Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Văn Quỳnh – Đồng Trưởng khoa nhấn mạnh ý nghĩa và mục đích của chương trình tư vấn, đặc biệt trong bối cảnh kỳ thực tập có vai trò quan trọng không chỉ với quá trình học tập mà còn cả sự nghiệp đối với sinh viên, học viên năm cuối đang đến gần. Thầy bày tỏ hy vọng thông qua chương trình, sinh viên sẽ nhận được những thông tin bổ ích và thiết thực, từ đó tự tin với lựa chọn, tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp phù hợp với năng lực và định hướng tương lai của bản thân.
Tiếp theo, TS. Hoàng Thị Hồng Cẩm – Phó Trưởng khoa đã điểm lại các con số nổi bật về tình hình và định hướng thực tập phong phú của sinh viên khoa AMSN. Sinh viên 2 ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano, Vật lý kỹ thuật và Điện tử có thể lựa chọn thực tập tại trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, trung bình 40 % sinh viên khoa AMSN được đi thực tập nước ngoài tại Pháp, Canada…
Trong chương trình, các bạn sinh viên được lắng nghe rất nhiều chia sẻ thú vị và bổ ích của các vị khách mời. Các câu hỏi xung quanh về nhu cầu nguồn nhân lực, tiêu chí về kỹ năng, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ đã được đưa ra thảo luận và lắng nghe ý kiến đóng góp, tư vấn từ đại diện nhà tuyển dụng từ Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Năng lượng mặt trời Boviet Solar Technology và Công ty Điện tử 360.
TS. Đỗ Hoàng Tùng- Giám đốc Trung tâm Vật lý Kỹ thuật, Viện Vật lý đã giới thiệu về Phòng thí nghiệm Công nghệ Plasma, các công nghệ hiện có, các đề tài đang tiến hành và nhu cầu tuyển dụng. Năm 2022, Phòng thí nghiệm sẽ cần tuyển 3 thực tập sinh và trong quá trình tuyển dụng thầy đề cao tính chủ động – kỹ năng quản lý dự án – đam mê của sinh viên.
Trong những năm qua, Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Năng lượng mặt trời Boviet Solar Technology là một trong những đối tác hỗ trợ nhiệt tình khoa AMSN trong đào tạo, tiếp nhận sinh viên thực tập và tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Ông Hoàng Huy – Tổng Giám đốc Kỹ thuật CTO, Giám đốc bộ phận R&D đã chia sẻ về công ty, môi trường làm việc, tiêu chí tuyển dụng và các vị trí đang cần nguồn nhân lực. Để gia nhập bộ phận R&D của Boviet, các ứng viên cần có nền tảng Hóa học, Vật lý, Khoa học Vật liệu tốt và trình độ tiếng Anh thành thạo. Hai vị trí phù hợp với sinh viên USTH gồm có kỹ sư nghiên cứu và kỹ thuật viên.
Năm 2022 sẽ là năm đầu tiên ngành Vật lý kỹ thuật và Điện tử có khóa sinh viên bước vào kỳ thực tập tốt nghiệp, do đó thông tin về triển vọng nghề nghiệp nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của các bạn đang theo học ngành này. Đại diện công ty Điện tử 360, ông Đinh Văn Tuấn đã giới thiệu về định hướng và nhu cầu tuyển dụng của công ty trong lĩnh vực Điện tử, Truyền thông và Tự động hóa. Theo đó, sinh viên hoàn toàn có cơ hội thực tập có lương tại công ty Điện tử 360 tùy theo năng lực.
Đặc biệt, chương trình còn có sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm thực tập, làm việc tại doanh nghiệp, tìm và ứng tuyển học bổng học tiếp lên thạc sĩ, nghiên cứu sinh từ các gương mặt cựu sinh viên của khoa gồm có Nguyễn Thị Liên, cựu sinh viên khóa 8, hiện đang học nghiên cứu sinh tại Đại học Chicago, Mỹ; Đinh Quang Thành, cựu học viên thạc sĩ khóa 9, đang học nghiên cứu sinh tại Canada; Nguyễn Tuấn Linh, cựu sinh viên khóa 7 hiện đang học nghiên cứu sinh tại Pháp và Trần Thu Uyên, cựu sinh viên khóa 9, hiện đang đảm nhiệm vị trí Kỹ sư nghiên cứu tại Công ty Boviet.
Lời khuyên của Nguyễn Thị Liên đối với các bạn sinh viên là tăng cường trao đổi với giảng viên hướng dẫn, giữ liên hệ với thầy cô tại USTH và cởi mở, giao lưu với các đồng nghiệp tại nước thực tập. Việc lựa chọn được địa điểm thực tập tốt dưới sự hướng dẫn của một giáo sư giàu kinh nghiệm sẽ không chỉ giúp bạn học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng mà còn làm dày thêm hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi để xin học bổng học tiếp tại nước ngoài sau này.
Trong khi đó, Đinh Quang Thành, cựu học viên thạc sĩ khóa 9 cho rằng để có một kỳ thực tập thành công, sinh viên cần xác định mục tiêu rõ ràng về định hướng nghiên cứu, có sự chuẩn bị tốt và nghiêm túc về đề tài thực tập. Bên cạnh đó, trong quá trình thực tập, hãy luôn giữ vững tinh thần chăm chỉ và ham học hỏi để đạt được kết quả tốt nhất.
Theo Nguyễn Tuấn Linh, cựu sinh viên khóa 7, điều quan trọng nhất trong quá trình thực tập là bạn cần cân bằng được cuộc sống và công việc, bên cạnh đó cũng nên thường xuyên trao đổi với thầy/cô hướng dẫn để được định hướng, tư vấn kịp thời.
Nguyễn Tuấn Linh, cựu sinh viên khóa 7 thực tập tại Đại học Paris Diderot, Pháp
Trần Thu Uyên, cựu sinh viên khóa 9 đã giúp các bạn sinh viên hiểu hơn về môi trường thực tế tại doanh nghiệp cũng như sự khác biệt giữa đi học và đi làm. Thu Uyên gửi lời nhắn nhủ tới các bạn sinh viên ngay từ năm nhất nên tham gia các dự án nghiên cứu cùng với thầy/cô trong khoa để sớm tìm ra định hướng riêng cho bản thân muốn làm theo hướng công nghiệp hay học thuật.
Bên cạnh việc thực tập ở các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp, các bạn có thể lựa chọn thực tập tại phòng thí nghiệm “Vật liệu tiên tiến và Ứng dụng” (AMA Lab) của khoa AMSN. Kết thúc chương trình, TS. Nguyễn Văn Quỳnh đã giới thiệu các hướng nghiên cứu và các đề tài thực tập cho sinh viên nếu muốn thực tập tại AMA Lab.
TS. Nguyễn Văn Quỳnh gửi lời cảm ơn tới các diễn giả có mặt trong chương trình, đồng thời gửi lời chúc tới các bạn sinh viên, học viên sẽ có những lựa chọn đúng đắn và một kỳ thực tập thành công.