Chuỗi sự kiện Café Scientifique tại USTH được Ban nghiên cứu, Đổi mới và Chuyển giao công nghệ (DRITT) USTH tổ chức, lấy cảm hứng từ chuỗi sự kiện Café Scientifique do Duncan Dallas khởi xướng tại Leeds năm 1998, Vương quốc Anh.
Phát biểu khai mạc, TS. Luc Le Calvez, Trưởng Ban nghiên cứu, Đổi mới và Chuyển giao công nghệ (DRITT) khẳng định Café Scientifique là một không gian mở dành cho những người kể truyện khoa học, đồng thời cũng là nơi cộng đồng yêu khoa học có thể tìm thấy tình bạn, niềm hạnh phúc, và sự sẵn sàng giúp đỡ từ những người chung sở thích, đam mê. Dự kiến Café Scientifique sẽ được tổ chức vào thứ 5 cuối cùng hàng tháng dành cho toàn bộ giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên đang làm việc và học tập tại trường.
TS. Nguyễn Thanh Hiền, giảng viên khoa Nước – Môi trường – Hải dương học, một trong những người có sáng kiến đưa Café Scientifique về với USTH cho biết phương châm của chương trình là chia sẻ và kết nối, giống như câu nói “You can’t focus without coffee. Likewise, you can’t do science without collaboration” (Tạm dịch: Bạn không thể tập trung nếu thiếu cafe, cũng giống như bạn không thể làm khoa học nếu thiếu sự hợp tác). Ban tổ chức mong muốn Café Scientifique trở thành nơi giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên USTH chia sẻ những ý tưởng, đề tài nghiên cứu, để từ đó có thể xây dựng các mối quan hệ hợp tác, nghiên cứu chung.
Dự kiến Café Scientifique sẽ được tổ chức cố định vào thứ 5 cuối cùng của tháng dành cho toàn bộ giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên đang làm việc và học tập tại trường.
Ở số đầu tiên, hai đại diện đóng vai trò người kể truyện khoa học là TS. Mai Hương với chủ đề Microplastics (Ô nhiễm Vi nhựa tại Việt Nam) và TS. Phạm Văn Nhất với chủ đề Microfluidics (Kênh dẫn vi lưu – Công cụ tiềm năng cho các nhà nghiên cứu). Hai hướng nghiên cứu đã nhận được nhiều câu hỏi quan tâm của giảng viên và sinh viên tham dự.
Theo TS. Mai Hương, số lượng sản phẩm từ nhựa tăng đáng kể từ những năm 1950 bởi giá thành rẻ và tính bền cao. Hàng năm thế giới sản xuất khoảng hơn 300 triệu tấn nhựa, gây nên mối quan ngại lớn về ô nhiễm nguồn đất và nước, kéo theo các vấn đề môi trường như phá hủy hoặc suy giảm đa sinh học, mất cân bằng sinh thái, làm chết các sinh vật thủy sinh nếu như chúng không may bị mắc phải hoặc ăn phải, có thể gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, thay đổi cấu trúc của đất và lâu dần dẫn đến giảm khả năng giữ nước gây ra xói mòn, sạt lở đất vùng núi. Do đó, các quốc gia như Việt Nam, với khoảng 28 đến 73 triệu tấn rác nhựa mỗi năm (khoảng 6% tổng lượng rác thải nhựa trên toàn thế giới), cần đẩy mạnh nghiên cứu về quản lý rác thải nhựa và ô nhiễm vi nhựa.
Chia sẻ về chủ đề Kênh dẫn vi lưu, TS. Phạm Văn Nhất khẳng định đây là một công cụ hữu ích và toàn diện cho các nghiên cứu khoa học bởi khả năng phản ứng hoá học cao, khối lượng mẫu nhỏ và dễ dàng thực hiện. Một số những ứng dụng của Kênh dẫn vi lưu trong nghiên cứu cũng được giới thiệu như: Organ-on-chip (chip mô phỏng cơ quan ở người), Droplet as microreactor (lò phản ứng vi mô dạng giọt),…
Những chia sẻ về hai hướng nghiên cứu đã nhận được nhiều phản hồi tích cực và các câu hỏi quan tâm từ cả giảng viên và sinh viên của USTH. Ban tổ chức dự kiến Café Scientifique số thứ 2 sẽ diễn ra vào ngày 30/07/2020.