũng biết đến Việt Nam thông qua những đồng nghiệp mà tôi có mối quan hệ hợp tác hiện đang công tác tại Hà Nội. Tôi luôn có ấn tượng tốt về đất nước và con người Việt Nam. Vì vậy, năm 2017, tôi nhận lời mời giảng dạy môn Vật lý bán dẫn và thiết bị điện tử trong chương trình thạc sĩ Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano. Với tôi, quyết định này không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt giảng dạy mà còn là cơ hội để tôi phát triển mạng lưới hợp tác nghiên cứu và đào tạo nghiên cứu sinh. Từ đó đến nay, tôi đã gắn bó với USTH hơn 5 năm, giảng dạy và hướng dẫn nhiều thế hệ sinh viên của Trường.
Thầy có thể chia sẻ một số kỷ niệm khó quên với sinh viên USTH?
Tôi có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ đối với học viên tại USTH. Các bạn biết đấy, là một người thầy, điều tôi cảm thấy vui và tự hào nhất chính là nhìn thấy sự tiến bộ và trưởng thành của học trò, chứng kiến con đường của các em từ học viên thạc sĩ, đến nghiên cứu sinh, sau đó trở thành tiến sĩ và đặc biệt lại có cơ hội hợp tác nghiên cứu với chính các em sau này. Vũ Cẩm Nhung là một trường hợp như vậy. Tôi gặp Nhung khi em ấy đang là học viên thạc sĩ của chương trình Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano tại USTH. Tôi ấn tượng với Nhung thông qua những trao đổi và thảo luận chuyên môn sôi nổi. Chính vì vậy, tôi rất vui khi trở thành thầy hướng dẫn khi Nhung học tiếp chương trình tiến sĩ tại Pháp. Đến bây giờ, tôi và Nhung vẫn giữ liên hệ và tiếp tục hợp tác trong các dự án nghiên cứu.
Bên cạnh thời gian đứng lớp, tôi cũng thích trò chuyện và giao lưu với học viên sau giờ học. Kỳ học vừa rồi, tôi dạy học viên thạc sĩ năm nhất của chương trình Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano. Các em không chỉ chăm chỉ, có ý thức học tốt mà còn vô cùng thân thiện. Kết thúc môn học, chúng tôi đã có một buổi liên hoan vừa vui vừa ý nghĩa với sự tham gia của các giảng viên khác trong khoa.
Qua quá trình giảng dạy tại USTH, thầy có đánh giá thế nào về điểm mạnh của chương trình thạc sĩ Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano?
Chương trình thạc sĩ Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano tại USTH trang bị kiến thức, kỹ năng vững chắc và phong phú cho học viên. Sự kết hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực Vật lý và Hóa học tạo nên một chương trình giảng dạy toàn diện và nhất quán. Mặc dù việc nắm vững khối lượng kiến thức tương đương với một học kỳ tại Pháp trong thời gian rút gọn chỉ còn một tuần đôi khi cũng đem đến thách thức cho giảng viên và học viên. Thế nhưng, chúng tôi đều cố gắng đảm bảo chất lượng giảng dạy tốt. Các học viên thạc sĩ có khả năng tiếp thu và bắt kịp với bài giảng nhanh nhờ kiến thức nền tảng khoa học vững chắc được trau dồi trong quá trình học tại USTH.
Tôi rất vui vì kết quả học tập phản ánh năng lực và nỗ lực của các em trong quá trình học. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi các em ứng tuyển theo học tại các trình độ cao hơn ở các trường đại học, viện nghiên cứu khác hoặc tìm kiếm các cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Cảm ơn TS. Julien Laverdant vì những trao đổi hết sức thú vị.
USTH tuyển sinh thạc sĩ chương trình Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano, xem thông tin chi tiết tại www.tuyensinh.usth.edu.vn |