Sau khi hoàn thành xong chương trình postdoc tại Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ Quốc gia Pháp (CNRS), TS. Tô Thị Mai Hương trở về Việt Nam và công tác tại Khoa Khoa học Sự sống, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH). Là một giảng viên tâm huyết và yêu nghề, chị đã truyền cảm hứng và tình yêu khoa học đến nhiều thế hệ sinh viên USTH, đặc biệt là các bạn sinh viên nữ. Cùng gặp gỡ và lắng nghe tâm sự của TS. Tô Thị Mai Hương về hành trình đến với nghề, đến với USTH trong một dịp đặc biệt, khi ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 đang đến gần.
Từng nhận được rất nhiều học bổng để học tập và làm việc ở nước ngoài, chị có thể chia sẻ lý do chị gắn bó lâu dài với USTH từ ngày đầu về nước?
Điều mà tôi lo lắng nhất khi về nước là liệu môi trường làm việc có đủ tốt để nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học của mình không? Và rất may mắn là tôi đã được nhận vào làm tại Phòng thí nghiệm hợp tác quốc tế Việt – Pháp (LMI-RICE) sau 3 vòng phỏng vấn với 2 trưởng khoa Công nghệ Sinh học của USTH.
USTH là một trường đại học công lập có môi trường học tập và làm việc đa văn hóa, rất cởi mở và chuyên nghiệp, không quá khác so với các môi trường ở Pháp mà tôi đã học tập và làm việc. Ở đây tôi tiếp tục được học hỏi và làm việc với các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu lớn ở Pháp và thế giới, được “mentored” để trở thành một nhà nghiên cứu độc lập.
Ở Nhật có một khái niệm là “Ikigai”- có thể hiểu là “lý do để sống và làm việc”; thì ở USTH, tôi đã có được Ikigai của mình, vì nơi đây giúp tôi có thể làm những gì mình đam mê, phát triển những thế mạnh của bản thân, thực hiện các nghiên cứu có ý nghĩa cho xã hội và cuối cùng là được trả lương xứng đáng với những đóng góp của mình.
Theo chị những thách thức trong sự nghiệp của một nhà khoa học nữ là gì?
Có một thực tế mà chúng ta đều nhìn thấy là ở Việt Nam, lực lượng làm khoa học là nữ chiếm một tỉ lệ rất lớn. Ở trường Đại học, các khoa như Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Môi trường thì tỉ lệ sinh viên nữ thường chiếm tới 70%. Ở các viện nghiên cứu cũng vậy, lực lượng lao động nữ cũng rất cao, nhưng vì rất nhiều lý do mà phần lớn phụ nữ chỉ làm ở các vị trí phụ trợ. Phụ nữ làm quản lý khoa học và có học hàm như PGS hay GS còn rất ít, và hình như là khá hiếm khi xuất hiện trong các hội đồng xét duyệt chức danh giáo sư của nhà nước.
Đây là một thực tế và điều này chứng tỏ, có những khó khăn và lực cản lớn để phụ nữ dấn thân hơn trong các nghiên cứu khoa học chuyên sâu hay đảm nhận các vị trí quản lý, để có thể đại diện hơn cho tiếng nói của phụ nữ trong nghiên cứu khoa học.
Những khó khăn này thường do phụ nữ phải đảm nhận rất nhiều chức năng trong xã hội và gia đình nên họ không thể dành nhiều thời gian và tâm trí cho công việc. Để vượt qua rào cản đó cần sự nỗ lực rất lớn của phụ nữ, và một điều quan trọng không kém là sự ủng hộ của gia đình và cơ quan công tác. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều tấm gương và cảm thấy thật sự ngưỡng mộ những người phụ nữ vừa phải chăm con nhỏ trong quá trình làm nghiên cứu sinh mà vẫn đạt được nhiều kết quả xuất sắc. Điều đó chứng tỏ sức làm việc bền bỉ, dẻo dai, bản lĩnh và cả năng lực của các nhà khoa học nữ.
Chị đã làm cách nào để vượt qua những thách thức trong công việc?
Bản thân tôi thì có một chút may mắn đó là tôi đã hoàn thành hết các bậc học trước khi lập gia đình và tôi cũng có sự hỗ trợ, ủng hộ của gia đình khi theo đuổi công việc làm nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, USTH cũng có Hiệu trưởng là phụ nữ nên đã thấu hiểu hơn rất nhiều những khó khăn của phụ nữ khi làm nghiên cứu. Ở trường, chúng tôi đã được hỗ trợ rất nhiều từ chế độ làm việc, cơ sở vật chất để có thể tự do nhất trong việc phát triển các ý tưởng nghiên cứu của mình.
