3 năm qua, Phan Thị Tú Uyên đã gắn bó với USTH trong vai trò một học viên Thạc sĩ ngành Công nghệ sinh học: Thực vật – Y sinh – Dược học, rồi sau đó là trợ lý nghiên cứu. Vừa qua, Tú Uyên đã xuất sắc nhận được học bổng France Excellence (năm 2024) chương trình Tiến sĩ tại ĐH Aix – Marseille (Pháp).
Cùng lắng nghe câu chuyện đầy cảm xúc của Tú Uyên qua những dòng nhật ký dưới đây!
—–
Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 2024
Khi đang trải lòng với những dòng tâm sự này, cũng là lúc mình đang hoàn tất một vài thủ tục cuối cùng để chuẩn bị sang Pháp học Tiến sĩ với học bổng France Excellence. Thấm thoắt 3 năm, nhìn lại hành trình ấy, mình thực sự cảm thấy hạnh phúc và trân quý nhiều điều.
Và mọi thứ đều bắt đầu từ câu hỏi của chính con trai mình:
“Mẹ ơi, ước mơ của mẹ là gì?”
Mình sinh ra và lớn lên ở một vùng núi, quê hương của danh y Lê Hữu Trác. Trưởng thành trên cái nôi của y học cổ truyền Việt Nam, mình từng có ước mơ nghiên cứu về thuốc chữa bệnh ung thư. Đây cũng là lý do thôi thúc mình trở thành một dược sĩ. Sau khi tốt nghiệp Đại học, mình đi làm rồi lập gia đình, có em bé. Vòng xoay công việc, con cái khiến mình bẵng quên đi hoài bão thuở nào. Thế nhưng, năm 2021, lúc dịch Covid-19 bùng phát làm thay đổi mọi thứ, mình có nhiều thời gian hơn để suy ngẫm. Khi ở nhà vừa “work-from-home”, vừa chăm sóc tổ ấm nhỏ, mình bất ngờ nhận được một câu hỏi từ con trai: “Mẹ ơi, ước mơ của mẹ là gì?”. Câu hỏi giản đơn ấy vô tình đã khơi dậy khao khát ngày thơ bé trong mình. Vậy là, tháng 10/2021, mình quyết định nộp đơn xét tuyển Thạc sĩ ngành Công nghệ sinh học: Thực vật – Y sinh – Dược học (USTH) để tìm lại giấc mơ ấy.
Hành trình tìm lại giấc mơ của một người mẹ
Do dịch Covid-19 nên quá trình xét tuyển của mình khá đặc biệt. Giãn cách xã hội khiến mình không thể chuẩn bị đủ hồ sơ, nên Nhà trường đã rất tạo điều kiện, cho mình nợ giấy khám sức khoẻ và một vài bản dịch. Ở buổi phỏng vấn, mình nhận được lời khuyên từ thầy cô về việc chọn học Drug Development thay vì Biomedicine do xuất phát điểm của mình là dược sĩ. Tuy nhiên, bằng một thế lực tâm linh nào đó, mình vẫn quyết định chọn Biomedicine. Và đến bây giờ, mình rất hạnh phúc với lựa chọn này vì nó đã mở ra cho mình cơ hội trong một lĩnh vực mới đầy hứa hẹn.
Trải nghiệm đáng nhớ nhất với mình là môn học đầu tiên tại USTH. Bước vào 1 lĩnh vực mới cùng vốn tiếng Anh chuyên ngành không quá xuất sắc, mình như bơi giữa đại dương. Kết quả là mình chỉ đạt 10/20 điểm cho cú khởi đầu ấn tượng. Mình mất 1 tháng làm quen với cách học ở USTH, lấy lại phong độ ở các môn sau để cán đích với điểm số khiến mình hài lòng.
Thời điểm học Thạc sĩ, mình sắm 3 vai cùng lúc: vừa đi học – vừa đi làm – vừa chăm con. Mình ước gì một ngày dài 48 tiếng để đủ sức “cân hết” tất cả. Đôi lúc, mình cảm thấy không thể làm tốt được mọi việc và nghi ngờ năng lực của bản thân. Nhưng rồi, mình đã vượt qua khó khăn này nhờ vào cách sắp xếp, lên kế hoạch một cách chính xác trong công việc. Cùng với đó là sự đồng hành của gia đình, nhất là chồng mình – người luôn bên cạnh, ủng hộ và giúp đỡ mình trong thời gian học Thạc sĩ.
