Đối với một nhà khoa học, công bố quốc tế có ý nghĩa quan trọng, khẳng định chất lượng công trình nghiên cứu và cũng là sự ghi nhận thành quả quá trình làm việc miệt mài, nghiêm túc. Cùng chung vui với các #USTHers vừa có công bố đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín gần đây nhé!
1. Lương Mai Hoàng – tạp chí Nano Energy Impact factor 15.55, Q1.
Lương Mai Hoàng, cựu sinh viên ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano với công bố khoa học đăng trên tạp chí Nano Energy, chỉ số Impact factor 15.55, H-index 112, thuộc nhóm Q1.
Công bố khoa học “Bilayer plasmonic nano-lattices for tunable hydrogen sensing platform” là kết quả của đề tài nghiên cứu do Mai Hoàng và các cộng sự thực hiện dưới sự hỗ trợ của Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ và công ty Vicostone USA. Nghiên cứu trên đã mở ra một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới cho việc phát triển nguồn năng lượng sạch sử dụng khí Hydro, từ việc phát triển các cảm biến quang học.
Hiện Mai Hoàng đang là nghiên cứu sinh tại khoa Vật lý và Thiên văn, Đại học Georgia, Mỹ. Hoàng đã có 32 công bố khoa học về các lĩnh vực vật liệu quang từ, cấu trúc nano, cảm biến khí, … trên các tạp chí khoa học uy tín như Nano Energy, Materials Horizons, Nanoscale.
2. Trần Phương Thảo – tạp chí Phytomedicine, Impact factor 4.18, Q1.
Trần Phương Thảo, cựu sinh viên ngành Công nghệ sinh học nông y dược với công bố đăng trên tạp chí y khoa về lĩnh vực hóa trị liệu sử dụng chiết xuất thực vật – Phytomedicine, chỉ số Impact factor 4.18, H-index 105 thuộc nhóm Q1.
Công bố khoa học “Ethanol extract of Polyscias fruticosa leaves suppresses RANKL-mediated osteoclastogenesis in vitro and LPS-induced bone loss in vivo” là kết quả nghiên cứu về về hoạt tính và cơ chế chống loãng xương của lá cây Đinh lăng, thử nghiệm trên mô hình tế bào và chuột của của Trần Phương Thảo và các cộng sự tại phòng thí nghiệm Sinh học phân tử về Ung thư, Đại học Quốc gia Kangwon, Hàn Quốc.
Sau 9 năm kể từ ngày đầu tiên là sinh viên USTH, Phương Thảo vẫn bền bỉ theo đuổi con đường nghiên cứu và tính đến nay cô nàng đã có 15 công bố khoa học về hoạt tính và cơ chế kháng viêm, ung thư, loãng xương của các hợp chất thiên nhiên, đây là bước đầu trong bào chế, phát triển thuốc.
3. Nguyễn Châu Giang – tạp chí Astrophysical Journal, Impact factor: 5.58, Q1
Nguyễn Châu Giang, học viên thạc sĩ ngành Vũ trụ và Ứng dụng, vừa có công bố đầu tay trên tạp Astrophysical Journal, tạp chí khoa học chuyên ngành thuộc nhóm Q1 lĩnh vực Vật lý thiên văn với chỉ số Impact factor: 5.58, H-index 381, xếp thứ 34 trong top 100 tạp chí được bình chọn bởi Google Scholar.
Công bố khoa học với chủ đề “Sự tiêu tán, phân cực, và màu sắc của Siêu tân tinh loại IA bởi ảnh hưởng từ sự quay của các hạt bụi” là kết quả 3 tháng nghiên cứu của Châu Giang tại Viện Thiên văn và Khoa học Không gian Hàn Quốc (KASI), dưới sự hướng dẫn của PGS. TS. Hoàng Chí Thiêm và tiền bối Lê Ngọc Trẫm, cựu học viên thạc sĩ tại USTH, hiện đang làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm nghiên cứu Ames NASA.
4. Lê Thị Liên – tạp chí Journal of Physics: Condensed Matter, Impact factor 2.71, Q1
Lê Thị Liên, sinh viên năm cuối chương trình cử nhân ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano cũng vừa có công bố quốc tế đầu tay trên trên tạp chí Journal of Physics: Condensed Matter của nhà xuất bản IOPscience, thuộc nhóm Q1, với chỉ số Impact factor 2.71, H-index 197.
Công bố với chủ đề “Quantitative study of electronic whispering gallery modes in electrostatic- potential induced circular graphene junctions” là thành quả của quá trình miệt mài nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của GS. TSKH Nguyễn Văn Liễn, Viện Vật lý y sinh học và Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Hiện tại, Liên đang chuẩn bị cho kỳ thực tập tốt nghiệp tại Trung tâm Khoa học và Công nghệ Nano, Trường Đại học Paris Saclay, Pháp với một phần học bổng hỗ trợ từ USTH.
5. Nguyễn Phương Quỳnh – tạp chí Environmental GeoChemistry and Health, Impact Factor: 2.99.
Nguyễn Phương Quỳnh, cựu học viên thạc sĩ ngành Nước- Môi trường – Hải Dương học với công bố khoa học đăng trên tạp chí Environmental GeoChemistry and Health với chỉ số Impact Factor là 2.99, H-index 60.
Công bố khoa học “Profiling and potential cancer risk assessment on children exposed to PAHs in playground dust/soil: a comparative study on poured rubber surface and classical soil playgrounds in Seoul.” được Nguyễn Phương Quỳnh cùng các cộng sự thực hiện dưới sự hướng dẫn của hướng dẫn của GS.Jung Hwan Kwon, Đại học Korea, Hàn Quốc.
Mục đích nghiên cứu nhằm đánh giá nguy cơ tiềm ẩn về ung thư đối với trẻ em khi tiếp xúc với chất PAHs. Đây là chất nguy hiểm có khả năng gây ung thư, PAHs xuất hiện trong đất và bụi tại các sân chơi ở thành phố Seoul do quá trình đốt nhiên liệu của các loại phương tiện giao thông.
Hiện tại Nguyễn Phương Quỳnh là nghiên cứu sinh về mảng Môi trường tự nhiên tại trường Đại học Reims Champagne-Ardenne.
6. Phùng Thanh Hằng – tạp chí Color Research and Application, Impact factor 1.027
Phùng Thanh Hằng cựu sinh viên ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông với công bố khoa học đăng trên tạp chí Color Research and Application, với chỉ số Impact factor 1.027, H-index 56.
Công bố khoa học “Assessing the application of an image color appearance model to basic self‐luminous scenes” của Thanh Hằng đã đưa ra những đánh giá khả năng dự đoán, mô phỏng cảm nhận màu sắc của mô hình hiển thị màu (image color appearance model-iCAM) đối với các nguồn sáng (self-luminous stimuli). Nghiên cứu chỉ ra các nhược điểm khi sử dụng mô hình hiển thị màu của vật liệu phản chiếu ánh sáng cho nguồn sáng, đồng thời đưa ra những gợi ý để khắc phục những nhược điểm này.
Hiện tại, Thanh Hằng vẫn đang tiếp tục làm nghiên cứu sinh về mô phỏng cảm nhận màu sắc từ nguồn sáng của mắt người để ứng dụng trong công nghiệp chiếu sáng và hiển thị màn hình tại Phòng thí nghiệm Light and Lighting, Đại học KU Leuven, Bỉ.
Chúc mừng các USTHers với thành công bước đầu trên con đường nghiên cứu. Hi vọng Trường sẽ tiếp tục đón nhận thêm nhiều tin vui từ các sinh viên, cựu sinh viên USTH trong tương lai.