Ngày 08/06/2023, Ngày hội Tiến sĩ – Doctoral Day 2023 do Khoa Đào tạo Tiến sĩ – Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) tổ chức đã diễn ra thành công.
Phát biểu khai mạc sự kiện, GS. Jean-Marc Lavest – Hiệu Trưởng chính USTH, khẳng định USTH chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo tiến sĩ với định hướng trở thành trường đại học nghiên cứu xuất sắc. ‘Doctoral Day’ là sự kiện thường niên của khoa Đào tạo Tiến sĩ nhằm giúp các nghiên cứu sinh đang theo học tại USTH có cơ hội trình bày kết quả nghiên cứu và giao lưu với giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài Trường. GS. Jean-Marc Lavest cũng gửi lời chúc sự kiện diễn ra thành công.
Đặc biệt, sự kiện có sự tham dự của Viện sĩ Đặng Vũ Minh, Nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), GS. Nguyễn Văn Hùng, Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Hóa sinh biển.
Đến tham dự với vai trò diễn giả khách mời có 3 nhà khoa học tiêu biểu: GS.TS. Nguyễn Văn Tuyến, GS.TS. Vũ Đình Lãm, PGS.TS. Hoàng Văn Tổng.
1. GS.TS. Nguyễn Văn Tuyến – Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Khoa học và Công nghệ.
Bài giảng: Design and Synthesis of Naphthoquinone Derivatives by Domino Reactions.
Lý lịch tóm lược của GS.TS. Nguyễn Văn Tuyến
Đào tạo
- Tiến sĩ Hóa hữu cơ năm 1991 (người hướng dẫn: Giáo sư Tiến sĩ P. F. Vlad, Kishinev (Moldavia).
- Nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Dược, trường Đại học Dược, Đại học Illinois tại Chicago (Mỹ) dưới sự hướng dẫn của GS H. S. H. Fong.
- Nghiên cứu sau tiến sĩ tại Bộ môn Hóa hữu cơ, Khoa Kỹ thuật Khoa học Sinh học, Đại học Ghent (Bỉ).
Các vị trí công tác
- 1993 -2022: Trưởng phòng Hóa dược, Viện Hóa học.
- 2005-2008: Phó Viện trưởng, Viện Hóa học, VAST.
- 2008- 2022: Viện trưởng Viện Hóa học, VAST.
- Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Hóa học, VAST.
- Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Khoa học và Công nghệ Hà Nội, VAST.
- Phó Tổng biên tập Tạp chí Hóa học Việt Nam.
- Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam.
- Chủ tịch Hội Hóa hữu cơ.
- Thành viên Hội đồng chức danh giáo sư liên ngành Hóa học – Công nghệ thực phẩm.
Các hoạt động nghiên cứu hiện tại
Mối quan tâm của GS.TS. Nguyễn Văn Tuyến là tổng hợp các azaheterocycle vòng nhỏ, chẳng hạn như aziridin, azetidin và β-lactam, tổng hợp các hợp chất có hoạt tính sinh học được sử dụng trong y học, ứng dụng các phản ứng Heck, Grubbs, Suzuki và Click trong tổng hợp các hợp chất dị vòng. GS là tác giả/đồng tác giả của 6 bằng sáng chế, 4 giáo trình, 2 sách chuyên khảo, 4 chương sách quốc tế và hơn 170 bài báo SCIE trong lĩnh vực tổng hợp hữu cơ.
2. GS.TS. Vũ Đình Lãm – Giám đốc Học viện Khoa học và Công nghệ, VAST.
Bài giảng: Metamaterials: Research and Education at the Vietnam Academy of Science and Technology.
Lý lịch tóm lược của GS.TS. Vũ Đình Lãm
Đào tạo
- Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ 2006-2009, Đại học Hanyang, Hàn Quốc.
- 2004 Tiến sĩ Vật lý, Chương trình Sandwich tại Viện Khoa học Vật liệu – VAST và Ecole Normale Superieure – Paris.
Các vị trí công tác
- 2019 – nay: Giám đốc Học viện Khoa học và Công nghệ, VAST.
- 2010- 2018: Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Vật liệu, VAST.
- 2009-2018: Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về vật liệu và linh kiện điện, VAST.
Kết quả nghiên cứu
- Tác giả/đồng tác giả của hơn 150 bài báo trên các tạp chí SCIE.
- 01 sách chuyên khảo về Siêu vật liệu có chỉ số khúc xạ âm: Chế tạo, Tính chất và Ứng dụng.
- 5 Bằng sáng chế.
- 2010-nay: Hướng dẫn hơn 20 NCS.
- 2010, 2012, 2014 và 2016: Thư ký khoa học Hội thảo quốc tế tại Việt Nam (mỗi đợt trên 400 người).
- 2009, 2011, 2013, 2015: Thư ký khoa học Hội thảo quốc gia về vật lí chất rắn và khoa học vật liệu.
- Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
- Thành viên hội đồng của Hiệp hội các Hiệp hội Vật lý Châu Á Thái Bình Dương (AAPPS).
Hoạt động nghiên cứu hiện tại
GS.TS. Vũ Đình Lãm đã nghiên cứu về các lĩnh vực quang học, từ học và siêu dẫn. Từ năm 2009, ông trở thành người tiên phong và trưởng nhóm trong lĩnh vực siêu vật liệu. Nhóm của ông đã phát triển các thế hệ mới của chỉ số khúc xạ âm, độ trong suốt cảm ứng điện từ và siêu vật liệu dựa trên chất hấp thụ hoàn hảo, hoạt động từ vô tuyến đến vùng quang học. Những nghiên cứu này đặt nền tảng cho sự phát triển của các giải pháp hỗ trợ công nghệ nano hoạt động trên toàn bộ phổ điện từ như băng thông rộng, thiết bị điều khiển phân cực, xử lý dữ liệu, cảm biến và thiết bị chuyển đổi năng lượng. Nghiên cứu khác của GS bao gồm các nguyên tắc cơ bản và ứng dụng của các vật liệu tiên tiến, bao gồm cấu trúc nano, multiferroic và pin mặt trời.
