Ngày nay, khi thế giới bước vào kỷ nguyên số, công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp đang trở thành một hướng đi chiến lược của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, ngày 19/02/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 57 về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt nhằm tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghị quyết này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của công nghệ vệ tinh mà còn tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam mở rộng khả năng tự chủ trong lĩnh vực không gian.
Vệ tinh tầm thấp – Cánh cửa mở ra kỷ nguyên số
Vệ tinh tầm thấp là loại vệ tinh hoạt động trong quỹ đạo tương đối gần bề mặt Trái Đất (độ cao thường trong khoảng 500 đến 1500 km). Đây là quỹ đạo tương đối phổ biến do khả năng quan sát với độ phân giải cao, độ trễ trong thời gian truyền nhận tín hiệu thấp, và chi phí phóng vệ tinh không quá đắt đỏ.
Vệ tinh tầm thấp mang lại nhiều lợi ích thiết thực, từ viễn thông, quan sát Trái Đất đến nghiên cứu khoa học. Với khả năng cung cấp Internet tốc độ cao ngay cả ở vùng sâu, vùng xa, vệ tinh tầm thấp giúp thu hẹp khoảng cách số, hỗ trợ giáo dục, y tế và các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, công nghệ này còn giúp giám sát biến đổi khí hậu, dự báo thời tiết, quản lý tài nguyên thiên nhiên và tăng cường an ninh quốc phòng.
Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên trong lĩnh vực này với các vệ tinh như VNREDSat-1 (2013) và Microsat-1 (2018), phục vụ giám sát môi trường và nghiên cứu khoa học. Hiện nay, một dự án lớn của Việt Nam là vệ tinh LOTUSat của Việt Nam đã được hoàn thành chế tạo và đang chờ ngày phóng lên quỹ đạo. Vệ tinh có trọng lượng ~ 600 kg và bay ở khoảng cách gần 600 km so với mặt đất, là một bước tiến lớn của Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ vệ tinh và góp phần nâng cao năng lực giám sát môi trường, thiên tai, và biến đổi khí hậu. Với những chính sách mới được Quốc hội thông qua, lĩnh vực này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi một lực lượng nhân lực có chuyên môn cao.

Học ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh – Đón đầu xu hướng tương lai
Việc ứng dụng công nghệ vệ tinh tầm thấp không chỉ mở ra cơ hội phát triển hạ tầng số nói riêng, mà còn tạo nền tảng cho những bước tiến vượt bậc trong ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh nói chung.
Đáng chú ý, trong bối cảnh hiện nay, tại Việt Nam, theo đánh giá của PGS. TS. Ngô Đức Thành – Đồng trưởng khoa, khoa Vũ trụ và Ứng dụng (USTH): “Nghị quyết 57 được ban hành sẽ mở ra vận hội mới cho khoa học công nghệ, trong đó có ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ vệ tinh. Nghị quyết 57 chú trọng phát triển trọng dụng nhân lực chất lượng cao cho các công nghiệp ưu tiên, phát triển đội ngũ nhà khoa học, thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia của các doanh nghiệp vào hoạt động khoa học, công nghệ. Sự tham gia của các doanh nghiệp vào lĩnh vực khoa học vũ trụ và công nghệ vệ tinh hiện nay có thể kể đến 1 số công ty như Vegastar, Viện Hàng không Vũ trụ Viettel (VTX), nhưng số lượng sẽ tiếp tục mạnh mẽ phát triển trong tương lai, đặc biệt là với sự ứng dụng sâu rộng của công nghệ vệ tinh, viễn thám trong việc giải quyết các bài toán của xã hội và quốc phòng an ninh”.
Với sự phát triển của công nghệ vệ tinh, ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh trở thành một lĩnh vực hấp dẫn, thu hút nhiều bạn trẻ yêu thích khám phá công nghệ. Theo học ngành này, sinh viên sẽ được tiếp cận các kiến thức về thiết kế, chế tạo, vận hành vệ tinh, xử lý dữ liệu không gian và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong viễn thám.
Hãy tưởng tượng công ty SpaceX thành lập năm 2002 bởi tỷ phú Elon Musk với mục tiêu giảm chi phí phóng tên lửa và đưa con người lên sao Hỏa. Ở thời điểm đó tuyệt đại đa số mọi người coi các ý tưởng của SpaceX là điên rồ và bất khả thi. Nhưng sau hơn 2 thập kỷ, SpaceX đã góp phần phóng hàng nghìn vệ tinh lên quỹ đạo, giảm chi phí phóng tên lửa hàng chục lần, mở ra kỷ nguyên du hành vũ trụ thương mại, cũng như đã mở rộng hệ thống Starlink cung cấp internet vệ tinh tốc độ cao cho toàn thế giới. SpaceX cũng góp phần đưa Elon Musk thành người giàu nhất hành tinh.
Sinh viên có thể tham gia vào các dự án nghiên cứu, thực tập tại các cơ quan như Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, các viện nghiên cứu hoặc hợp tác quốc tế với các tổ chức lớn như Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hay Trung tâm Vũ trụ Quốc gia Ấn Độ (ISRO). Đây là cơ hội để tích lũy kinh nghiệm thực tế và chuẩn bị hành trang cho sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Và trong tương lai không xa, sẽ có những sinh viên Việt Nam theo đuổi ngành này có thể trở thành các kỹ sư và nhân lực cốt cán trong các công ty như SpaceX, hoặc tự lập nên một doanh nghiệp cạnh tranh và/hoặc hợp tác trực tiếp với các ông lớn của ngành.
Những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn trong lĩnh vực vệ tinh
Việc đầu tư vào công nghệ vệ tinh tại Việt Nam đang mở ra hàng loạt cơ hội nghề nghiệp đầy triển vọng. Sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực như:
- Kỹ sư thiết kế và vận hành vệ tinh: Làm việc tại các trung tâm vũ trụ, trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển và điều khiển vệ tinh.
- Chuyên gia xử lý, phân tích dữ liệu vệ tinh: Ứng dụng công nghệ AI, dữ liệu lớn để phân tích hình ảnh viễn thám phục vụ nghiên cứu môi trường, khí hậu, nông nghiệp, giao thông. Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng đã sử dụng Google map và nền tảng của công nghệ này là ứng dụng dữ liệu vệ tinh.
- Nhà nghiên cứu không gian: Làm việc tại các viện nghiên cứu, phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực quan sát Trái Đất, thăm dò vũ trụ. Một ví dụ là các nhà khoa học tìm kiếm nguồn gốc của sự sống ở các hành tinh xa xôi, chụp ảnh và phân tích các lỗ đen hay sự sụp đổ của các vì sao, cũng đều làm việc với các nguồn số liệu vệ tinh.
- Chuyên gia viễn thông vệ tinh: Làm việc trong các tập đoàn công nghệ, cung cấp giải pháp truyền thông qua vệ tinh, v.v.
Ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh không còn là lĩnh vực xa vời mà đang trở thành một phần quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Nếu bạn đam mê khám phá vũ trụ, yêu thích công nghệ và muốn góp phần xây dựng một Việt Nam tự chủ trong lĩnh vực không gian, đây chính là thời điểm để bạn bắt đầu.
Hãy theo đuổi ngành học này ngay hôm nay để trở thành những kỹ sư, nhà nghiên cứu và chuyên gia tiên phong, cùng nhau chinh phục bầu trời và mở ra những chân trời mới cho tương lai!