Mình cũng rất may mắn khi nhận được sự hỗ trợ từ các bạn cùng lab. Đặc biệt, mình vô cùng biết ơn người hướng dẫn luận văn Thạc sĩ của mình, cô Trần Thị Thu Phương – giảng viên khoa Khoa học Sự sống (USTH). Cô có ảnh hưởng lớn lao đến quá trình học tập và định hướng tương lai của mình. Cô không chỉ là một người thầy, mà còn là một người bạn tâm tình, sẵn sàng dang tay an ủi, cho mình những lời khuyên khi gặp khó khăn trong cuộc sống.
Cất cánh
Vào kỳ học cuối, mình đã có 6 tháng thực tập ở Phòng thí nghiệm sinh học tế bào do PGS.TS Nguyễn Hải Đăng – Phó Hiệu trưởng USTH – phụ trách. Sau đó, mình đảm nhận vị trí trợ lý nghiên cứu cho nhóm Phytomedicine của thầy Đăng. Đề tài mà Phytomedicine theo đuổi là nghiên cứu về hoạt tính kháng viêm, kháng ung thư, kháng loãng xương từ dược liệu Việt Nam. Sau nửa năm làm việc, mình được nhóm dự án cử đến ĐH Kangwon (Hàn Quốc) để tham gia khóa tập huấn nghiên cứu về hoạt tính chống loãng xương từ các chất được phân lập từ dược liệu.
Đây là lần cất cánh đầu tiên trong hành trình vươn ra thế giới của mình. Trong thời gian ở xứ sở kim chi, mình cực kỳ ấn tượng với hiệu suất, tác phong làm việc và cách tổ chức công việc của người Hàn. Lúc mới sang Hàn Quốc, mình khá vất vả vì không biết tiếng bản xứ. Ngoài các thủ tục hành chính cần người biết tiếng hỗ trợ thì khi đi mua đồ ăn, đi chơi… đều trở nên rắc rối nếu bạn không có ai biết tiếng đi cùng. Vì vậy, kinh nghiệm mình đúc rút được đó là: Bạn nên học tiếng Hàn để nói chuyện với người bản xứ, vì khá ít người Hàn thích dùng tiếng Anh.
Mình ở một tỉnh biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Vì vậy, mình có khá nhiều trải nghiệm thú vị. Đặc sản của vùng Chuncheon ngoài gà xào bắp cải như mọi người thường biết thì cảnh diễn tập máy bay quân sự hoành tráng cũng để lại dấu ấn khó quên với mình.
Khóa tập huấn tại Hàn Quốc chỉ diễn ra trong 2 tháng nhưng đem lại cho mình những bước ngoặt vô cùng lớn trong công việc. Đó có lẽ là những bước đệm quan trọng để mình tiếp tục học lên Tiến sĩ với cú đúp học bổng: học bổng ĐH Chosun (Hàn Quốc) và học bổng France Excellence 2024 tại ĐH Aix – Marseille (Pháp). Và mình đã chọn đến Pháp.
Tới đây, trong đề tài Tiến sĩ, mình sẽ nghiên cứu về ung thư tuyến tiền liệt từ các hoạt chất thiên nhiên từ dược liệu Việt Nam. Đề tài này như một sự tiếp bước cho hướng nghiên cứu của mình trước đây. Và cũng là dấu gạch nối giúp mình viết giấc mơ từng dang dở: làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển thuốc cho bệnh nhân ung thư.
Ngày mai là một ngày mới, mình sẽ tiếp tục hành trình của mình với niềm tin và hy vọng. Mình tin rằng với sự kiên trì và quyết tâm, giấc mơ của mình sẽ trở thành hiện thực.
Mình muốn gửi lời cảm ơn đến các thầy cô USTH, đặc biệt là các thầy cô khoa Khoa học Sự sống vì sự cảm thông, giúp đỡ và cả những cơ hội mà mình nhận được. Cảm ơn USTH đã chắp cánh cho ước mơ bay cao, bay xa của mình.
Uyên trân trọng và vô cùng biết ơn!