Ngày 19/7/2022, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) vinh dự đón tiếp GS. Duncan Haldane đã đến thăm và thực hiện bài giảng đại chúng có chủ đề “Vật chất lượng tử tô-pô, sự vướng víu và cuộc cách mạng lượng tử lần hai”.
Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Nghị quyết của Liên Hợp Quốc “Kỷ niệm năm 2022 là năm quốc tế khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững” do USTH phối hợp với Trung tâm Quốc tế về Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE), Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), Viện Vật lý (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam), Viện Vật lý Kỹ thuật (Đại học Bách Khoa Hà Nội), Khoa Vật lý (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), Khoa Vật lý (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện.
Phát biểu khai mạc sự kiện, GS. Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính USTH cho biết, mục tiêu của USTH là trở thành một trường đại học nghiên cứu với các sứ mệnh chính là triển khai nghiên cứu ở trình độ quốc tế, đào tạo các tài năng trẻ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ để đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. Do đó, USTH luôn nỗ lực mời các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ đến chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng đến các giảng viên trẻ và sinh viên của Trường.
Ông đánh giá cao tầm quan trọng của khoa học cơ bản: “Mỗi khám phá của khoa học cơ bản lại mở thêm một cánh cửa, giúp con người hiểu hơn về vũ trụ cũng như cho chúng ta thấy phạm vi rộng lớn của những gì chúng ta chưa biết. Tại USTH, chúng tôi tin rằng giải pháp công nghệ được phát triển dựa trên những nền tảng vững chắc của khoa học cơ bản.”
GS. Jean-Marc Lavest bày tỏ sự tự hào và vinh dự khi USTH được đón tiếp GS. Duncan Haldane – nhà khoa học đoạt giải Nobel năm 2016, đồng thời hy vọng thông qua bài giảng đại chúng của Giáo sư, những người tham dự sẽ thấy được “vẻ đẹp của nghiên cứu khoa học cơ bản”.
Nói chuyện với hơn 400 nhà khoa học và sinh viên tham gia trực tiếp và trực tuyến thông qua hệ thống Zoom, GS. Duncan Haldane đã chia sẻ những nội dung khoa học liên quan đến vật chất lượng tử Topo, những vấn đề nóng trong nghiên cứu vật lý hiện đại, cơ học lượng tử khi electron chuyển động trong từ trường…
Đồng thời, GS. Duncan Haldane đã khéo léo đan xen nhiều chi tiết thú vị về hành trình đưa ông đến với giải Nobel Vật lý năm 2016. Trong những giai đoạn đầu sự nghiệp, ông cũng vấp phải nhiều khó khăn để xuất bản những công bố nghiên cứu và cả những ý kiến trái chiều từ cộng đồng khoa học thế giới. Thậm chí có người còn cho rằng công trình của ông là phi lý. Tuy nhiên, chính bằng sự bền bỉ và lập trường kiên định, ông đã không ngừng cộng tác, phản biện với các hội đồng khoa học bằng các kết quả thực nghiệm để chứng minh và đến khi nhận được sự công nhận.
Chia sẻ bên lề sự kiện, GS. Duncan Haldane cho biết ông cảm nhận rõ rệt Việt Nam là một đất nước năng động đang trên đà phát triển mạnh mẽ cũng như các bạn trẻ Việt Nam đầy đam mê, nhiệt huyết. Để làm khoa học, ông khuyên các bạn trẻ “phải tin vào những nghiên cứu của bản thân. Nếu thấy rằng đó là kết quả có ý nghĩa, kết quả đúng, các bạn cần bảo vệ”.
“Không cần phải là thiên tài đặc biệt, cơ hội đến từ việc bạn dám đi ra khỏi con đường quen thuộc để tìm kiếm khám phá điều mới mẻ”, ông nhấn mạnh.
GS. Duncan Haldane cho rằng thực ra khoa học nhiều khi có cả sự đối lập, mâu thuẫn. Do đó, khi chúng ta mô tả một cách hiểu mới, một cách giải quyết mới cho một vấn đề cũ thì gặp rất nhiều khó khăn để thích ứng với người khác. Chuyện đó cũng rất bình thường. Ông lưu ý khoa học không phải là đúng hay sai, không phải là tin hay không tin. Việc đúng hay không đúng phải được xác định bởi các kết quả thử nghiệm. Trong trường hợp của mình, Giáo sư cảm thấy bản thân rất may mắn vì “sau một thời gian thì các kết quả nghiên cứu, thử nghiệm đã chứng tỏ là tôi đúng.”
“Ranh giới giữa một tài năng xuất chúng và kẻ ngốc trong nghiên cứu khoa học đôi khi chỉ là may mắn, và trong trường hợp này tôi đã thực sự may mắn”, ông nói và mong các nhà khoa học trẻ hãy giữ niềm tin và kiên định bảo vệ con đường mình đã chọn.
Sau bài giảng đại chúng, GS. Duncan Haldane đã có phần giao lưu sôi nổi và trả lời câu hỏi với các nhà khoa học và sinh viên tham gia sự kiện.
Chương trình đã khép lại và đã góp phần truyền cảm hứng, cũng như tiếp thêm động lực để các bạn trẻ tiếp tục theo đuổi đam mê khoa học.
Một số hình ảnh khác của sự kiện: