TS. Trần Đình Phong, Trưởng khoa Khoa học cơ bản và Ứng dụng, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội – USTH, đã vinh dự là một trong hai nhà khoa học được nhận giải chính của Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018. Anh là tác giả của công trình nghiên cứu trong lĩnh vực vật lí “Cấu trúc polymer và cơ chế hoạt động xúc tác tạo H2 của molybdenum sulfide vô định hình” (Coordination polymer structure and revisited hydrogen evolution catalytic mechanism for amorphous molybdenum sulfide).
Từ đầu thế kỉ 21, khi năng lượng sạch dần trở thành một trong những vấn đề được quan tâm nhất trên thế giới, hướng nghiên cứu chế tạo lá nhân tạo có khả năng chuyển hoá ánh sáng mặt trời và nước thành hydro đã thú hút rất nhiều nhà khoa học. Chất xúc tác cho phản ứng hoá học này là bạch kim, một vật liệu quý hiếm và đắt tiền. Nghiên cứu của TS. Phong và cộng sự đã chứng minh thành công cấu trúc và cơ chế hoạt động của molybden sulfide vô định hình, một loại vật liệu dễ chế tạo và có giá thành thấp có khả năng thay thế bạch kim cho phản ứng điều chế nhiên liệu sạch H2 từ nước.
Trả lời cho câu hỏi về ý tưởng nghiên cứu, TS. Phong cho biết anh được tiếp xúc với hướng nghiên cứu đầy triển vọng này từ cuối năm 2008 và đã theo đuổi nó cho đến nay. “Lá tự nhiên là một “nhà máy” cực kì đặc biệt: ở đó khí thải CO2 được kết hợp với nước, chuyển hoá năng lượng mặt trời thành năng lượng hoá học tích trữ trong các phân tử đường và thải ra khí O2. Như vậy, nếu có thể “bắt chước” được lá tự nhiên trong một chiếc lá nhân tạo thì ta có thể chuyển được năng lượng mặt trời thành năng lượng hoá học trong các nhiên liệu ví dụ như H2 hoặc rượu. Đây là một công nghệ tiềm năng trong việc giải quyết bài toán về nhu cầu năng lượng sạch.”
Nghiên cứu của TS. Phong là một bước tiến quan trọng trong “cuộc chạy đua” tìm ra giải pháp về năng lượng và cắt giảm khí thải CO2 ra môi trường. Đầu năm 2016, kết quả nghiên cứu quan trọng này đã được công bố trên tạp chí Nature Materials, tạp chí số 1 thế giới về khoa học vật liệu.
Chia sẻ về giải thưởng mà TS Phong đạt được lần này, GS. Patrick Boiron, Hiệu trưởng trường USTH khẳng định: “Giải thưởng Tạ Quang Bửu mà Phong đạt được lần này có một ý nghĩa to lớn không chỉ đối với sự nghiệp nghiên cứu của cá nhân Phong mà còn là một niềm vinh dự đối với trường đại học USTH. Tôi cảm thấy vui vì một phần không nhỏ trong công trình nghiên cứu của Phong được thực hiện ở USTH với sự tham gia của các bạn sinh viên trẻ của trường.”
Khi được hỏi về những dự định trong tương lai của USTH nhằm ủng hộ công việc nghiên cứu của giảng viên, đồng thời cũng là những nhà khoa học, GS. Patrick Boiron chia sẻ: “Chúng tôi luôn luôn tìm kiếm những nhà khoa học trẻ, những người vừa có đam mê nghiên cứu vừa sẵn sàng truyền cảm hứng đó cho các thế hệ học sinh, đến làm việc tại USTH. Với môi trường làm việc năng động, mô hình đào tạo tiên tiến cùng mạng lưới đối tác mạnh mẽ là trường đại học và viện nghiên cứu của Pháp, tôi tin rằng USTH là mảnh đất màu mỡ để các tài năng khoa học phát triển.”
Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ, được tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển. Giải thưởng được xét tặng cho các công trình nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Được tổ chức lần đầu vào năm 2014, đến nay Giải thưởng đã thu hút được sự quan tâm, đánh giá tích cực của các nhà quản lý và cộng đồng khoa học.
Lễ trao giải dự kiến sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2018) tại Hà Nội.