Ngày 08 – 10/03/2023, sinh viên ngành Khoa học Môi trường Ứng dụng đã có chuyến tham quan thực địa thú vị tại Viện Hải dương học và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Nằm trong khuôn khổ chương trình học năm 2 của ngành Khoa học Môi trường Ứng dụng (AES), chuyến tham quan này đã tạo điều kiện giúp sinh viên trải nghiệm thực tế về một số hệ sinh thái biển. Từ đó, các bạn trẻ có cơ hội củng cố những kiến thức lý thuyết đã được “thấm nhuần” qua bài giảng của các thầy cô trên lớp cũng như mở rộng góc nhìn thực tế về môi trường biển và đại dương. Bên cạnh đó, các bạn được tìm hiểu về các nguồn lợi sinh vật biển, đặc biệt là các loài tôm cá mang lại giá trị kinh tế cao cho cộng đồng ven biển.
Với sinh viên ngành AES, Viện Hải dương học và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III là Top 2 điểm đến nhất định phải ghé thăm. Bởi lẽ, nơi đây lưu giữ rất nhiều những bí ẩn về thế giới sinh vật biển độc đáo cũng như là khu vực trọng điểm nuôi trồng các loài thuỷ hải sản mang lại giá trị kinh tế cao cho đất nước. Các bạn được tận mắt quan sát các loài thủy sản có trong sách đỏ như Hải sâm và được tìm hiểu về việc lưu giữ nguồn gen của loài hải sản quý hiếm này.
Ngày đầu tiên của chuyến đi, đoàn tham quan đã dừng chân tại Viện Hải dương học. Tại đây, sinh viên được chiêm ngưỡng bộ sưu tập đồ sộ, đặc trưng cho hệ sinh thái biển với khoảng 4.000 loài sinh vật và hơn 20.000 mẫu vật được lưu trữ vô cùng cẩn thận. Không những thế, nhiều bạn còn không khỏi ngỡ ngàng trước những mẫu vật của một số loài sinh vật biển khổng lồ, quý hiếm như bộ xương của loài cá voi lưng gù, bộ xương bò biển, … Toàn bộ đại dương mênh mông như được “thu nhỏ” lại trước mắt khiến các bạn sinh viên vô cùng thích thú, phấn khích và say mê với những kiến thức mới lạ, hấp dẫn về môi trường biển cả rộng lớn.
Ngày thứ hai, đoàn tham quan tiếp tục hành trình đến với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang (thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III). Đây là cơ quan “đầu não” trong nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thuỷ hải sản cũng như chuyển giao và ứng dụng kỹ thuật – công nghệ trong sản xuất, chế biến thuỷ sản tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Tiếp đón đoàn tham quan, Giám đốc Trung tâm đã giới thiệu về các nghiên cứu phát triển mô hình nuôi trồng thuỷ hải sản tiêu biểu như cá mú lai, tôm mũ ni, hải sâm v.v., công nghệ thức ăn tươi sống phục vụ nuôi giống, các công trình nghiên cứu về việc lưu giữ và bảo tồn các nguồn gen quý hiếm cũng như đa dạng sinh học tại vùng biển san hô. Thông qua những thông tin quý giá này, các bạn sinh viên vừa được khám phá kho tàng tri thức khổng lồ về đại dương, vừa có thêm nguồn dữ liệu phong phú bổ trợ cho quá trình học tập và phát triển bản thân trên con đường nghiên cứu khoa học.
Mặt khác, chuyến tham quan còn mang đến rất nhiều cảm xúc cho các thành viên trong đoàn, trong đó có Tống Thảo My và Hồ Thụy Nhật Hạ – sinh viên năm 2 ngành AES. Với Tống Thảo My, cô bạn không chỉ ấn tượng với những kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nuôi biển Nha Trang, mà còn đầy thán phục với năng lực và tình yêu nghề của con người nơi đây. My tâm sự: “Sau khi được tận mắt nhìn thấy nơi làm việc của các chuyên gia, cán bộ nghiên cứu, dù đơn sơ, mộc mạc nhưng những con người ở đó toát lên vẻ đẹp đến từ kiến thức và kinh nghiệm. Hơn hết, họ hiểu và yêu những gì bản thân đang làm. Tình yêu đơn thuần đó giúp họ vượt qua những khó khăn vất vả rất đặc thù của công việc nghiên cứu về sinh vật biển”.
Ở một góc nhìn khác, Hồ Thụy Nhật Hạ chia sẻ rằng: “Tham quan thực địa là “đặc sản” của khoa Nước – Môi trường – Hải dương học. Nhưng hiếm khi chúng mình có dịp được cùng nhau tham gia những chuyến đi dài ngày như vậy. Đây chính là cơ hội để cả lớp được kết nối và hiểu nhau hơn. Đồng thời, chúng mình cũng thêm vững tâm đồng hành cùng nhau trên hành trình còn lại ở USTH”.
Chuyến đi này đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt với các bạn sinh viên ngành AES. Đó là cái nhìn rõ ràng hơn về công việc nghiên cứu môi trường biển, tầm quan trọng của nghề đóng góp cho bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế cũng như tình yêu lớn lao của những người đang làm việc và cống hiến cho xã hội.
Về phía USTH, TS. Mai Hương – Phó Trưởng khoa Khoa Nước – Môi trường – Hải dương học (WEO), trưởng đoàn tham quan – cho biết: “Nhà trường nói chung và khoa WEO nói riêng luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện để sinh viên được “thụ hưởng” chương trình đào tạo chất lượng cao và môi trường học tập, trải nghiệm thực tế phong phú, đa dạng nhất. Chúng tôi cũng hy vọng chuyến tham quan thực địa tại Nha Trang này sẽ là dấu mốc khởi đầu cho hành trình chinh phục nhiều điểm thực địa lý tưởng tiếp theo cho các sinh viên ngành AES tại Việt Nam hay tại Pháp, Đức, Nhật, Nauy, Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines, … như nhiều cựu sinh viên đã từng đặt chân đến.”
Nếu ưa xê dịch, ngành Khoa học Môi trường Ứng dụng chính là một lựa chọn tuyệt vời!
Dưới đây là một số hình ảnh đáng nhớ của chuyến đi: