Mai Như Tín – sinh viên khóa 11 ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh, hiện là học viên Thạc sĩ ngành Vũ trụ (USTH) – vừa giành học bổng Chương trình Thạc sĩ Erasmus Mundus về Vật lý thiên văn và Khoa học Vũ trụ (viết tắt là MASS) của Châu Âu. Đây là một chương trình được phối hợp thực hiện bởi Hiệp hội gồm 4 trường đại học: ĐH Rome “Tor Vergata” (Ý), ĐH Belgrade (Serbia), ĐH Bremen (Đức) và ĐH Côte d’Azur (Pháp).
Khởi đầu từ đam mê Thiên văn học
Từ nhỏ, Như Tín đã là “fan cứng” của thiên văn học. Cậu tự tìm tòi và dần nuôi dưỡng kiến thức liên quan đến lĩnh vực này. Trong quá trình mày mò, khám phá, cơ duyên đưa cậu đến với câu lạc bộ Vật lý Thiên văn (VLTV) từ năm lớp 7. Theo Tín, website của VLTV là một trong những kho kiến thức thiên văn cơ bản hiếm hoi dành cho cộng đồng Việt Nam tại thời điểm ấy. Dù chẳng bỏ sót nội dung thú vị nào mà VLTV chia sẻ, nhưng mãi đến lớp 10, Tín mới biết rằng các admin website và fanpage của CLB này hầu hết đều xuất thân từ khoa Vũ trụ và Ứng dụng (USTH). Vì vậy, cậu đã bắt đầu tìm hiểu về khoa cũng như chương trình học tại trường.
“Mình đã giấu bố mẹ để tự làm hồ sơ ứng tuyển vào ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh ngay từ đợt 1, khi vừa mới kết thúc học kì I năm lớp 12. Sau khi nhận được kết quả trúng tuyển, mình mới báo cho bố mẹ biết. Ban đầu, bố mẹ mình không ủng hộ quyết định này của mình. Nhưng cuối cùng, mình cũng thuyết phục bố mẹ thành công và tin tưởng cho mình ra Hà Nội nhập học. Cũng không biết nên vui hay buồn vì ngay sau thời điểm đó, dịch COVID bắt đầu bùng lên ở Việt Nam. Trong khi các bạn còn đang loay hoay thì mình đã có được cho mình tấm vé sớm vào đại học” – Tín tâm sự.
Ở USTH, cậu bạn cực kỳ ấn tượng về sự nhiệt tình của các thầy cô, đặc biệt là những giảng viên khoa Vũ trụ. Tín cho biết: “Mọi thắc mắc của mình trong lúc học đều được các thầy cô giải đáp cực kì tận tình. Những thầy cô từ Pháp sang cũng rất thân thiện với sinh viên”. Ngoài ra, Tín cũng trở thành 1 “mảnh ghép” của CLB VLTV – nơi giúp cậu bạn mở rộng kết nối với các thế hệ sinh viên cùng ngành – những người đồng hành và giúp đỡ Tín rất nhiều trong quãng thời gian học tập tại Trường.
Đến câu chuyện chinh phục học bổng vi vu châu Âu
Trúng tuyển học bổng MASS, Tín sẽ được chi trả toàn bộ học phí cũng như sinh hoạt phí khoảng €1.400/tháng. Tới đây, Tín dự định theo học về dữ liệu lớn và ứng dụng của học máy trong Vật lý Thiên văn. Đây là một hướng đi khá mới và nổi trội trong những năm gần đây với sự bùng nổ về dữ liệu từ các đài quan sát thiên văn trên toàn thế giới. Ngoài ra, hướng đi này cũng phù hợp với thế mạnh về Toán và lập trình của bản thân Tín (Vì cậu bạn vốn là dân chuyên Toán của THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng).
MASS là chương trình Thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu, liên ngành, bao gồm sáu mảng nghiên cứu chính: Lực hấp dẫn và Vũ trụ học, Vật lý sao, Ngoại hành tinh, Kỹ thuật Vật lý thiên văn, Thiên văn học Thống kê và Dữ liệu lớn, và Khoa học Không gian. Hơn nữa, MASS còn cho phép sinh viên di chuyển giữa 4 trường Đại học thuộc Hiệp hội. Điều này mở ra nhiều cơ hội tuyệt vời để những sinh viên như Tín có thể tiếp xúc, mở rộng kết nối và học hỏi nhiều điều thú vị cả về kiến thức chuyên môn lẫn trải nghiệm cuộc sống phong phú.
