Là 1 trong 15 người được chọn trong 1339 ứng viên từ nhiều quốc gia trên thế giới để nhận học bổng Erasmus Mundus trong lĩnh vực Năng lượng, Nguyễn Thị Khánh Huyền, cựu sinh viên ngành Năng lượng (tên hiện tại là ngành Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo) sẽ theo học chương trình thạc sĩ tại Hungary và Pháp. Cùng lắng nghe Khánh Huyền “bật mí” về hành trình đến với suất học bổng danh giá của Liên minh châu Âu này nhé.
Chào Khánh Huyền. Chúc mừng bạn đã xuất sắc giành được học bổng Erasmus Mundus. Bạn có thể chia sẻ đôi nét về kế hoạch học tập trong thời gian tới?
Học bổng Erasmus Mundus là một trong số ít những học bổng châu Âu cho phép ứng viên theo học tại ít nhất 2 quốc gia châu Âu. Mình đã may mắn trở thành 1 trong 15 ứng viên nhận được học bổng Erasmus Mundus để theo học chương trình thạc sĩ tại Pháp và Hungary. Cụ thể 2 năm tới đây, mình sẽ theo học chương trình thạc sĩ về Quản lý và Kỹ thuật Năng lượng tại Hungary và Pháp ở Đại học Kỹ thuật và Kinh tế Budapest (Budapest University of Technology and Economics – BME) và IMT Atlantique trực thuộc Viện Mỏ – Viễn thông (Institut Mines – Télécom).
Mình dự định theo đuổi kết hợp cả việc học kiến thức về kỹ thuật và kiến thức quản lý, có lẽ trong tương lai gần, định hướng nghiên cứu của mình sẽ tập trung vào vấn đề quản lý năng lượng hoặc kinh tế năng lượng. Định hướng này một phần là do mình tự lựa chọn sau khi được “va chạm” và có những kinh nghiệm nhất định trong ngành năng lượng tái tạo, phần khác là do mình muốn thử sức với những đề tài mới mẻ hơn cho chặng đường phía trước của mình.
Khánh Huyền có lời khuyên gì cho các bạn sinh viên để xin học bổng du học nước ngoài thành công?
“Apply” học bổng du học là một hành trình dài và mình khuyên các bạn nên chuẩn bị thời gian, lên kế hoạch cũng như chuẩn bị tâm lý cho việc này, vì rõ ràng nó khó khăn hơn rất nhiều so với tưởng tượng của mình. Ứng viên cần đầu tư thời gian và “chất xám” để tìm hiểu về chương trình học bổng, các tiêu chí, yêu cầu, chọn trường và chương trình học phù hợp, đặc biệt là viết “motivation letter” (thư bày tỏ nguyện vọng) sao cho thật súc tích và thuyết phục bởi đây chính là “tuyên ngôn” giúp Hội đồng đánh giá biết bạn là ai, bạn có thế mạnh gì và tại sao nên trao cơ hội học bổng cho bạn.
Việc chờ đợi kết quả còn “stress” hơn rất nhiều so với việc chuẩn bị hồ sơ apply, mình cảm thấy mất phương hướng và thậm chí đôi khi còn hoài nghi về năng lực của bản thân mình, nên mình muốn khuyên các bạn hãy chuẩn bị tâm lý cho việc này. Mình muốn nhắn nhủ đến các bạn rằng dù có thất bại thì đó vẫn chưa phải là kết thúc đối với tương lai, và giá trị của bản thân mình còn nằm ở nhiều yếu tố khác hơn là một học bổng.
Sau 3 năm học tập tại USTH, bạn đánh giá thế nào về môi trường học tập tại đây?
Môi trường quốc tế tại USTH không chỉ giúp nâng cao trình độ tiếng Anh mà còn tiếp thêm cho mình động lực học tập, hoàn thiện bản thân. Mình nhận thấy môi trường tại đây là một bước đệm hoàn hảo cho sinh viên nếu các bạn có ý định du học sau đại học hoặc làm việc trong các công ty hoặc tổ chức nước ngoài.
USTH dạy cho mình cách tiếp cận vấn đề và xử lý công việc một cách chủ động. Nhờ biết tự tìm hiểu thông tin, bố trí và sắp xếp thời gian hợp lý, phong cách học tập và làm việc của mình đã hoàn toàn thay đổi, trở nên hiệu quả và năng suất hơn.
Đặc biệt, mỗi thầy cô trong khoa Năng lượng đều có một phong cách riêng trong việc giảng dạy và trao đổi với sinh viên. Mình đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ các thầy cô trong khoa suốt quãng thời gian học tập và rèn luyện tại đây. Nhờ những bài học và kinh nghiệm mà các thầy cô truyền tải, sinh viên chúng mình đã trưởng thành rõ rệt so với những ngày mới bỡ ngỡ bước chân vào trường.
Được biết, Khánh Huyền là một sinh viên rất tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, vậy động lực nào đã “tiếp lửa” cho sự kiên trì của bạn trong suốt những năm qua?
USTH là một trường đại học định hướng nghiên cứu nên hầu như mỗi bạn sinh viên tại USTH đều tham gia vào ít nhất một đề tài nghiên cứu khoa học. Mình cũng không phải là một ngoại lệ.
Nhờ sự động viên, khích lệ và tạo điều kiện từ các thầy cô khoa Năng lượng, mình đã được tham gia nhiều dự án ngay từ năm đầu tiên học chuyên ngành, từ đó làm nền tảng triển khai các đề tài nghiên cứu riêng của bản thân. Chính vì vậy, “gia tài” kiến thức và kinh nghiệm của mình qua mỗi năm lại được làm dày và phong phú thêm – một điều mà mỗi khi nhìn lại, mình đều thấy đong đầy niềm vui.
Các đề tài nghiên cứu mình tham gia tập trung chủ yếu vào các công nghệ năng lượng tái tạo như gió, mặt trời. Quả thật, để làm quen với với việc nghiên cứu không phải là một câu chuyện dễ dàng. Bất cứ đề tài nào cũng đều yêu cầu phải đọc và tìm hiểu một lượng lớn tài liệu tham khảo. Đặc biệt, do đặc thù của ngành Năng lượng nên những đề tài mình tham gia đều liên quan đến xây dựng các mô hình giả lập và mô phỏng kết quả nên mình gặp không ít khó khăn trong việc thu được kết quả mong muốn. Những lúc như vậy, mình đã nhận được sự hỗ trợ và hướng dẫn nhiệt tình từ các thầy cô và bạn cùng nhóm. Ngoài ra, các trang thiết bị hiện đại trong Phòng thí nghiệm Năng lượng sạch và Phát triển bền vững (CleanED) đã tạo điều kiện cho chúng mình triển khai thuận lợi các ý tưởng nghiên cứu.
Thông qua việc được tham gia các đề tài nghiên cứu, mình hiểu hơn về lĩnh vực năng lượng tái tạo, đồng thời “định hình” được định hướng tương lai của bản thân. Mình cũng cho rằng chính những kinh nghiệm và thành tích nghiên cứu đạt được đã khiến “profile” của mình có sức thuyết phục, giúp mình nhận được học bổng Erasmus Mundus.
Cảm ơn Khánh Huyền vì những câu trả lời ý nghĩa. Chúc bạn thành công trên con đường sắp tới.