3. PGS.TS. Hoàng Văn Tổng – Trưởng phòng An toàn Sinh học, Viện nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Học viện Quân y.
Bài giảng: Multidisciplinary Exploration in Biomedical Sciences for Doctoral Education.
Lý lịch tóm lược của PGS.TS. Hoàng Văn Tổng
Đào tạo
- 10/2013: Tiến sĩ Sinh học Phân tử và Y học Nhiệt đới tại Viện Y học Nhiệt đới, Đại học Tübingen, CHLB Đức.
Các vị trí công tác:
- 7/2019- đến nay: Trưởng phòng An toàn Sinh học, Viện nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Học viện Quân y.
- 12/2017- đến nay: Giảng viên, Bộ môn Sinh lý bệnh, Học viện Quân y.
- 4/2017- 6/2019: Nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Học viện Quân Y.
- 11/2013-3/2017: Nghiên cứu viên sau Tiến sĩ, Viện Y học Nhiệt đới, Đại học Tübingen, CHLB Đức.
- 3/2010-10/2013: Nghiên cứu sinh, Viện Y học Nhiệt đới, Đại học Tübingen, CHLB Đức.
- 1/2009-6/2009: Nghiên cứu viên, Đại học Hoàng gia Holloway London, Vương quốc Anh.
- 2005-2010: Nghiên cứu viên, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Sinh Y Dược, Học viện Quân y.
Lĩnh vực nghiên cứu
Mối quan tâm nghiên cứu chính của PGS.TS. Hoàng Văn Tổng là mối liên quan và tương tác giữa các yếu tố vật chủ (di truyền, phản ứng miễn dịch và ngoại di truyền) và mầm bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là virus viêm gan (virus viêm gan B, D, và E) và các bệnh lý gan liên quan bao gồm xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan. Đặc biệt, PGS đang tập trung vào vai trò chức năng của con đường tín hiệu nội bào (JAK/STAT/SOCS), gen kích thích Interferon và quá trình ISG hóa trong các bệnh gan liên quan đến virus viêm gan B, vai trò của hệ thống bổ thể trong nhiễm virus Dengue. PGS cũng đang nghiên cứu về dịch tễ học phân tử của các bệnh nhiễm trùng do virus viêm gan (HBV, HDV, HEV) và ý nghĩa lâm sàng của đồng nhiễm giữa các virus viêm gan. PGS cũng mở rộng lĩnh vực nghiên cứu sang các bệnh truyền nhiễm khác như nhiễm trùng máu và nhiễm ký sinh trùng (sốt rét) cũng như phát triển các công cụ chẩn đoán tiên tiến để phát hiện và xác định mầm bệnh truyền nhiễm.
Bài giảng của các diễn giả đã đem đến nhiều kiến thức quý báu cũng như thông tin hữu ích cho học viên tiến sĩ tham gia chương trình. Bên cạnh đó, các diễn giả cũng chia sẻ câu chuyện cũng như kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu cũng như tạo nguồn cảm hứng cho những tân tiến sĩ tương lai.
Cũng trong Ngày hội Tiến sĩ 2023, 16 báo cáo đã được lựa chọn trình bày tại chương trình thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu như Công nghệ Sinh học, Khoa học Vật liệu và Công nghệ thông tin. Hội đồng đánh giá chuyên đề của nghiên cứu sinh có sự góp mặt của nhiều nhà khoa học uy tín như GS. Jean-Marc Lavest – Hiệu Trưởng chính, PGS.TS. Nguyễn Hải Đăng – Phó Hiệu trưởng, PGS. Eric Lacombe – Trưởng khoa Khoa học Sự sống; PGS.TS. Đồng Văn Quyền – Đồng Trưởng khoa Khoa học Sự sống; PGS.TS. Nguyễn Văn Quỳnh – Đồng Trưởng khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano, TS. Trần Giang Sơn – Đồng Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông; TS. Nguyễn Thị Kiều Oanh – Phó Trưởng khoa Khoa học Sự sống; TS. Nguyễn Quang Huy – Phó Trưởng khoa Khoa học Sự sống; TS. Trần Thị Thanh Tâm, TS. Nguyễn Thị Vân Anh, TS. Trần Tuấn Anh, TS. Lê Hồng Luyến – Giảng viên khoa Khoa học Sự sống. Hội đồng đánh giá các báo cáo của các NCS đều có trình độ cao, trong đó nhiều nghiên cứu có kết quả đáng ghi nhận.
Sau phần trình bày và thảo luận sôi nổi, Hội đồng đã lựa chọn được 02 bài trình bày xuất sắc gồm:
- “Utilizing CRISPR/Cas9 system to induce targeted mutations of MLO genes related to soybean powdery mildew resistance” của NCS. Bùi Phương Thảo (ngành Công nghệ Sinh học Nông, Y, Dược)
- “Simplification and Fracture border Detection of two-manifold 3D Cultural-Heritage models using traditional and Deep Learning approaches” của NCS. Huỳnh Vinh Nam (ngành Công nghệ thông tin – Truyền thông).
Chương trình Doctoral Day 2023 đã khép lại thành công, mang đến nhiều thông tin bổ ích cũng như kinh nghiệm quý báu cho người tham dự, đặc biệt là các nghiên cứu sinh trên con đường nghiên cứu khoa học công nghệ tương lai.