120 học giả và chuyên gia đầu ngành đến từ hơn 30 quốc gia trên thế giới đã tới tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 19 về Ngôn ngữ học tính toán và Xử lý văn bản thông minh (19th International Conference on Computational Linguistics and Intelligent Text Processing – CICLing 2018), khai mạc vào sáng 19/03/2018 tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội – USTH (còn được gọi là Đại học Việt Pháp).
Chuỗi sự kiện kéo dài 6 ngày (18-24/03/2018) do Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) của USTH chủ trì là cơ hội để các đại biểu trình bày các nghiên cứu cá nhân, trao đổi kiến thức chuyên ngành qua các phiên báo cáo, cũng như tìm hiểu về văn hóa, thắng cảnh và ẩm thực Việt Nam thông qua các chuyến du lịch trong và ngoài Hà Nội.
Hội thảo do Ủy ban CICLing 2018 phối hợp với Phòng thí nghiệm liên kết quốc tế Việt – Pháp (ICT Lab) của USTH, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (VAST), Đại học La Rochelle, Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp, Cộng đồng Trí tuệ Nhân tạo Mexico (SMIA)… tổ chức. Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) của USTH là đơn vị chủ trì.
Sự kiện ý nghĩa với lĩnh vực Xử lý ngôn ngữ tự nhiên
“Xử lý ngôn ngữ (XLNN) là một kỹ thuật vô cùng quan trọng nhằm giúp máy tính hiểu được ngôn ngữ của con người, qua đó hướng dẫn máy tính thực hiện và giúp đỡ con người trong những công việc có liên quan đến ngôn ngữ như : dịch thuật, phân tích dữ liệu văn bản, nhận dạng tiếng nói, tìm kiếm thông tin,…”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó trưởng khoa Toán – Cơ – Tin học, Trưởng bộ môn Tin học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hội nghị năm nay có sự tham gia của bốn diễn giả quốc tế nổi tiếng trong lĩnh vực Ngôn ngữ học tính toán và Xử lý văn bản thông minh, trong đó có cựu Chủ tịch Hiệp hội Ngôn ngữ học tính toán – Giáo sư Pushpak Bhattacharyya. Trong các phiên báo cáo, với những nghiên cứu chuyên sâu, cả bốn nhà khoa học hàng đầu đã trình bày một số quan điểm và những nghiên cứu mới về ngôn ngữ học tính toán, xử lý ngôn ngữ tự nhiên dựa trên học máy (machine learning), thông tin đa phương tiện kết hợp với ngôn ngữ và ngữ nghĩa, cũng như tương tác người-máy.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ của CICLing 2018, hội thảo về Xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt 2018 (Vietnamese Language and Speech Processing – VLSP 2018) đã được tổ chức vào ngày 23/03. Đây là một sự kiện bên lề do Cộng đồng xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt đứng ra chủ trì và liên kết với CICLing 2018, với nội dung chuyên môn là bốn cuộc thi về phân tích quan điểm, nhận dạng tên riêng, nhận dạng tiếng nói và tổng hợp tiếng nói tiếng Việt.
Theo Tiến sĩ Minh Huyền, XLNN tiếng Việt gặp phải rất nhiều khó khăn do khác biệt trong cấu trúc ngôn ngữ của Việt Nam, cũng như nhân lực và nền tảng nghiên cứu trong lĩnh vực này còn hạn chế. Do đó, hội nghị CICLing 2018 và hội thảo bên lề Xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt 2018 (VLSP 2018) là cơ hội để các chuyên gia trong và ngoài nước có điều kiện nắm bắt được quá trình phát triển, các bài toán khó cần giải quyết về xử lý ngôn ngữ tự nhiên tại Việt Nam và mở ra các hợp tác nghiên cứu tiếp theo.
Nghiên cứu và ứng dụng XLNN tiếng Việt cũng có ý nghĩa đối với sự phát triển của CNTT Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang đẩy mạnh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đời sống cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, Tiến sĩ Huyền chia sẻ.
Khẳng định uy tín của USTH trong nghiên cứu
CICLing được Google Scholar xếp top 20 trong danh sách các hội thảo và tạp chí uy tín nhất về Ngôn ngữ học tính toán năm 2017. Hội thảo có quy mô quốc tế, được tổ chức thường niên, quy tụ sự tham gia của các nhà khoa học xuất sắc cùng hàng trăm nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Ngôn ngữ học tính toán và xử lý văn bản thông tin khắp nơi trên thế giới.
“Việc được giới khoa học quốc tế tin tưởng chọn là đơn vị chủ trì các hội thảo quốc tế quy mô như CICLing là một sự khẳng định tên tuổi và uy tín của USTH trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói riêng và nghiên cứu nói chung”, ông Antoine Dounet – Đồng trưởng khoa ICT – GS ngành CNTT tại Đại học La Rochelle, phát biểu tại sự kiện.
Ông cũng cho biết, khoa học máy tính trên thế giới đang phát triển với một gia tốc rất nhanh, tạo ra ngày càng nhiều việc làm cho con người. Tuy nhiên, tính cạnh tranh trong ngành rất cao, đặc biệt khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam. Sinh viên Việt Nam nhìn chung có kiến thức tốt, song còn yếu về tiếng Anh, thiếu môi trường cọ xát. Đây chính là lý do nhà trường tích cực đẩy mạnh các hoạt động trao đổi nghiên cứu quốc tế như CICLing.
Năm 2017, USTH còn lọt top 10 trường đại học và viện nghiên cứu dẫn đầu về công bố khoa học quốc tế tại Việt Nam, do Nature Index xếp hạng.
Sự kiện lần này được coi là tiền đề để USTH tiếp tục tổ chức các hội thảo quốc tế quy mô lớn cũng như triển khai các hoạt động nghiên cứu liên quan.