Ngày hội tiến sĩ (Doctoral Day) do trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) tổ chức đã diễn ra thành công ngày 31/5/2022.
Phát biểu khai mạc sự kiện, GS. Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính USTH nhấn mạnh với mục tiêu trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu, USTH chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo tiến sĩ. “Doctoral Day” là một sự kiện được khoa Đào tạo Tiến sĩ tổ chức thường niên nhằm giúp các nghiên cứu sinh đang theo học tại USTH có cơ hội trình bày thành quả nghiên cứu và giao lưu với nghiên cứu viên, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài Trường. GS. Jean-Marc Lavest cũng gửi lời chúc sự kiện diễn ra thành công.
Năm nay, 12 báo cáo đã được lựa chọn trình bày tại chương trình thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu như Công nghệ sinh học, Khoa học Vật liệu và Công nghệ thông tin. Hội đồng đánh giá chuyên đề của nghiên cứu sinh có sự góp mặt của nhiều nhà khoa học uy tín như PGS.TS. Eric Lacombe – Trưởng khoa Khoa học Sự sống, PGS.TS. Đồng Văn Quyền – Đồng trưởng khoa Khoa học Sự sống, PGS. TS. Lê Hải Khôi – Khoa Đào tạo Đại cương; TS. Nguyễn Kiều Oanh – Phó trưởng khoa Khoa học Sự sống, TS. Nguyễn Văn Quỳnh – Đồng trưởng khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano, TS. Trần Giang Sơn – Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông.
Nhận định chung của Hội đồng đánh giá các báo cáo đều có trình độ cao, nhiều nghiên cứu có kết quả đáng ghi nhận. Sau 03 tiếng trình trình bày và thảo luận sôi nổi, Hội đồng đã lựa chọn được 02 bài trình bày xuất sắc gồm:
– “Investigation of synergic effect of Diisopropylamine Dichloroacetate and Fenbendazole on lung and liver cancer models” của NCS. Nguyễn Quang Thái (ngành Công nghệ Sinh học Nông, Y, Dược)
– “Electrochemical and spectroscopic tools to investigate performance and mechanism of molecular electrocatalysts” của NCS. Trần Bữu Đăng (ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano)
Cũng tại chương trình, PGS.TS. Trần Đình Phong – Trưởng khoa Khoa học Cơ bản và Ứng dụng, Trưởng nhóm nghiên cứu Hóa học trong Chuyển hóa và Tích trữ năng lượng (CECS) tại USTH đã có phần chia sẻ ý nghĩa: “Hợp tác trong nghiên cứu: Cách thức để trở nên mạnh hơn và giải quyết các vấn đề thách thức”. Trong đó, PGS.TS. Trần Đình Phong trình bày về hành trình nghiên cứu “lá nhân tạo”- một thiết bị có khả năng chuyển hóa năng lượng mặt trời thành năng lượng hóa học tích trữ trong nhiên liệu Hydro (H2) thông qua quá trình quang phân tách nước, và những thành quả nhóm CECS đạt được trong thời gian gần đây. Cụ thể, nhóm vừa công bố phiên bản “lá nhân tạo” hiệu suất 1.9% trên tạp chí của Hội hóa học Mỹ (Journal of the American Chemical Society). Đặc biệt, PGS.TS. Trần Đình Phong cũng chia sẻ về cách thức xây dựng mạng lưới hợp tác của CECS với các nhóm nghiên cứu tại Pháp và Nhật nhằm giải quyết các khó khăn và thách thức đặt ra trong quá trình nghiên cứu.
Đặc biệt, sự kiện còn có sự tham gia của PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương – Viện Toán học đồng thời là Giám đốc điều hành của Quỹ đổi mới sáng tạo VinIF với tư cách khách mời và diễn giả. PGS.Phan Thị Hà Dương đã giới thiệu tổng quan về VinIF cũng như các chương trình tài trợ và học bổng của Quỹ. Từ năm 2019-2021, VinIF đã trao tổng 600 tỷ đồng tiền tài trợ cho 83 dự án; 750 học bổng thạc sĩ, tiến sĩ; 30 học bổng sau tiến sĩ. Riêng năm 2021, USTH đã có 02 đề tài của 02 giảng viên nhận được hỗ trợ của VinIF, 02 cựu sinh viên nhận được học bổng thạc sĩ; 02 cựu học viên thạc sĩ nhận được học bổng tiến sĩ và 02 giảng viên nhận được học bổng sau tiến sĩ của Quỹ.
Chương trình “Doctoral Day” đã khép lại thành công, mang đến nhiều thông tin bổ ích cho cho người tham dự, đặc biệt là các nghiên cứu sinh trên con đường nghiên cứu tương lai.