Thể thao mạo hiểm hay một mình xách balo lên và đi vòng quanh thế giới? Đó là những gạch đầu dòng thường xuất hiện trong danh sách những điều nhất định phải làm sau khi tốt nghiệp đại học của nhiều bạn trẻ ở khắp nơi. Thế nhưng, list những điều điên rồ cần một lần thử trong đời của Nguyễn Đinh Mậu, cựu sinh viên Gen 7 ngành Công nghệ Thông tin và Truyền thông tại USTH, không chỉ dừng lại ở đó. Đối với cậu, làm những công việc ít ai làm, dấn thân vào những thử thách ít ai vượt qua, cũng là những trải nghiệm cần trang bị trước khi bước qua ngưỡng cửa của tuổi 25 – “tuổi trưởng thành.”
“Mình đặc biệt tin vào quan niệm rằng cuộc sống là một chuỗi “order in chaos and chaos in order,” nghĩa là những thứ lộn xộn đều có thể tìm ra quy luật, và trong những thứ tưởng như quy củ lại luôn tiềm ẩn những xáo trộn, biến hoá.”
Mậu chia sẻ rằng niềm đam mê với ngành IT và môn thể thao lướt sóng SUP (stand-up paddleboarding) cũng là những kiểm chứng của cậu đối với quan niệm này. Tất cả những gì bạn có là một chiếc ván nổi bằng cách bơm hơi vào, một chiếc mái chèo, và bản thân bạn. Bên dưới là dòng nước thiên biến vạn hoá, có thể lặng im, có thể cuộn sóng, gầm rít. Bạn chính là quy luật. “Mình thường nghĩ về những khởi đầu của mình như vậy. Làm gì với một tấm phao hơi mỏng chứ không phải một chiếc thuyền lớn, có động cơ chạy? Với chiếc board này, mình muốn đi bao xa?” Nghe có vẻ điên rồ, nhưng để đi xa với chiếc ván này, điều bạn mong đợi không phải là một dòng nước êm, mà là con sóng cả, không phải sự an toàn, mà sự liều lĩnh. Sóng càng to, ván sẽ càng lướt.
Với một chiếc ván duy nhất được trang bị khi bước chân qua cánh cổng trung học phổ thông là nền tảng kiến thức về toán học, và nhiệt huyết theo đuổi việc giải mã ngôn ngữ máy tính, con sóng đầu tiên Mậu lựa chọn là theo đuổi ngành Công nghệ Thông tin và Truyền thông tại USTH. “Thật ra thì, USTH là nơi mình học cách sắp xếp mọi sự hỗn độn thành trình tự. Không phải chỉ là những bộ dữ liệu đồ sộ phục vụ nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo đâu, mà cả những sự kiện quan trọng trong đời sẽ đến dưới hình dạng của một con sóng lớn. Chùn lại và bơi về, nhất định sẽ bị sóng đánh quật. Nếu vững vàng đón sóng, bạn sẽ là người đi nhanh, thậm chí là người đi trước.”
Khoảng thời gian ở USTH không dài, nhưng có một điều Mậu nhớ mãi không quên: “Dù là những ý tưởng khác biệt nhất, những dự định nằm ngoài quỹ đạo nhất, mình chưa bao giờ cảm thấy là một kẻ điên khùng khi ở USTH cả.” Thầy cô, bạn bè không hề vạch sẵn những khuôn mẫu bất kì ai phải tuân theo, luôn quan sát mỗi bước đi của cậu, và hỗ trợ từng bước đi đó bằng hết khả năng, hết chân tình. Ngay cả trong định hướng công việc tương lai cũng vậy. Mậu chưa muốn đi theo những con đường mà mọi người thường đi, mà muốn dành một năm để thực hiện điều liều lĩnh nhất trong danh sách dài những điều nhất định phải thử của mình.
Vậy là, những ngày cuối cùng của năm học 2018 – 2019, một thời gian ngắn trước khi chính thức cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp cử nhân ngành Công nghệ Thông tin và Truyền thông của USTH, Mậu đưa ra một quyết định vô cùng bất ngờ. Thay vì cố gắng ghi danh vào những công ty lớn, hay tìm kiếm tấm vé tới Thung lũng Silicon, Mậu lựa chọn dùng 1 năm sau đại học để thử sức mình trong một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với Việt Nam, với một vị trí đặc biệt.
22 tuổi, với những kinh nghiệm thực tập từ 2 năm cuối, và kiến thức tích lũy trong 3 năm đại học, Mậu cùng một nhóm bạn trẻ, với sự hỗ trợ của Công ty InfoRe Technology và HMD Technology, thành lập InLab – một công ty phát triển các sản phẩm dán nhãn dữ liệu (information labelling) và sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Sản phẩm đầu tay mà Mậu và các cộng sự đã cho ra mắt vào tháng 5 năm 2020 là một nền tảng về công nghệ thông tin phục vụ cho y khoa.
Được biết, sản phẩm của InLab hướng đến thử nghiệm phân loại những người có dấu hiệu về bệnh đường thở, dựa trên việc phân tích tiếng hơi thở của họ, bước đầu tạo nền tảng cho một ứng dụng phần mềm chẩn đoán bệnh hô hấp bằng trí tuệ nhân tạo. Đinh Mậu và nhóm phát triển InLab hy vọng phần mềm này không chỉ có hiệu quả trong việc dựa vào tiếng hơi thở để chẩn đoán các bệnh đường thở nói chung, mà còn có thể hỗ trợ đắc lực trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19. “Việc InLab sử dụng thông tin về hơi thở kết hợp với AI mới chỉ là một thử nghiệm, bản thân mình và các cộng sự ban đầu cũng chuẩn bị tinh thần cho một kết quả chưa khả quan. Nhưng ít nhất, đó là một sự nỗ lực mà chúng mình có thể làm được khi còn trẻ và còn có thể hết mình cống hiến.”
Đối với chàng CEO trẻ, câu chuyện về InLab chính là niềm tin vào một quy luật đúc kết được: “Khi thành lập InLab, mình có cảm giác đang đứng trên chiếc ván SUP của mình, lý tưởng nhất là mình sẽ đón con sóng tiếp theo, và lướt đi thật xa. Nhưng nếu mình còn quá nhỏ bé so với ngọn sóng ấy, thì doanh thu của mình chính là học cách làm sao để sau đó có thể ngừng vùng vẫy, và bình tĩnh đứng lên. Điều này có thể nghe thật điên rồ, nhưng mình sẽ không ngừng làm những việc điên rồ như vậy cho đến khi tuổi 25 tới.”
Về dự định trong tương lai, Nguyễn Đinh Mậu, cựu sinh viên Gen 7 của USTH vẫn còn bỏ ngỏ cho những chuỗi “chaos in order and order in chaos” mà cậu tôn thờ, chỉ duy nhất có một quy luật bất biến, đó là dù điều gì sẽ đến tiếp theo, là du học tại Pháp, hay ở lại với InLab, thì cậu vẫn sẽ mải miết khám phá, và tìm kiếm cái đẹp trong những trải nghiệm cuộc đời không đoán trước đó: “Có người từng nói với mình rằng cuộc đời là một trò chơi vô hạn, cho nên điều quan trọng nhất với mình bây giờ, và chắc là rất lâu nữa, chính là: thử, thất bại, và thử tiếp.”