Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường hàng không Việt Nam và khu vực hứa hẹn đem tới nhiều cơ hội nghề nghiệp trong các lĩnh vực như vận hành hệ thống sân bay, vận tải hàng không hay các dịch vụ hàng không…cho các ứng viên tiềm năng yêu thích ngành hàng không và mong muốn có những bước tiến xa hơn trong sự nghiệp. Tuy vậy, điều này cũng đặt ra bài toán khó đối với nhân sự cấp cao ngành hàng không.
Hàng không trong nước và khu vực tăng trưởng mạnh
Tăng trưởng trung bình 16,6%/năm trong giai đoạn 2001-2014, giai đoạn bùng nổ hiện tại đạt trên 20%/năm trong 5 năm liên tiếp, vận tải hàng không Việt Nam là thị trường phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á (theo nghiên cứu của Trung tâm Hàng không châu Á – Thái Bình Dương), có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ 3 thế giới (theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế-IATA), và được dự báo sẽ cán mốc 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.
Theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, đến năm 2030, thị trường hàng không Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển, với việc nâng cấp 3 trung tâm vận chuyển hành khách, hàng hóa ngang tầm ASEAN tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và hình thành thêm 3 cụm logistic là Vân Đồn, Chu Lai, Long Thành.
Các hãng hàng không hoạt động tại Việt Nam do đó đều có kế hoạch tăng số lượng tàu bay khai thác của mình. Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc gia, hiện sở hữu đội tàu bay hơn 100 chiếc và sẽ tiếp tục bổ sung thêm 50-70 tàu bay từ nay đến 2025. Jetstar Pacific có kế hoạch tăng thêm là 30 chiếc đến 2020, trong khi đó VietJetAir là 200 chiếc đến năm 2023.
Ngoài ra, sự góp mặt của Bamboo Airways vào thị trường hàng không Việt Nam trong thời gian tới đã chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ của ngành này, đồng thời mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp, không chỉ là phi công, tiếp viên hàng không mà còn bao gồm nhân sự kỹ thuật, tổ chức bảo dưỡng, điều hành bay hay thương mại, dịch vụ hàng không.
Không chỉ ở Việt Nam, trong hơn 30 năm qua, lĩnh vực vận tải hàng không đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Theo báo điện tử Business Times của Singapore, Châu Á – Thái Bình Dương sẽ nhanh chóng chiếm lấy vị trí số 1 về chi phí dành cho bảo trì và vận hành máy bay trong vài năm tới. Thêm vào đó là sự gia tăng các đơn đặt hàng máy bay trong khu vực cũng như các yêu cầu bảo trì và quản trị vận tải hàng không.
Tại Đông Nam Á, hiện có hơn 100 hãng hàng không lớn nhỏ đang hoạt động. Theo nhận định của các chuyên gia, đến năm 2020, số lượng hành khách hàng không tầng lớp trung lưu tại Đông Nam Á sẽ đạt tới 500 triệu người. Trong đó, Thái Lan được dự đoán sẽ lọt top 10 thị trường hàng không lớn nhất thế giới trong vòng 20 năm tới.
Thiếu hụt nhân sự cấp cao ngành Hàng không
Không thể phủ nhận sự phát triển vượt bậc của hàng không trong nước và các quốc gia láng giềng là một tín hiệu đáng mừng cho Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung. Tuy nhiên, điều này lại đặt ra sức ép đối với thị trường nhân sự hàng không đang thiếu cung trầm trọng.
Mục tiêu đặt ra của Cục Hàng không Việt Nam là phấn đấu đến năm 2020 lực lượng lao động trong ngành có đầy đủ khả năng đáp ứng yêu cầu, trong đó đáp ứng 100% nhu cầu về phi công, tự đảm bảo quản lý, khai thác, bảo dưỡng và đáp ứng phần lớn nhu cầu về sửa chữa các trang thiết bị chuyên ngành.
Nước ta hiện có hơn 19.000 nhân viên hàng không nhưng mới đáp ứng được 40% nhu cầu nhân lực của ngành. Thêm vào đó, lực lượng nhân viên hàng không của Việt Nam hiện nay còn yếu về trình độ kỹ thuật, kiến thức xã hội, kỹ năng giao tiếp, ứng xử nghề nghiệp, đặc biệt là kỹ năng mềm còn hạn chế (chủ yếu là ở lĩnh vực khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay) lẫn trình độ tiếng Anh.
Việc thiếu hụt nhân sự cấp cao vừa có chuyên môn vững vàng vừa có kỹ năng quản lý, điều phối thành thạo trong quản trị vận tải hàng không dẫn đến các nguy cơ mất an toàn bay, chậm chuyến, hoãn hay hủy chuyến tràn lan, kéo theo việc mất niềm tin nơi khách hàng và sự sụt giảm uy tín của các hãng hàng không. Điều này khiến các hãng hàng không buộc phải tìm giải pháp thuê nhân lực từ nước ngoài với giá thuê cao gấp nhiều lần so với nhân lực trong nước.
Như ông ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty hàng không Việt Nam, chia sẻ với báo An ninh thủ đô: “Nhìn chung, so với các nước trong khu vực, chất lượng nguồn nhân lực hàng không Việt Nam đang ở mức trung bình khá về trình độ chuyên môn, năng lực làm việc, kỹ năng hành nghề, kỹ năng mềm, chỉ đáp đáp ứng được yêu cầu trước mắt và tương lai gần”.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là công tác đào tạo và huấn luyện nhân lực hàng không trong nước còn nhiều hạn chế. Công tác đào tạo nhân lực chuyên ngành hàng không đòi hỏi chuyên sâu, nên phần lớn các cơ sở đào tạo lao động hàng không ở Việt Nam mới tập trung đào tạo ở các bậc đại học, cao đẳng, trung cấp, chứng chỉ chuyên môn hàng không và huấn luyện thực hành.
Các cơ sở đào tạo còn thiếu trang thiết bị để huấn luyện thực hành cho các lao động đặc thù, đặc biệt là đào tạo phi công, nhân viên không lưu và nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa máy bay. Cùng với đó là sự thiếu gắn kết giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp trong việc đào tạo và sử dụng lao động lao động, cũng như giữa đào tạo kiến thức chung với huấn luyện thực tế tại các doanh nghiệp trong ngành, dẫn đến tình trạng dù đào tạo nhiều nhưng lại không thể sử dụng được.
Thêm vào đó, đào tạo sau đại học các chuyên ngành hàng không chủ yếu được đào tạo ở nước ngoài, do chưa có cơ sở đào tạo nào trong nước có đủ khả năng cung cấp một chương trình đào tạo vừa đạt chuẩn quốc tế lại vừa phù hợp về chi phí đào tạo.
Hơn nữa, các chương trình đào tạo chưa đề cập nhiều tới các lĩnh vực liên quan của ngành như quản lý, thương mại hay dịch vụ hàng không, trong khi đây là một lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của ngành hàng không. Đây không chỉ là vấn đề của riêng hàng không Việt Nam mà cả các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Sự tăng trưởng như vũ bão của ngành hàng không trên bình diện khu vực kéo theo “cơn khát” nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn tốt, ngoại ngữ thành thạo của các công ty sản xuất máy bay, cung cấp dịch vụ vận tải hàng không.Trong khi đó, chính người lao động mặc dù rất mong muốn nâng cao trình độ nhưng cũng khá loay hoay tìm giải pháp vì những hạn chế trong chương trình đào tạo trong nước cũng như khu vực.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và người lao động, USTH đã hợp tác với trường đại học hàng không hàng đầu của Châu Âu ENAC để mở chương trình Thạc sĩ Quản trị vận tải hàng không quốc tế ( IATOM) cấp bằng có giá trị toàn cầu từ năm 2018.
TÌM HIỂU THÊM
Chương trình Thạc sĩ Quản trị vận tải hàng không quốc tế ( IATOM)
Thông báo tuyển sinh Thạc sĩ Quản trị Vận tải Hàng không Quốc tế (IATOM) năm 2018