Chọn USTH với mong muốn mở rộng cánh cửa ra thế giới, Lê Viết Hoàng Lâm và Hồ Huyền Châu – sinh viên ngành Khoa học Dữ liệu – đã biến giấc mơ ấy thành hiện thực khi nắm bắt cơ hội tham gia chương trình trao đổi học thuật tại Tây Ban Nha. Trở về sau hành trình học tập tại châu Âu, cả hai đã mang theo vô vàn trải nghiệm đáng giá và thật nhiều câu chuyện muốn chia sẻ. Hãy cùng lắng nghe hành trình đáng nhớ của hai bạn nhé!
Ấp ủ ước mơ học tập tại nước ngoài
Ngay từ những năm đầu cấp 3, Lê Viết Hoàng Lâm đã bắt đầu làm quen với lập trình và tự mày mò khám phá về lĩnh vực Khoa học Dữ liệu qua các tài liệu trên Internet. Nhận thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành học này trong tương lai, Lâm sớm đưa ra một quyết định quan trọng cho hành trình đại học của mình: “USTH là một trong những trường đại học bắt đầu đào tạo về Khoa học Dữ liệu từ khá sớm, với chương trình được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu. Do đó, Trường đã trở thành lựa chọn ưu tiên hàng đầu của mình cho chặng đường đại học”.
Cùng với niềm đam mê mãnh liệt đối với ngành học, Hoàng Lâm và Huyền Châu còn nuôi dưỡng một ước mơ lớn lao: được trải nghiệm môi trường học tập quốc tế. Chính vì vậy, USTH càng trở thành một lựa chọn hoàn hảo để hiện thực hóa ước mơ đó. Với các chương trình trao đổi tín chỉ quốc tế, cơ hội thực tập tại các quốc gia khác, cùng sự hợp tác học thuật với các trường đại học danh tiếng, USTH mang đến cho sinh viên những cơ hội vô cùng quý giá để học hỏi, giao lưu và phát triển toàn diện. Huyền Châu bày tỏ sự háo hức với các chương trình trao đổi học thuật: “Mỗi kỳ học, Phòng Hợp tác Quốc tế của trường đều có nhiều thông báo về các cơ hội học tập và trao đổi ở nước ngoài, mình luôn theo dõi, cập nhật thông tin mới nhất để không bỏ lỡ mất cơ hội.”

Cơ hội “vàng” – đi trao đổi tại Tây Ban Nha
Với tinh thần vượt qua giới hạn và không ngừng khám phá, khi bắt đầu học tại USTH, Hoàng Lâm và Huyền Châu đã rất cố gắng trau dồi khả năng ngoại ngữ và tập trung trong từng môn học ngay khi năm học bắt đầu. Bên cạnh đó, hai bạn luôn quan tâm, chủ động tìm hiểu thông tin về các chương trình trao đổi học tập. Trong số đó, chương trình trao đổi Erasmus+ tại Đại học Alcalá – một ngôi trường danh giá với bề dày lịch sử và chất lượng giảng dạy uy tín – đã thu hút hai bạn trẻ với mong muốn được học tập tại đây.
Hành trình trao đổi học thuật của Hoàng Lâm và Huyền Châu càng trở nên ý nghĩa hơn khi điểm đến của họ là Đại học Alcalá, một trong những ngôi trường không chỉ nổi bật về học thuật mà còn được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1998. Học tập trong không gian giảng đường cổ kính, nơi lưu giữ dấu ấn thời gian hàng trăm năm, hai bạn không chỉ tiếp thu kiến thức chuyên môn mà còn có cơ hội khám phá sâu sắc nền văn hóa và lịch sử phong phú của Tây Ban Nha.

Trước khi đặt chân đến Tây Ban Nha, Hoàng Lâm và Huyền Châu đã âm thầm chuẩn bị cho mình một “tấm vé” bước ra thế giới – không chỉ bằng sự nỗ lực bền bỉ trong học tập và còn ở việc tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa. Với Lâm, những năm tháng chăm chỉ trên giảng đường cùng những buổi sinh hoạt với câu lạc bộ, đoàn thanh niên, là sự đầu tư nghiêm túc để xây dựng một bộ hồ sơ thật sự thuyết phục.

Những cố gắng ấy đã được đền đáp xứng đáng khi Lâm giành được học bổng trao đổi toàn phần Erasmus+. Lâm chia sẻ với ánh mắt đầy tự hào: “Mình đã được học bổng toàn phần của Erasmus+, học bổng đã giúp cho mình không phải lo về vé máy bay, được hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng và đặc biệt là không cần đóng thêm học phí tại Đại học Alcalá vì đặc quyền khi là sinh viên của USTH”. Về quá trình nộp hồ sơ tham gia chương trình trao đổi này, Hoàng Lâm nhận thấy khá thuận lợi. Nhà trường đã cung cấp thông tin rõ ràng, hướng dẫn cụ thể từng bước. Cậu bạn cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình và đồng hành sát sao trong việc hoàn thiện hồ sơ và định hướng các bước cần làm từ Phòng Hợp tác quốc tế (ICO) và các thầy cô trong Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông.
Đặt chân đến một môi trường học tập mới, hai bạn sinh viên ngành Khoa học Dữ liệu cũng gặp những bỡ ngỡ ban đầu. Hoàng Lâm chia sẻ: “Các dạng bài tập có phần khác biệt so với ở Việt Nam, đòi hỏi sự chủ động cao hơn trong việc tìm kiếm thông tin, nghiên cứu tài liệu bên ngoài. Dù vậy, nhờ sự hỗ trợ từ giảng viên và các bạn sinh viên quốc tế, cùng khả năng tự học được rèn luyện kỹ tại USTH, mình đã nhanh chóng vượt qua những khó khăn ban đầu này”.
Còn với Huyền Châu, dù ban đầu còn lạ lẫm với số phần mềm hay công cụ mới mà bạn chưa từng sử dụng, tuy nhiên, bạn cũng mau chóng thích ứng với môi trường mới: “Nhờ nền tảng kiến thức vững chắc về thuật toán và lập trình được học tại USTH, chỉ cần một vài ngày “mày mò” là có thể bắt nhịp được với các bạn. Mình sẵn sàng tiếp cận và áp dụng kiến thức đã học ở Việt Nam và ở đây cho các dự án thực tế mới”.

Những kỉ niệm đẹp tại Tây Ban Nha
Tọa lạc tại Madrid – thủ đô sôi động bậc nhất châu Âu, Đại học Alcalá hiện lên như một điểm dừng chân vừa cổ kính vừa hiện đại, nơi nhịp sống đô thị giao hòa cùng những giá trị truyền thống đậm đà bản sắc Tây Ban Nha. Với Hoàng Lâm và Huyền Châu, hành trình đến đây không chỉ là một chuyến trao đổi học thuật, mà còn là cơ hội để sống giữa một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt, rực rỡ và đầy màu sắc.
Cô bạn Huyền Châu kể lại với ánh mắt đầy thích thú: người dân ở đây có một thói quen giao thông khiến cô vô cùng ấn tượng – họ luôn chủ động dừng xe và nhường đường cho người đi bộ, không vội vã, không thúc giục. Nhịp sống của thành phố cũng chậm rãi và thư thái hơn rất nhiều so với Việt Nam. Châu bày tỏ sự bất ngờ với giờ sinh hoạt của người Tây Ban Nha, bữa trưa thường bắt đầu lúc 2 giờ chiều, và bữa tối có thể kéo dài đến 9 hay 10 giờ đêm do thời gian mặt trời lặn khá muộn, nhất là vào mùa xuân và mùa hè.
Khi được hỏi về cuộc sống ở Tây Ban Nha, cả hai đều nhắc đến sự hỗ trợ nhiệt tình từ cộng đồng sinh viên Erasmus tại Alcalá (Erasmus Student Network). Chính sự thân thiện và cởi mở ấy đã giúp Lâm và Châu dễ dàng hòa nhập với môi trường mới. Không chỉ đơn thuần là học tập, hai bạn còn có dịp tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, các buổi gặp gỡ sinh viên quốc tế, những chuyến dã ngoại ngắn ngày – và từng khoảnh khắc ấy đều trở thành kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình tuổi trẻ. Dù đã trở về Việt Nam, cả hai vẫn giữ liên lạc đều đặn với bạn bè quốc tế: “Kể cả khi đã về Việt Nam, chúng mình vẫn nói chuyện với những người bạn ấy mỗi ngày. Thật sự rất nhớ khoảng thời gian ấy”, Lâm chia sẻ.

Với tài lẻ của mình là ca hát, âm nhạc trở thành chiếc cầu nối giúp Hoàng Lâm tự tin khi mang âm nhạc của Việt Nam giao lưu với bạn bè quốc tế: “Hành trình nửa năm ấy đã mang lại cho mình rất nhiều lần đầu: Lần đầu viết nhạc cùng những người bạn nước ngoài, lần đầu có cơ hội để cho thế giới thấy đất nước Việt Nam tuyệt vời đến thế nào.”
Đối với Hoàng Lâm và Huyền Châu, đây là một kỳ thực tập vô cùng hữu ích, bạn Lâm chia sẻ:“Mình xem đây là cơ hội quý giá để được học hỏi và trải nghiệm các nền văn hoá lớn trên thế giới.”