Hưởng ứng Tuần lễ biển đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới 2022, Khoa Nước – Môi trường – Hải dương học (Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) đã tổ chức thành công hội thảo với chủ đề: “Quản lý bền vững tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển” ngày 13/06/2022 vừa qua.
Là một trong những Khoa lâu đời nhất tại USTH, Khoa Nước – Môi trường – Hải dương học (WEO) quy tụ đội ngũ giảng viên là các chuyên gia, nhà khoa học có bề dày về nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực Môi trường. Thêm vào đó, nhờ thế mạnh đào tạo trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là hải dương học, cùng mạng lưới hợp tác liên kết chặt chẽ với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm trên thế giới, ngày 13/06/2022 vừa qua, Khoa WEO đã tổ chức thành công hội thảo với chủ đề “Quản lý bền vững tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển”.
Tham dự hội thảo, về phía đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu tại Pháp có sự hiện diện của TS. Marine Herrmann – Chuyên gia nghiên cứu cấp cao Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD), Giám đốc Dự án Phòng thí nghiệm liên kết quốc tế LOTUS “Nghiên cứu hệ thống kết hợp khu vực mặt đất – khí quyển – đại dương” (LMI LOTUS); GS. Alexei Sentchev – Đại học Littoral Côte d’Opale, Phòng thí nghiệm Khoa học Địa chất và Đại dương (LOG), Wimereux (Pháp); TS. Nadia Ayoub – Nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Địa chất và Hải dương học (LEGOS) – Đại học Toulouse; TS. Nguyễn Duy Tùng – LEGOS, Đại học Toulouse. Về phía Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, có sự tham gia của TS. Phạm Quốc Việt – Viện Công nghệ Môi trường. Về phía USTH, có sự góp mặt của GS. Jean – Marc Lavest – Hiệu trưởng chính; PGS. TS. Đinh Thị Mai Thanh – Hiệu trưởng; TS. Sylvain Ouillon – Trưởng khoa WEO; TS. Mai Hương – Phó trưởng khoa WEO; cùng các cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường.
Phát biểu khai mạc hội thảo, thay mặt Ban Giám hiệu Nhà trường, GS. Jean – Marc Lavest gửi lời chào đón nồng nhiệt đến các nhà khoa học Việt Nam và Pháp tham gia chia sẻ, trình bày về những kết quả nổi bật trong nghiên cứu khoa học liên quan đến hệ sinh thái và môi trường biển. Theo ông, chủ đề hội thảo hướng tới là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng. Đặc biệt, hội thảo này càng trở nên ý nghĩa trong bối cảnh hưởng ứng Tuần lễ biển đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới 2022.
GS. Jean – Marc Lavest phát biểu khai mạc
Các diễn giả tham gia hội thảo
Xuyên suốt chương trình, các phần trình bày của diễn giả đều mang hàm lượng chuyên môn cao. Các nội dung chính xoay quanh câu chuyện về phân tích, mô hình hóa các yếu tố gây ra sự ô nhiễm môi trường và những biến đổi tiêu cực ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển. Đây là tiền đề để nhiều ý tưởng khoa học, hướng nghiên cứu mới được khai phá, góp phần bảo vệ môi trường biển bền vững trong tương lai.
Một trong những minh chứng rõ nét nhất cho việc cụ thể hóa ý tưởng khoa học ứng dụng vào thực tiễn chính là sự ra đời của Phòng thí nghiệm liên kết quốc tế LOTUS – biểu tượng hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực Môi trường, Hải dương học, Viễn thám quan sát trái đất giữa Việt Nam và Pháp. Theo TS. Marine Herrmann, LOTUS hiện quy tụ hơn 30 nhà nghiên cứu từ cả Việt Nam và Pháp, 10 học viên đang thực tập Thạc sĩ và 25 nghiên cứu sinh, tiến sĩ. Mục đích của LOTUS là tích hợp những cách tiếp cận sáng tạo để nghiên cứu theo dõi chu trình nước trong hệ thống khí quyển, lục địa, hải dương ở các vùng duyên hải của Việt Nam và Đông Nam Á. Những thông tin này rất quan trọng đối với Việt Nam, một quốc gia có nền kinh tế dựa trên những ngành mũi nhọn sử dụng nhiều tài nguyên nước như nông, ngư nghiệp và du lịch.
TS. Marine Herrmann trình bày về Phòng thí nghiệm liên kết quốc tế LOTUS
Bên cạnh sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu, hội thảo còn thu hút sự chú ý của nhiều sinh viên, học viên USTH. Bởi lẽ “Đây là hoạt động giúp sinh viên có thêm nhiều sự liên kết với thầy cô cũng như các nhà khoa học. Đồng thời, chia sẻ của các diễn giả trong hội thảo là những nguồn dữ liệu “đắt giá” hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập và lựa chọn ngành nghề tương lai” – bạn Vũ Phương Thảo (sinh viên năm cuối ngành Khoa học Môi trường Ứng dụng) bày tỏ cảm nhận. Trong khi đó, từ góc nhìn của một sinh viên đồng khóa khác, bạn Bùi Huyền Thương lại có suy nghĩ rằng: “Thông qua hội thảo này, em vừa thấy rõ rằng những kiến thức trong bài giảng được áp dụng sát thực tế như thế nào, vừa khiến em hiểu thêm về hướng nghiên cứu của khoa. Đó cũng có thể là hướng nghiên cứu của em sau này”.
Kết thúc hội thảo, thay mặt Ban Tổ chức, TS. Sylvain Ouillon gửi lời cảm ơn đến sự tham gia và đóng góp nhiệt tình của các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, sinh viên. Ông cũng bày tỏ hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ, quan tâm nhiều hơn nữa của cộng đồng khoa học, nhất là những “nhà khoa học trẻ”, trong những chương trình sắp tới của khoa nói riêng và USTH nói chung.
Dưới đây là một số hình ảnh, video trong hội thảo:
TS. Nguyễn Thanh Hiền trình bày về “Đánh giá khả năng ứng phó với các thay đổi trong môi trường của động vật không xương sống cỡ trung bình (Meiofauna) tại hệ sinh thái san hô thuộc quần đảo An Thới và Trường Sa”
GS. Alexei Sentchev trình bày về “Đặc điểm của sự vận chuyển và phân tán của vật chất dạng hạt theo dòng chảy bề mặt ở Vịnh Bắc Bộ”
TS. Sylvain Ouillon trình bày về Độ đục tối đa vùng cửa sông (ví dụ tại các cửa sông Cấm – Nam Triều và Văn Úc)
TS. Nguyễn Duy Tùng trình bày về “Đánh giá sự biến đổi của vùng cửa sông Hồng ở Vịnh Bắc Bộ từ mô phỏng số và phân tích phân cụm”
TS. Nadia Ayoub trình bày về “Mô hình hóa động lực học của các dòng sông ở vùng biển ven bờ: các ví dụ tại Vịnh Biscay và Vịnh Bắc Bộ”
TS. Phạm Quốc Việt trình bày về “Phân bố đất hiếm và tỉ lệ đồng vị Nd tại biển Solomon, áp dụng vào nghiên cứu nước biển vịnh Bắc Bộ”
Tổng kết hội thảo