Ngày 13/7/2018, USTH vinh dự cùng 5 đơn vị đại diện cho Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) tham dự Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2018 – diễn ra bên lề Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp tại khách sạn JW. Marriott, Hà Nội.
Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2018 là sự kiện diễn ra bên lề Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong kỷ nguyên 4.0” do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức trong hai ngày 12-13/7/2018.
Sự kiện có sự tham dự và chủ trì của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng gần 2.000 đại biểu, gồm 11 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế, hơn 50 chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Đại diện cho USTH, nhóm nghiên cứu TS. Trần Đình Phong, Trưởng Khoa Khoa học Cơ bản và Ứng dụng, đã mang đến phiên bản lá nhân tạo với hiệu suất hydro 3%, thời gian hoạt động liên tục trong 10 giờ. Những kết quả nổi bật của series các công trình nghiên cứu về Lá nhân tạo của TS. Phong và cộng sự hứa hẹn đem đến một giải pháp về năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường, rẻ tiền thay thế xăng, dầu hay than đá cho các quốc gia đang phát triển.
Hơn 10 năm trở lại đây, trước nhu cầu cấp thiết về tìm nguồn năng lượng thay thế năng lượng hóa thạch, các nhà khoa học đã triển khai ý tưởng chế tạo lá nhân tạo có khả năng tạo ra Hydro, một nhiên liệu sạch dùng trong pin nhiên liệu, từ ánh sáng mặt trời và nước biển thông qua quá trình quang điện phân nước. Tuy nhiên, chất xúc tác số 1 cho phản ứng khử proton (H+) thành hydro từ nước là bạch kim, một nguyên liệu rất quý hiếm và đắt đỏ. Trong khi đó, cấu trúc của molybden sulfiden vô định hình, một chất xúc tác có thể thay thế bạch kim vẫn là một bí ẩn, ngăn cản việc tìm hiểu cơ chế hoạt động của chất xúc tác này và việc thiết kế vật liệu mới có nhiều ưu việt trở nên khó khăn.
Nhóm nghiên cứu của TS. Phong đã có những đóng góp quan trọng khi xác định thành công cấu trúc, cơ chế hoạt động của molybden sulfide vô định hình, mở ra hi vọng phát tiển các xúc tác mới thay thế tốt cho bạch kim.
Công trình nghiên cứu này đã được công bố trên Nature Materials, tạp chí khoa học hàng đầu thế giới, được SCIMAGO xếp hạng 2/1983 trong Khoa học vật liệu, 2/863 trong Hoá học và 3/4363 trong Kỹ thuật, và đồng thời giúp TS. Phong và nhóm nghiên cứu giành giải thưởng chính giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018 do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao tặng.
Bên cạnh USTH, gian trưng bày của VAST còn có sự tham gia của các đơn vị như Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC), Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Vật lý kĩ thuật.
Các sản phẩm tại triển lãm đều hướng tới giải quyết các vấn đề nóng hổi hiện nay như tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, hay công nghiệp xanh. Đây cũng là một nội dung quan trọng mà Cách mạng công nghiệp 4.0 hướng tới nhằm phát triển bền vững bên cạnh việc áp dụng công nghệ hiện đại, thông minh vào sản xuất và đời sống để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Vì vậy, tham gia sự kiện lần này không chỉ là cơ hội để USTH nói riêng và VAST nói chung giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ mới nhất mà còn là dịp để cập nhật, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia, các đơn vị có uy tín trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam và nước ngoài.