Ngày 12/7/2023, nhân dịp chuyến công tác tại Việt Nam, TS. Valérie Verdier, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viện nghiên cứu vì sự Phát triển (IRD, Pháp) và Ông Bruno David, Chủ tịch Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Pháp (MNHN) đã có chuyến thăm và làm việc tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH). Cũng trong khuôn khổ của chương trình, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng và phát triển Phòng thí nghiệm (PTN) liên kết quốc tế LOTUS (Land Ocean aTmosphere coUpled System – Hệ thống kết hợp khí quyển đại dương trên đất liền) giai đoạn II (2023-2027) đã diễn ra.
Tham dự buổi làm việc, về phía IRD có TS. Valérie Verdier – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, TS. Claude-Anne Gauthier – Giám đốc Quan hệ Quốc tế và Châu Âu, TS. Philippe CHARVIS – Phó Giám đốc Khoa học, Ông Vincent DRAPEAU – Quản lý Nhiệm vụ Châu Á-Thái Bình Dương; TS. Edmond DOUNIAS – Giám đốc Văn phòng Đại diện tại Việt Nam; về phía MNHN có Ông Bruno DAVID, Chủ tịch; Ông Emmanuel SKOULIOS – Phó Giám đốc điều hành; về phía Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam có bà Sophie MAYSONNAVE, Tham tán Hợp tác và Hoạt động văn hóa; GS. Dominique LAFFLY, tùy viên Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.
Về phía USTH có GS. Jean-Marc Lavest – Hiệu trưởng chính; PGS.TS. Đinh Thị Mai Thanh – Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Hải Đăng – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Trần Đình Phong – Phó Hiệu trưởng và lãnh đạo các khoa chuyên môn và phòng Hợp tác Quốc tế.
Tại buổi làm việc, GS. Jean-Marc Lavest bày tỏ sự vui mừng khi được chào đón TS. Valérie Verdier và ông Bruno David cùng đoàn đại biểu IRD và MNHN đã đến thăm và làm việc tại USTH.
IRD là một thành viên thuộc Liên minh USTH Consortium và cũng là một đối tác quan trọng của USTH. IRD đã có nhiều đóng góp trong việc hỗ trợ USTH xây dựng các phòng thí nghiệm liên kết quốc tế với mục đích quy tụ đội ngũ các nhà khoa học ưu tú, giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế nhằm triển khai các đề tài nghiên cứu tập trung giải quyết các vấn đề nóng trên toàn cầu hiện nay như chăm sóc sức khỏe, chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
IRD đã hỗ trợ USTH xây dựng 4 phòng thí nghiệm (PTN) liên kết quốc tế gồm có PTN “Hệ gene chức năng và Công nghệ sinh học thực vật và vi sinh vật liên kết với thực vật” (LMI-RICE) (đã kết thúc); PTN về “Kháng thuốc khu vực Đông Nam Á” (LMI-DRISA); PTN nghiên cứu hệ thống kết hợp đất liền – đại dương – khí quyển quy mô khu vực (LMI-LOTUS) và PTN Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICTLab). GS. Jean-Marc Lavest nhấn mạnh tầm quan trọng của các PTN liên kết quốc tế với hoạt động nghiên cứu của USTH và đánh giá cao sự hỗ trợ của IRD đối với Trường trong thời gian qua.
Cũng tại buổi tiếp, GS. Jean-Marc Lavest đã giới thiệu tổng quan về lịch sử hình thành, mô hình đào tạo và các thành tựu nổi bật USTH đạt được trong hơn 14 năm xây dựng và phát triển. Giáo sư đã chia sẻ về kế hoạch phát triển Trường trong thời gian tới nhằm đưa USTH trở thành một trường đại học xuất sắc về đào tạo, nghiên cứu về khoa học công nghệ tại Việt Nam và khu vực.
Bên cạnh đó, GS. Jean-Marc Lavest cũng đề cập đến những mục tiêu, thách thức và cơ hội trong việc phát triển công tác nghiên cứu tại USTH. Trường kỳ vọng đến năm 2025, USTH nằm trong Top 3 các trường đại học khoa học công nghệ dẫn đầu về chất lượng nghiên cứu của Việt Nam.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, GS. Jean-Marc Lavest bày tỏ hy vọng USTH sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của IRD và MHHN trong việc xây dựng và phát triển các dự án nghiên cứu quốc tế.
Phát biểu tại buổi làm việc TS. Valérie Verdier và ông Bruno David cảm ơn sự đón tiếp của Ban giám hiệu USTH và bày tỏ sự ấn tượng sâu sắc với những bước tiến vượt bậc của USTH. IRD và MNHN sẽ tiếp tục đồng hành và ủng hộ USTH trong giai đoạn phát triển quan trọng của Nhà trường sắp tới.
Cũng tại buổi làm việc, TS. Valérie Verdier và GS. Jean-Marc Lavest đã ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng và phát triển PTN liên kết quốc tế LOTUS giai đoạn 2 từ năm 2023-2027.
Được thành lập từ năm 2018, PTN LOTUS nhận được tài trợ hằng năm từ Viện Nghiên cứu và Phát triển (IRD) của Pháp. Mục tiêu của phòng thí nghiệm nghiệm hướng tới là tìm hiểu và giám sát các đặc tính cũng như sự biến đổi của quá trình vận chuyển nước và các vật chất liên quan trong hệ thống kết hợp khí quyển-lục địa-đại dương ở các vùng ven biển của Việt Nam và Đông Nam Á.
Sau 5 năm triển khai, PTN LOTUS đã kết thúc giai đoạn pha một của nghiên cứu tại khu vực Đồng bằng sông Hồng và vịnh Bắc Bộ của Việt Nam. Một số kết quả nổi bật của PTN LOTUS gồm có 76 công bố, nổi bật trong số đó là những công trình như “The distinct impacts of the two types of ENSO on rainfall variability over Southeast Asia” (Tác động khác biệt của hai loại ENSO đối với sự thay đổi lượng mưa ở Đông Nam Á) công bố trên tạp chí Climate Dynamics, “Multi-scale variability of circulation in the Gulf of Tonkin from remote sensing of surface currents by high-frequency radars” (Biến động đa quy mô của hoàn lưu Vịnh Bắc Bộ từ số liệu viễn thám dòng chảy bề mặt quan trắc bởi ra đa tần số cao) đăng tải trên tạp chí Ocean Dynamics,… Bên cạnh đó, dự án cũng giúp đào tạo thành công 13 tiến sỹ thông qua các đề tài nghiên cứu.
Việc tái ký thỏa thuận hợp tác xây dựng và phát triển PTN LOTUS giữa IRD và USTH sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học triển khai nghiên cứu pha hai ở phạm vi khu vực Đông Nam Á.
Lưu bút của TS. Valérie Verdier và Ông Bruno David gửi tặng USTH.