Ngày hội tiến sĩ (Doctoral Day) do trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) tổ chức đã diễn ra thành công ngày 28/05/2024.
Phát biểu khai mạc sự kiện, GS. Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính USTH nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu đối với sự phát triển của một trường đại học, cũng như vai trò không thể thiếu của nghiên cứu sinh trong hoạt động nghiên cứu. Ngày hội tiến sĩ không chỉ là một sự kiện để các nghiên cứu sinh giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà khoa học trong và ngoài USTH, mà còn là cơ hội để nghiên cứu sinh trình bày các kết quả nghiên cứu đạt được, đồng thời nhìn lại quá trình nỗ lực và phấn đấu của bản thân.
GS. Jean-Marc Lavest chia sẻ hiện nay, USTH có 3 chương trình tiến sĩ: chương trình tiến sĩ học tại USTH, chương trình tiến sĩ theo diện học bổng của đề án 89 và chương trình tiến sĩ Co-Tutelles đồng cấp bằng với các đối tác Pháp. Bên cạnh đó, USTH cũng có chính sách ký hợp đồng và trả lương nhằm hỗ trợ cho nghiên cứu sinh yên tâm học tập và nghiên cứu tại Trường. GS. Jean-Marc Lavest gửi lời chúc sự kiện diễn ra thành công, các nghiên cứu sinh sẽ tích lũy được những trải nghiệm bổ ích từ chương trình.
Năm nay, 23 báo cáo đã được lựa chọn trình bày tại chương trình thuộc nhiều lĩnh vực như Công nghệ sinh học, Khoa học Vật liệu và Công nghệ thông tin. Nhận định chung của Hội đồng đánh giá các báo cáo đều có trình độ cao, nhiều nghiên cứu có kết quả đáng ghi nhận. Sau khi các NCS trình bày và thảo luận sôi nổi, Hội đồng đã lựa chọn được 02 bài trình bày xuất sắc gồm:
– “Genomic characterization of the mitochondrial genome and ribosomal transcription units of intestinal flukes Echinostoma miyagawai” của NCS. Phạm Thị Khánh Linh (ngành Công nghệ Sinh học nông, y, dược)
– “Utilizing the CRISPR/Cas9 system to induce targeted mutations of SlbZIP-uORFs for tomato fruit improvement” của NCS. Nguyễn Hồng Nhung (ngành Công nghệ Sinh học nông, y, dược)
Bên cạnh đó, chương trình còn có sự tham gia chia sẻ tâm huyết của các diễn giả: PGS.TS. Đỗ Thị Thảo – Viện Công nghệ Sinh học với chủ đề “Tiềm năng Công nghệ sinh học của Việt Nam và các hướng phát triển hiện tại: Con đường nghiên cứu thành công cho nghiên cứu sinh”; TS. Luc Le Calvez– Trưởng ban Nghiên cứu, Đổi mới và Chuyển giao công nghệ với chủ đề “Những đề xuất để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tại USTH thông qua hợp tác với Pháp và xây dựng USTH trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu”; TS. Trần Bữu Đăng – Nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Houston, Mỹ với chủ đề “Đam mê nghiên cứu, bắt đầu sự nghiệp khoa học và hành trình nhận bằng tiến sĩ tại USTH”.
Theo PGS.TS. Đỗ Thị Thảo, công nghệ sinh học và khoa học sự sống là lĩnh vực quan trọng nhằm nâng cao sức khoẻ, chất lượng cuộc sống con người. Trong công nghệ sinh học, hiện nay đang có 10 xu hướng nổi bật gồm trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chỉnh sửa gen, y học chính xác, trình tự gen, sản xuất sinh học, in sinh học, vi lỏng và kỹ thuật mô. PGS.TS. Đỗ Thị Thảo cũng đã chia sẻ về dự án nghiên cứu sử dụng các hợp chất thiên nhiên để điều trị tế bào ung thư mà chị và các cộng sự đang triển khai tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. PGS.TS. Đỗ Thị Thảo gửi lời nhắn nhủ tới các bạn nghiên cứu sinh ngành công nghệ sinh học vẫn còn nhiều điều bí ẩn đang chờ đợi con người “giải mã”. Với những lợi thế về chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên trình độ cao và sự hỗ trợ và chỉ đạo sát sao của Ban giám hiệu, USTH là một môi trường tuyệt vời để các nghiên cứu sinh học hỏi và phát triển bản thân.
Trong bài trình bày, TS. Luc Le Calvez đã đề cập đến những chính sách phát triển nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ tại USTH từ những ngày đầu thành lập nhằm hướng tới mục tiêu trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam. Về nghiên cứu, USTH tập trung xây dựng các phòng thí nghiệm theo chuẩn quốc tế, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và các nhóm nghiên cứu tiềm năng để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng nghiên cứu. Về đào tạo tiến sĩ, USTH thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ và phát triển các chương trình tiến sĩ mới để thu hút nghiên cứu sinh. Bên cạnh các chương trình tiến sĩ đào tạo ngay tại Trường, USTH triển khai chương trình tiến sĩ Co-Tutelles liên kết với các trường Đại học của Pháp, theo đó nghiên cứu sinh sẽ có 18 tháng làm nghiên cứu tại USTH và 18 tháng tại các trường Đại học của Pháp. Khi tốt nghiệp nghiên cứu sinh sẽ được cấp 2 bằng tiến sĩ, bao gồm 01 của USTH và 01 của đối tác Pháp. USTH cũng đang hướng tới phát triển các chương trình tiến sĩ I.C.S với sự tham gia chặt chẽ của doanh nghiệp. Đây là một mô hình đào tạo tiến sĩ được áp dụng mạnh mẽ tại Pháp, trong đó doanh nghiệp tuyển dụng và tham gia đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh trong quá trình đào tạo.
Tốt nghiệp chương trình tiến sĩ tại USTH, TS. Trần Bữu Đăng đã chia sẻ về quá trình học tập và nghiên cứu tại Trường. Đồng thời dựa trên những kinh nghiệm của bản thân, TS. Trần Bữu Đăng đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích về phương pháp triển khai nghiên cứu, trao đổi với thầy/ cô hướng dẫn hiệu quả, cũng như về mặt tâm lý làm cách nào để bản thân vượt qua áp lực trong quá trình nghiên cứu, cân bằng giữa học tập và cuộc sống.
Chương trình Ngày hội tiến sĩ đã khép lại thành công, mang đến những thông tin bổ ích cho người tham dự, đặc biệt là các nghiên cứu sinh trên con đường nghiên cứu tương lai.
Một số hình ảnh của Doctoral Day 2024