Khoa Khoa học Sự sống có chương trình nghiên cứu sôi động/đa dạng, từ những nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu đến định hướng ứng dụng. Các nghiên cứu được phát triển trên nền công nghệ sinh học hiện đại, có tính liên kết đa ngành góp phần thúc đẩy các hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực khoa học sự sống. Khoa có mạng lưới hợp tác nghiên cứu với nhiều đơn vị uy tín trong và ngoài nước. Những hoạt động nghiên cứu của Khoa được tài trợ bởi nhiều nguồn quỹ khác nhau từ nguồn trong nước như USTH, Học Viện KHCN, VAST, NAFOSTED, VinIF đến quỹ quốc tế USTH consortium, IFS, IRD-CNRS, NIH, Japan…
Các hướng nghiên cứu chính bao gồm:
- Lĩnh vực Y sinh: Nghiên cứu áp dụng các công nghệ y sinh hiện đại để xác định tác nhân gây bệnh ở người (bệnh truyền nhiễm, bệnh di truyền, ung thư và rối loạn chuyển hóa); áp dụng công nghệ sinh học phân tử, miễn dịch tế bào, DNA và protein tái tổ hợp để sản xuất các sinh phẩm ứng dụng trong chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị bệnh ở người; áp dụng công nghệ giải trình tự gen kết hợp phân tích tin sinh trong phân tích hệ gen vi sinh vật gây bệnh, hệ gen người nhằm xác định các đặc điểm di truyền liên quan đến cơ chế, nguồn gốc bệnh, kháng thuốc và marker phân tử chẩn đoán nhanh; Nghiên cứu áp dụng công nghệ nano sinh học, vật liệu y sinh trong y học tái tạo;
- Lĩnh vực Phát triển thuốc: tập trung tìm kiếm các chất có hoạt tính sinh học mới từ thực vật và vi sinh vật thông qua các nghiên cứu in vitro, in vivo, in silicon, phân tích mạng lưới chuyển hóa metabolomics và khai phá bộ gene; nghiên cứu dược động học, đánh giá độc tính của các hợp chất tiềm năng trên mô hình động vật định hướng ứng dụng trong phòng và điều trị bệnh ở người.
- Lĩnh vực Công nghệ sinh học thực vật: tập trung nghiên cứu các cơ chế đáp ứng của thực vật ở cấp độ phân tử trước các tác nhân stress từ môi trường, nhằm cải tiến cây trồng. Các chủ đề nghiên cứu chính bao gồm nghiên cứu di truyền liên kết toàn bộ hệ gen; chỉnh sửa bộ gen bằng công nghệ CRISPR/Cas9; PGPR và tương tác thực vật với vi khuẩn; kỹ thuật chuyển hóa thực vật nhằm sản xuất protein và hợp chất tự nhiên.
- Lĩnh vực Công nghệ thực phẩm: Nghiên cứu phát triển quy trình công nghệ chế biến, hoàn thiện, bảo quản, đa dạng hóa và nâng cao giá trị các sản phẩm thực phẩm, dược phẩm từ nguồn nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên; nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến trong đánh giá, kiểm soát và đảm bảo chất lượng nguyên vật liệu và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nghiên cứu các xu hướng phát triển các sản phẩm thực phẩm mới ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật trong công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm.
Hiện nay, khoa Khoa học sự sống có 3 nhóm nghiên cứu:
- Nhóm nghiên cứu mạnh Phytomedicine (viết tắt: Phytomed) do PGS. TS. Nguyễn Hải Đăng làm trưởng nhóm. Hướng nghiên cứu của nhóm: Phát triển thuốc từ thực vật.
- Nhóm nghiên cứu tiềm năng Biopharma-Environmental Assessment & Monitoring (viết tắt: BEAM) do PGS. TS. Nguyễn Thị Kiều Oanh làm trưởng nhóm. Hướng nghiên cứu của nhóm: Đánh giá và giám sát các chỉ số sinh dược học và môi trường.
- Nhóm nghiên cứu tiềm năng Multiomics in Microbiology for Health (viết tắt: MICH) do TS. Nguyễn Quang Huy làm trưởng nhóm. Hướng nghiên cứu của nhóm: Đa Omics ở vi sinh vật vì sức khỏe.