Để chuẩn bị cho việc ứng tuyển học bổng MASS, Tín đã bắt đầu tìm hiểu về chương trình này vào đầu năm 3 Đại học. Chia sẻ về học bổng MASS, Tín cho biết: “Đây là một chương trình cực kì cạnh tranh với số lượng đơn đăng ký năm nay cao gần gấp đôi năm ngoái”. Theo cậu, yếu tố đầu tiên để hội đồng đánh giá hồ sơ ứng viên chính là GPA. Điểm số cao nói lên năng lực học thuật cũng như thái độ của ứng viên trong quá trình học tập (Tín sở hữu GPA 16.56/20 và tốt nghiệp Cử nhân với tấm bằng Giỏi). Thêm nữa, Tín đã chuẩn bị cho mình một “profile” xịn sò với nhiều thành tích nổi trội như: Huy chương bạc Olympic Toán Sinh viên 2023, học bổng khuyến khích học tập USTH 3 năm liên tiếp bậc Cử nhân (2020, 2021, 2022), học bổng Tiếp nối Thạc sĩ.
Bên cạnh đó, MASS cũng đánh giá cao những ứng viên có kinh nghiệm nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực mình theo đuổi. Đối với Tín, chủ động tham dự những buổi seminar chia sẻ từ các anh chị đi trước cũng như hội thảo liên quan đến Vật lý Thiên văn ngay từ năm đầu Đại học đã cung cấp cho cậu sự hiểu biết và một lượng kiến thức cần thiết về ngành của mình. Cũng từ đây, Tín “bén duyên” với nghiên cứu khi có cơ hội tham gia đề tài về “Molecular gas in Carina Keyhole” vào đầu năm 3. Tín dần học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm liên quan đến nghiên cứu như cách đặt vấn đề, cách tìm kiếm thông tin trên các tạp chí, cách viết một bài luận báo cáo, …
Hơn nữa, việc tích cực tham gia nghiên cứu khoa học còn là cầu nối giữa Tín với các thầy cô giàu kinh nghiệm và có uy tín lớn trong ngành trên phạm vi toàn cầu. Nhờ đó, khi cần xin thư giới thiệu, các thầy cô đã sẵn sàng hỗ trợ nhằm giúp Tín có thêm điểm cộng trong hồ sơ. Bên cạnh thư giới thiệu, Tín cũng rất chau chuốt cho thư động lực. Bí kíp của cậu nằm trọn trong 4 chữ: “write your heart out”. Tín đã thể hiện rõ những gì mình thực sự có, những gì mình muốn, và giải thích tại sao chương trình lại phù hợp với cậu bạn dựa theo khả năng cũng như là định hướng tương lai của bản thân.
Song song với năng lực nghiên cứu khoa học, minh chứng về khả năng làm việc trong môi trường quốc tế cũng là một điểm sáng trên hồ sơ học bổng. Và Tín đã có được điều này nhờ thời gian thực tập tại Phòng thí nghiệm Vật lý hạt thiên văn và Vũ trụ học – ĐH Paris Cité (Pháp). Tín bật mí chính sự hỗ trợ từ các thầy cô trong khoa đã giúp cậu săn được cơ hội thực tập nước ngoài tuyệt vời đó.
Ước mơ sau du học
Khi được hỏi về kế hoạch dài hơi trong tương lai, Tín vui vẻ chia sẻ về dự định của bản thân: “Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, mình sẽ tiếp tục tìm kiếm học bổng tiến sĩ ở châu Âu hoặc Mỹ và tích lũy kỹ năng cũng như kiến thức trong thời gian làm việc ở nước ngoài”.
Dám mơ, dám nghĩ và dám làm. Chắc chắn những con người giàu hoài bão như Tín sẽ mang đến sự “thay da đổi thịt” cho ngành Vũ trụ nói riêng và khoa học nói chung cho đất nước.
Chúc cho những dự định và giấc mơ của Như Tín sẽ trở thành hiện thực!