Mô hình khởi nghiệp gắn với các sản phẩm STEM của nhóm 3 sinh viên năm nhất đã chinh phục Ban giám khảo và giành giải Quán quân tại “Cuộc thi Cảm hứng sáng tạo USTH” năm 2023.
Nhằm thúc đẩy những ý tưởng nghiên cứu và dự án khởi nghiệp của sinh viên, từ tháng 9/2023, USTH đã phát động “Cuộc thi Cảm hứng sáng tạo USTH” và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía sinh viên Nhà trường. Qua 02 vòng loại, 10 ý tưởng xuất sắc đã được Ban giám khảo lựa chọn và cấp kinh phí để hoàn thiện sản phẩm. Vòng chung kết là cơ hội để các nhóm trình bày kết quả nghiên cứu và triển khai sau hơn 4 tháng làm việc chăm chỉ và tận tâm.
Dự án “Thuyền vớt rác bán tự động tích hợp AI” của nhóm 3 sinh viên Nguyễn Việt Anh, ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano, cùng Đào Ngọc Hà và Trần Lê Minh Châu, ngành Khoa học và Công nghệ Y khoa đã xuất sắc trở thành quán quân của cuộc thi.
Với khát vọng giúp thế hệ trẻ Việt Nam tiếp cận với các hoạt động STEM từ sớm thông qua các dự án thực tế về khoa học kỹ thuật, để từ đó định hình nghề nghiệp tương lai, Việt Anh, Ngọc Hà và Minh Châu đã cùng nhau xây dựng ý tưởng xây dựng mô hình thuyền vớt rác tự động tích hợp AI để bán và cho thuê, phục vụ hoạt động tìm hiểu và học tập của học sinh độ tuổi từ 12-17.
Việt Anh, Ngọc Hà và Minh Châu chia sẻ vì cả 3 cùng chung niềm đam mê mãnh liệt với khám phá và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cuộc sống, nhất là trong việc bảo vệ môi trường nên đã đặt tên nhóm mình là “GREENAQUA”.
Nhóm hy vọng thông qua việc tương tác với các sản phẩm thực tế như thuyền vớt rác bán tự động, học sinh không chỉ học được các kiến thức khoa học mà còn có cơ hội phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và làm việc nhóm. Điều này giúp học sinh có cái nhìn rõ ràng hơn về sở thích và khả năng của bản thân, từ đó định hình được hướng đi nghề nghiệp tương lai một cách chính xác và ý nghĩa hơn.
Chỉ trong hơn 4 tháng triển khai, nhóm đã bán được những sản phẩm đầu tiên cũng như trở thành đối tác cung cấp kit và lộ trình đào tạo cho các lớp học tại trung tâm STEM Sclass, Kim Giang Maker Space, được mời tham gia Vietnam STEAM Festival 2023, có gian hàng trưng bày tại Triển lãm đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, Ngày Hội giao lưu văn hóa Việt-Mỹ, có gian hàng riêng trên nền tảng GREENSTEAM. Không chỉ vậy, nhóm đã xây dựng được chiến lược kinh doanh, tiếp thị sản phẩm và tệp khách hàng tiềm năng, làm nền tảng vững chắc cho những bước phát triển sắp tới.
Ban Giám khảo đánh giá cao tính khả thi của dự án trong thị trường startup, nhờ vào nhu cầu ngày càng tăng đối với giáo dục STEM và giải pháp bảo vệ môi trường. Ban giám khảo nhấn mạnh rằng dự án có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là khi nhóm đã xác định được các đối tác chiến lược và có kế hoạch mở rộng thị trường rõ ràng. Sự kết hợp giữa giáo dục và bảo vệ môi trường trong một sản phẩm sáng tạo là yếu tố then chốt giúp dự án nổi bật và hứa hẹn thành công trong tương lai.
Cùng gặp gỡ Nguyễn Việt Anh – “Thuyền trưởng” của GREENAQUA để tìm hiểu thêm về những thông tin thú vị trong quá trình triển khai dự án.
PV: Nguồn cảm hứng nào đã cho các bạn ý tưởng khởi nghiệp độc đáo này?
3 thành viên của GREENAQUA đều có quãng thời gian tham gia tích cực vào các tổ chức STEM và STEAM. Thông qua quá trình tiếp xúc, trao đổi với giáo viên, học sinh tại các trường THCS và THPT, chúng mình nhận thấy nhu cầu về các sản phẩm STEM, ứng dụng trong giảng dạy đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, ý tưởng khởi nghiệp gắn với sản phẩm STEM đã bắt đầu nảy nở.
