Ngày 17 tháng 2 năm 2025, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) chính thức khởi động Dự án Nghiên cứu Quốc tế (International Research Project – IRP) đầu tiên, hợp tác với Viện Khoa học Vật liệu (IMS) thuộc Viện Hàn lâm KHCNVN và hai phòng thí nghiệm hàng đầu tại Pháp: Phòng thí nghiệm Hóa học và Sinh học Kim loại (LCBM UMR 5249 CNRS/CEA/Đại học Grenoble Alpes) và Phòng thí nghiệm Hóa học Phối hợp (LCC UPR8241 CNRS/Đại học Toulouse).
Trong chuyến công tác tại Pháp mới đây, GS. Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính của USTH, cùng PGS.TS Trần Đình Phong, Phó Hiệu trưởng, đã có buổi làm việc với GS. Vincent Artero, Giám đốc Phòng thí nghiệm Hóa học và Sinh học Kim loại, để chính thức triển khai dự án. Nghiên cứu này tập trung tối ưu hóa hệ thống lai nhằm sản xuất hydro từ quang điện phân nước, ứng dụng kỹ thuật phân tử và cấu trúc nano. Đây là dự án hợp tác khoa học giữa Việt Nam và Pháp, được Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) tài trợ.
Đoàn công tác USTH trong chuyến công tác tại Pháp
Dự án quy tụ 26 nhà nghiên cứu từ hai quốc gia, cùng nghiên cứu về sản xuất hydro từ năng lượng mặt trời – một lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược đối với Việt Nam trong việc phát triển các giải pháp năng lượng sạch, bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh.
Dự án hướng đến việc phát triển một tế bào quang điện phân bền vững, có khả năng tách nước thành hydro và oxy một cách hiệu quả nhờ năng lượng mặt trời. Hydro xanh, sản xuất từ quá trình điện phân nước, được xem là yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Trong khuôn khổ dự án IRP này, nhóm nghiên cứu đặt ra các mục tiêu kỹ thuật trọng điểm:
- Thiết kế chất xúc tác mới cho quá trình sản xuất hydro và oxy, sử dụng các vật liệu sẵn có trong tự nhiên như sulfua molybden, oxit sắt hoặc oxit niken.
- Phát triển vật liệu bán dẫn tiên tiến, tiêu biểu là BiVO4, nhằm tăng cường khả năng hấp thụ ánh sáng mặt trời.
- Lắp ráp điện cực quang lai, kết hợp giữa bán dẫn và chất xúc tác để tối ưu hóa phản ứng quang hóa trong sản xuất hydro và oxy.
Dự kiến, dự án sẽ xây dựng một tế bào quang điện hóa bền vững, chỉ sử dụng các nguyên tố phổ biến trong tự nhiên, giúp sản xuất hydro hiệu quả từ nước nhờ năng lượng mặt trời. Những thách thức khoa học quan trọng cần giải quyết bao gồm:
- Cải thiện hoạt tính xúc tác và nâng cao độ bền của các chất xúc tác và vật liệu bán dẫn.
- Đánh giá tác động của điều kiện vận hành (như độ pH, cường độ ánh sáng, cấu trúc thiết bị, v.v.) đối với hiệu suất và tuổi thọ của hệ thống quang điện hóa.
Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá trong công nghệ sản xuất hydro xanh, góp phần vào quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững trên toàn cầu.
Việc chính thức khởi động dự án nghiên cứu quốc tế này là thành quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu từ Việt Nam và Pháp, đặc biệt là sự đóng góp quan trọng của GS. Vincent Artero và nhóm nghiên cứu của ông, GS. Dominique Baillargeat, Đại diện khu vực ASEAN của CNRS, và ông Luc le Calvez, Trưởng đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD) tại Campuchia.
Dự án đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hợp tác nghiên cứu song phương, đồng thời khẳng định năng lực khoa học, chất lượng đào tạo và vị thế ngày càng vững chắc của USTH trong lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới.