Công trình nghiên cứu mang tiêu đề “The teleconnection of the two types of ENSO and Indian Ocean Dipole on Southeast Asian autumn rainfall anomalies” của TS. Nguyễn Lê Dũng – Giảng viên Khoa Vũ trụ và Ứng dụng, cùng các cộng sự tại nhóm nghiên cứu REMOSAT (Remote sEnsing and MOdeling of Surface and ATmosphere), Khoa Vũ trụ và Ứng dụng thuộc USTH và Đại học Thủ đô Tokyo (TMU), vừa được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vinh danh là một trong những công bố khoa học xuất sắc trong lĩnh vực Khoa học Trái đất năm 2024.
Công trình được đăng trên tạp chí quốc tế Climate Dynamics (Tạp chí Q1 lĩnh vực Khoa học Trái đất, Scimago H-index: 191) ngày 23/6/2024, Volume 62, trang 1–23. Đây là một bước đột phá trong việc làm rõ cơ chế và mức độ ảnh hưởng của các hiện tượng khí hậu lớn đến lượng mưa khu vực Đông Nam Á.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp chuỗi nghiên cứu về tác động của các hiện tượng khí hậu quy mô lớn đến khí hậu Đông Nam Á, thực hiện bởi nhóm nghiên cứu REMOSAT, USTH được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vinh danh là công bố khoa học xuất sắc trong lĩnh vực Khoa học Trái đất. Trước đó, nghiên cứu “The distinct impacts of the two types of ENSO on rainfall variability over Southeast Asia” đã được vinh danh là công bố khoa học xuất sắc năm 2023. REMOSAT được thành lập từ năm 2016, với ba hướng nghiên chính: Mô hình hoá khí hậu và quan sát trái đất, Công nghệ vệ tinh, và Vật lý thiên văn.
El Niño Dao động Nam (ENSO) và Lưỡng cực Ấn Độ Dương (IOD) là hai hiện tượng khí hậu lớn có ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống khí hậu toàn cầu, có tác động mạnh mẽ không chỉ trong lĩnh vực khoa học khí hậu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành kinh tế–xã hội như nông nghiệp, tài nguyên nước, và quản lý thiên tai, đặc biệt tại các khu vực như Đông Nam Á. ENSO thường được chia thành hai pha chính: El Niño xảy ra khi nhiệt độ bề mặt biển (SST) ở khu vực trung tâm và phía đông nhiệt đới Thái Bình Dương tăng cao hơn mức trung bình, thường gây nên hiện tượng hạn hán nghiêm trọng ở Đông Nam Á, trong khi La Niña, với đặc trưng SST lạnh bất thường tại cùng khu vực, lại thường dẫn đến lũ lụt hoặc gia tăng mưa lớn.
Trong những năm gần đây có một dạng hình thái ENSO mới được phát hiện, đó là sự xảy ra đồng thời dị thường nóng (lạnh) của SST tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương và dị thường lạnh (nóng) ở phía đông và phía tây Thái Bình Dương, được đặt tên là El Niño (La Niña) Modoki. Ngoài ra, IOD thường được chia thành các sự kiện dương (âm) được đặc trưng bởi nhiệt độ bề mặt biển lạnh hơn (ấm hơn) trung bình ở vùng nhiệt đới phía Đông Ấn Độ Dương và ấm hơn (lạnh hơn) ở vùng nhiệt đới phía Tây Ấn Độ Dương. Cho đến trước nghiên cứu này, chưa có một công bố nào về tác động đồng thời hoặc độc lập của loại hình sự kiện ENSO, ENSO Modoki và IOD tới khu vực khí hậu Đông Nam Á.
Nghiên cứu của TS. Nguyễn Lê Dũng và các cộng sự là công trình đầu tiên đi sâu vào phân tích và so sánh tác động của các hiện tượng ENSO, ENSO Modoki và IOD đối với sự biến đổi lượng mưa mùa thu ở Đông Nam Á – một khu vực có sự đa dạng khí hậu cao và thường xuyên chịu ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Sử dụng các bộ dữ liệu SST từ HadISST và dữ liệu tái phân tích ERA5 với độ phân giải cao, nhóm nghiên cứu đã phân tích chi tiết tác động của từng hiện tượng khí hậu đến 20 tiểu vùng khác nhau tại Đông Nam Á.
Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng tuỳ thuộc vị trí địa lý, El Niño (La Niña) Modoki có tác động làm gia tăng hoặc giảm mưa so với El Niño (La Niña). Đặc biệt, tác động giảm mưa của El Niño Modoki trên các khu vực phía Bắc (Nam) Đông Nam Á mạnh (yếu) hơn so với El Niño. Ngược lại, La Niña Modoki gây ra lượng mưa nhiều hơn đáng kể so với La Niña ở phía Bắc Đông Nam Á.
Mặc dù không đáng kể, La Niña Modoki cũng làm gia tăng lượng mưa ở phía Đông Indonesia, trong khi giảm mưa ở phần trung tâm và phía Tây Indonesia. Sự khác biệt của ENSO Modoki so với các sự kiện ENSO kinh điển được giải thích là do sự phân bố khác nhau của dị thường SST, dẫn đến sự dịch chuyển về phía Bắc của hoàn lưu Walker và sự xuất hiện của một hoàn lưu xoáy thuận dị thường trên khu vực Biển Philippines. Tương tự như El Niño (La Niña), các sự kiện IOD dương (IOD âm) cũng làm suy giảm (gia tăng) lượng mưa mùa thu. Tuy nhiên, so sánh với cả hai loại ENSO, tác động của IOD yếu hơn ở các khu vực gần kề Thái Bình Dương và chỉ mạnh hơn ở các khu vực xích đạo gần kề Ấn Độ Dương. Sự khác biệt này đến từ sự giảm (tăng) vận chuyển ẩm từ vùng xích đạo Ấn Độ Dương đến khu vực phía Tây Nam Đông Nam Á trong điều kiện IOD dương (IOD âm).
Các phát hiện từ nghiên cứu không chỉ có giá trị học thuật cao mà còn mang lại ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Việc hiểu rõ tác động riêng biệt và kết hợp của ENSO, ENSO Modoki và IOD sẽ giúp các nhà khoa học nâng cao độ chính xác của các mô hình khí hậu, đặc biệt là trong việc mô phỏng và dự báo mưa. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các chiến lược thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại khu vực Đông Nam Á, nơi có nhiều cộng đồng phụ thuộc vào nông nghiệp và nguồn tài nguyên nước.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cung cấp thông tin thiết yếu để hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong việc quản lý thiên tai, chẳng hạn như dự báo hạn hán và lũ lụt, tối ưu hóa hệ thống tưới tiêu và bảo vệ các khu vực dễ bị tổn thương, đặc biệt trong bối cảnh khí hậu toàn cầu đang biến đổi nhanh chóng.
Chi tiết về công trình có thể xem tại:
Nguyen-Le, D., T. Ngo-Duc, J. Matsumoto, 2024: The teleconnection of the two types of ENSO and Indian Ocean Dipole on Southeast Asian autumn rainfall anomalies. Climate Dynamics, 62, 1–23, https://doi.org/10.1007/s00382-024-07163-9