Chúng mình đã nghĩ đến rất nhiều các sản phẩm khác nhau, nhưng cuối cùng đã lựa chọn mô hình thuyền vớt rác tự động kết hợp với AI, bởi đây là một sản phẩm có thể kết hợp được nhiều mảng kiến thức tại THCS và THPT, từ Toán học, Vật lý, Công nghệ đến Tin học.
PV: Bạn có thể mô tả đôi nét về sản phẩm “Thuyền vớt rác bán tự động tích hợp AI” và ý tưởng kinh doanh của nhóm?
Thuyền vớt rác bán tự động tích hợp AI là một mô hình thuyền được thiết kế để di chuyển trên mặt nước và tự động thu gom rác thải. Được lắp ráp từ bộ kit nên học sinh có thể tham gia vào từng bước của quy trình sản xuất: từ thiết kế, lập trình, cho đến lắp ráp và thử nghiệm thực tế trên môi trường nước.
Thông qua những quá trình trên, học sinh sẽ tìm hiểu và thực hành về lực đẩy Archimedes, cách thức môi trường nước ảnh hưởng đến vật thể chìm nổi hay các kiến thức về cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, đồng thời sử dụng toán học để tính toán kích thước, trọng lực, lực đẩy cần thiết cho thuyền,…Từ đó, học sinh kết nối các kiến thức học trên lớp với thực tế cũng như phát triển các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo.
Nhóm mình đã thiết lập mô hình kinh doanh với 4 loại hình dịch vụ hướng tới các đối tượng và nhu cầu sử dụng khác nhau: 1. Cho thuê sản phẩm đã lắp theo giờ, 2. Cung cấp các bộ sản phẩm đã lắp sẵn, 3. Cung cấp các bộ phận rời kèm hướng dẫn sử dụng để học sinh và giáo viên có thể tự lắp ráp, 4. Cung cấp sản phẩm và dịch vụ đào tạo (mentor).
Đặc biệt, mô hình “Thuyền vớt rác bán tự động tích hợp AI” của nhóm có mức giá rất cạnh tranh chỉ bằng 10-15% so với những sản phẩm ngoại nhập, phù hợp với ngân sách chung của giáo viên, học sinh, phụ huynh. Nhóm hướng tới cung cấp sản phẩm vừa tầm giá, lâu dài và hữu ích.
PV: Trong quá trình triển khai ý tưởng và khởi chạy dự án, nhóm đã gặp phải những khó khăn gì?
Trong quá trình triển khai dự án, nhóm đã đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc tiếp thị, xây dựng uy tín, làm thế nào để thuyết phục khách hàng và các đối tác tiềm năng về giá trị cũng như tính độc đáo của sản phẩm.
Nhờ vào sự kiên nhẫn và nỗ lực, dần dần, nhóm đã thu hút được sự chú ý và ủng hộ từ phía cộng đồng, bao gồm cả học sinh, giáo viên và các tổ chức giáo dục. STEM SCLASS và KIM GIANG Makerspace đã trở thành những đối tác đầu tiên, góp phần chứng minh cho thấy giá trị và tiềm năng của dự án. Sự ủng hộ này không chỉ là bằng chứng cho việc sản phẩm của nhóm đáp ứng được nhu cầu thực tế mà còn giúp nhóm mở rộng quy mô và phạm vi ảnh hưởng, từ đó tiếp tục phát triển và hoàn thiện sản phẩm.
PV: Bạn có thể bật mí dự định tương lai của GREENAQUA trong việc tiếp tục triển khai dự án này?
Sau những thành công ban đầu, nhóm tiếp tục đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cho dự án. Về ngắn hạn, nhóm hy vọng tăng gấp đôi lượng tiếp cận trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là trên Facebook nhằm tạo ra cộng đồng trực tuyến mạnh mẽ hơn, hỗ trợ quảng bá giá trị và tầm nhìn của dự án. Về dài hạn, song song với việc tăng doanh số bán hàng, nhóm đặt mục tiêu xây dựng mối quan hệ đối tác với các tổ chức STEM, STEAM, các trường THCS và THPT ở khu vực miền Bắc và xây dựng cộng đồng kết nối các giáo viên STEM với kỳ vọng đạt 1000 thành viên.
Thông qua những mục tiêu này, GREENAQUA không chỉ hướng đến việc cung cấp sản phẩm giáo dục chất lượng mà còn hướng tới việc tạo ra một tác động tích cực và lâu dài trong cộng đồng giáo dục STEM.
Cảm ơn Nguyễn Việt Anh và chúc nhóm GREENAQUA sẽ có những bước tiến xa hơn nữa trong tương lai.