Ngày 23 tháng 05 năm 2023, Hội thảo về đào tạo và nhu cầu nhân lực ngành kỹ thuật hàng không tại Việt Nam (Workshop on Aviation Training and Human Resources Demand in Vietnam) đã được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH). Hội thảo quy tụ sự tham gia của các diễn giả đến từ các cơ sở đào tạo (Viện Hàng không Vũ trụ Pháp IAS/Bricks, Trường Hàng không dân dụng Pháp ENAC, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Hàng không Việt Nam), các doanh nghiệp hàng không lớn của Việt Nam và Pháp (Vietnam Airlines, VAECO, Bamboo Airways, Vietjet, CTCP Hàng không Hải Âu, Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không AESC, Tập đoàn Airbus).
Hội thảo là nơi gặp gỡ, trao đổi và kết nối sinh viên, giảng viên, các cơ sở đào tạo về hàng không với các doanh nghiệp về mặt đào tạo, thực tập và cơ hội việc làm; là diễn đàn liên ngành để các cơ sở đào tạo và các nhà tuyển dụng chia sẻ về hoạt động đào tạo và thị trường việc làm hiện nay của ngành kỹ thuật hàng không. Đồng thời, Hội thảo cũng mở ra cơ hội hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp hàng không.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính USTH cho biết: “Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, sự hồi phục và phát triển của ngành hàng không đã có nhiều tín hiệu rõ nét, kèm theo đó là sự tăng trưởng trong nhu cầu nhân lực ngành hàng không nói chung và Kỹ thuật Hàng không nói riêng. Hội thảo “Đào tạo và nhu cầu nhân lực ngành Kỹ thuật Hàng không tại Việt Nam” được USTH tổ chức nhằm kết nối và cung cấp những thông tin hữu ích, cập nhật về nhu cầu nhân lực ngành Kỹ thuật Hàng không tại Việt Nam trong bối cảnh mới. Chúng tôi hy vọng sự kiện sẽ trở thành diễn đàn để các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp hàng không chia sẻ về hoạt động đào tạo và thị trường việc làm hiện nay, cũng như kết nối sinh viên, giảng viên, các cơ sở đào tạo về hàng không với các doanh nghiệp về mặt đào tạo, thực tập và cơ hội việc làm trong lĩnh vực này”.
Hội thảo được chia làm 3 phiên với các nội dung cụ thể về: Nhu cầu nhân lực hàng không tại Việt Nam; Thách thức và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo hàng không nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng; Thực trạng các chương trình đào tạo và nhu cầu nhân lực. Nội dung tham luận tại Hội thảo đều đến từ các lãnh đạo, chuyên gia nhiều kinh nghiệm như: Ông Nguyễn Chiến Thắng – Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines; Ông Nguyễn Thao – Giám đốc phát triển kinh doanh, Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không AESC; Ông Tạ Minh Trọng – Trưởng phòng Tiêu chuẩn an toàn bay, Cục Hàng không Việt Nam; Ông Tô Mai Vinh – Phó Giám đốc Phụ trách TTĐT, VAECO; Ông Trần Minh Nghĩa – Phó Giám đốc thường trực TTĐT, Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways); Ông Trần Huỳnh Thi Khoa – Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet; Ông Hà Tiến Dũng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu; Ông Michel Chauvin – Giám đốc Phát triển kinh doanh và Hợp tác quốc tế, Phụ trách đào tạo Sau đại học Khu vực Châu Á, Trường Hàng không dân dụng Pháp (ENAC); Bà Valerie Barthe – Trưởng ban Quan hệ khách hàng – Giải pháp đào tạo, Viện Hàng không Vũ trụ Pháp; Ông Lee Guan YEO – Giám đốc Tiếp thị Hàng không, Châu Á-Thái Bình Dương, Airbus; TS. Trần Thị Thái Bình – Trưởng Bộ môn Kinh tế Hàng không, Phó Trưởng ban Đào tạo Chương trình Hàng không Toàn cầu, Học viện Hàng không Việt Nam; PGS.TS. Vũ Đình Quý – Phó Trưởng khoa Cơ khí Động lực, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ, Đại học Bách Khoa Hà Nội; TS. Nguyễn Anh Tuấn – Phó Trưởng khoa Hàng không Vũ trụ, Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Tại hội thảo, các chuyên gia chia sẻ, từ quý II/2022, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, sự hồi phục và phát triển của ngành hàng không đã có nhiều tín hiệu rõ nét; kèm theo đó là sự tăng trưởng trong nhu cầu nhân lực ngành hàng không nói chung và Kỹ thuật Hàng không nói riêng. Theo Cục Hàng không Việt Nam, mỗi năm cả nước sẽ cần bổ sung khoảng 150 – 200 nhân sự cho lực lượng kỹ thuật tàu bay bao gồm cả kỹ sư máy bay và thợ kỹ thuật máy bay. Đối với công tác sửa chữa, bảo dưỡng máy bay – lĩnh vực đặc thù làm việc trong môi trường kỷ luật cao, đòi hỏi vô cùng khắt khe về tính kỷ luật, trình độ ngoại ngữ, nghiệp vụ để bảo đảm an toàn tuyệt đối. Chất lượng nguồn nhân lực đóng một vai trò quyết định nên việc đào tạo một kỹ sư hàng không là cả quá trình gian nan, do đó, dù được coi là ngành lương cao nhưng Kỹ thuật hàng không hiện nay rất thiếu nhân lực.
Một số hình ảnh khác tại sự kiện:
Thông tin về ngành Kỹ thuật Hàng không tại USTH:
USTH bắt đầu triển khai chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không với hai chuyên ngành bảo dưỡng và vận hành bay từ năm 2018, với sự hỗ trợ và hợp tác mạnh mẽ từ các đối tác lớn như tập đoàn Airbus, Viện Hàng không vũ trụ Pháp (IAS/Bricks), Trường Hàng không dân dụng Pháp (ENAC), Vietnam Airlines, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn MTV kỹ thuật Máy bay (VAECO). Chương trình đào tạo được xây dựng theo chuẩn quốc tế với ngôn ngữ học tập bằng tiếng Anh cùng sự tham gia giảng dạy của đội ngũ giảng viên trình độ cao từ Việt Nam, Pháp và các nước châu Âu. Chương trình gồm các nội dung nghiên cứu lý thuyết và thực hành cơ bản, sẽ tập trung vào các nội dung như bảo trì tàu bay và hệ thống, kiểm tra và hỗ trợ kỹ thuật, chất lượng và tình trạng máy bay, hoạt động hàng không. Sinh viên được học lý thuyết kết hợp chặt chẽ với thực hành tại phòng thí nghiệm Hàng không hiện đại tại USTH và 6 tháng thực hành chuyên nghiệp tại VAECO. Chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Kỹ thuật Hàng không mỗi năm tại USTH là 40. |