Nói tóm lại, phụ nữ làm nghiên cứu thì luôn phải cố gắng cân bằng giữa gia đình và công việc, và việc này không thực sự dễ dàng với một workalholic như tôi.
Chị có thể chia sẻ về các hướng nghiên cứu của Khoa Khoa học Sự sống và những ấp ủ của chị?
Nhóm của chúng tôi tập trung chủ yếu vào các nghiên cứu về phân tích di truyền liên kết toàn hệ gen (GWAS), nghiên cứu chức năng gen (functional genomics) và áp dụng công nghệ chỉnh sửa gen.
Chúng tôi tập trung vào việc phát hiện ra các gen mới và chỉnh sửa chúng bằng công nghệ CRISPR/Cas9 nhằm tạo ra các giống lúa mới liên quan tới khả năng đáp ứng với các điều kiện bất lợi của môi trường.
Hiện tại, chúng tôi cũng đã có một số sản phẩm đang nộp hồ sơ xin cấp bằng sáng chế và chúng tôi cũng đang tiếp tục phát triển một số giống lúa mới bằng phương pháp chỉnh sửa gen, phát triển các thuốc bảo vệ thực vật theo công nghệ mRNA … Chúng tôi hy vọng sẽ có được những kết quả tốt cho nỗ lực của nhóm mình.
Trên cương vị một nhà khoa học nữ, chị muốn gửi gắm thông điệp gì đến các bạn nữ trẻ đang muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu?
Theo tôi, nghiên cứu không phải nghề phù hợp với tất cả mọi người. Các bạn sinh viên, đặc biệt các bạn nữ chỉ nên chọn nghề này nếu thực sự có đủ đam mê, đủ kiên trì, bền bỉ theo đuổi đến cùng vấn đề mình muốn giải quyết.
Làm nghiên cứu đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải dành nhiều thời gian làm việc trong phòng thí nghiệm, đối mặt với những thí nghiệm thất bại mà không rõ nguyên nhân và thức khuya nhiều ngày liền để đọc tài liệu, tìm lời giải đáp cho những vấn đề mình đang gặp phải. Thường xuyên bận rộn trong phòng thí nghiệm, phải mặc áo blouse, đeo khẩu trang sẽ khiến bạn bỏ lỡ cơ hội diện những bộ váy đẹp, đi đôi giày cao gót yêu thích, thậm chí nhiều khi quên luôn cả việc trang điểm, chăm chút vẻ ngoài cho bản thân.
Hiện tại, chúng tôi cũng đã có một số sản phẩm đang nộp hồ sơ xin cấp bằng sáng chế và chúng tôi cũng đang tiếp tục phát triển một số giống lúa mới bằng phương pháp chỉnh sửa gen, phát triển các thuốc bảo vệ thực vật theo công nghệ mRNA … Chúng tôi hy vọng sẽ có được những kết quả tốt cho nỗ lực của nhóm mình.
Niềm hạnh phúc trong nghề nghiên cứu cũng không hào nhoáng với những giải thưởng, danh hiệu như bạn thường thấy trên TV, mà rất đơn giản, bình dị, có phần “thầm kín” và nhiều khi chỉ mình bạn mới cảm nhận được.
Có rất nhiều tấm gương các nhà khoa học nữ mà tôi ngưỡng mộ như Marie Curie, Maria Goeppert-Mayer, Ada Lovelace hay Jane Goodall và gần đây nhất là Kataline Kariko – người được coi là mẹ đẻ của vaccin phòng Covid mRNA.
Điểm chung của những nhà khoa học này là sự đam mê dấn thân, bất chấp mọi dèm pha và định kiến về giới. Họ có một niềm tin vững chắc, kiên định vào lý tưởng sống và những việc mình đang làm dù phải đối diện với sự cô đơn, thiếu thốn về vật chất và nghi ngờ năng lực từ người khác.
Tôi rất thích từ “stamina”, dịch sang tiếng Việt một cách dân dã là “độ lì”. Tôi nghĩ rằng để theo đuổi công việc nghiên cứu, ngoài đam mê, các bạn nữ cần có một “độ lì” nhất định, để kiên định, vững vàng vượt qua mọi thách thức từ học tập, công việc và cuộc sống đưa đến.
Chúc các bạn vững tin với lựa chọn của mình !