Nằm trong chuỗi sự kiện “Tuần lễ thực tập – việc làm 2023” do Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) tổ chức, khoa Khoa học Cơ bản và Ứng dụng (FAS), khoa Nước – Môi trường – Hải dương học (WEO) và khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano (AMSN) đã đồng tổ chức chương trình tư vấn, định hướng cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên vào ngày 06/01/2023 vừa qua.
Tham dự chương trình, về phía đại diện USTH có sự hiện diện của PGS.TS. Nguyễn Văn Quỳnh – Đồng Trưởng khoa khoa AMSN, TS. Nguyễn Đức Anh – Phó Trưởng khoa khoa FAS, TS. Tô Hải Tùng – giảng viên khoa FAS, TS. Phạm Lê Anh – giảng viên khoa WEO, ThS. Phạm Thanh Nga – Trưởng phòng Công tác sinh viên cùng các cán bộ, giảng viên, sinh viên của Nhà trường.
Mở đầu chương trình, TS. Tô Hải Tùng đã có phần trình bày ngắn gọn, súc tích và cung cấp một cái nhìn tổng quan về toàn bộ quá trình thực tập cho sinh viên. Theo đó, mỗi sinh viên sẽ có kỳ thực tập bắt buộc kéo dài từ 3 – 6 tháng. Vì vậy, thầy Tùng nhắn nhủ rằng các bạn sinh viên cần tìm hiểu kỹ càng về quy trình, thủ tục, giấy tờ cần thiết cũng như chuẩn bị tâm thế vững vàng để có một kỳ thực tập thành công. Đồng thời, Thầy cũng chỉ ra những cách thức hữu ích, hiệu quả nhất để tìm kiếm cơ hội thực tập ở nước ngoài thông qua các kênh như linkedin, twitter, mạng lưới hợp tác của khoa, trường và từ các cựu sinh viên, …
Tiếp theo, PGS.TS. Nguyễn Văn Quỳnh đã có phần chia sẻ chi tiết về một địa điểm thực tập lý tưởng mang tên “USTH”. Thay vì “lặn lội” nộp hồ sơ thực tập ở các đơn vị bên ngoài, thầy Quỳnh cho biết ở các khoa như AMSN, FAS hay WEO vẫn luôn rộng mở cánh cửa đón nhận sinh viên. Tại đây, các bạn có muôn vàn cơ hội tiếp cận nhiều hướng nghiên cứu khác nhau. Ví dụ đối với khoa AMSN, sinh viên có thể lựa chọn hướng nghiên cứu ứng dụng cao trong công nghệ pin nhiên liệu, công nghệ bán dẫn, phát triển cảm biến,… Điều này là một thông tin đắt giá, đặc biệt với các sinh viên có “chiến lược” dài hơi theo đuổi đề tài cho kỳ tốt nghiệp ở năm cuối và định hướng làm nghiên cứu khoa học. Một điểm đáng chú ý khác được thầy Quỳnh bật mí, đó là bên cạnh học bổng thực tập của USTH, riêng khoa AMSN sẽ luôn có từ 2 – 3 suất học bổng dành cho sinh viên thực tập tại Pháp.
Về phía khoa WEO, TS. Phạm Lê Anh không chỉ gợi ý cho sinh viên những địa điểm thực tập đa dạng cả trong và ngoài nước, mà còn cho biết thêm các hướng nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực nước, môi trường, hải dương học, giúp sinh viên có thêm “chất liệu” để lựa chọn đề tài phù hợp với khả năng và định hướng bản thân. Ngoài ra, thầy Lê Anh cũng không quên lưu ý đối với những học trò của mình về sự chủ động trong thực tập – yếu tố then chốt góp phần đem lại kết quả như mong đợi.
Qua phần chia sẻ từ đại diện 3 khoa FAS, AMSN và WEO, sinh viên có cái nhìn đa ngành và đa chiều hơn. Thậm chí, sinh viên hoàn toàn có thể tìm kiếm cơ hội thực tập tại khoa khác nếu có hứng thú với đề tài mà các giảng viên đã giới thiệu trong chương trình.
Ở phần cuối chương trình, các bạn sinh viên đã đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề hỗ trợ thủ tục, tài chính, học bổng từ phía khoa, trường cũng như cách thức “săn” cơ hội thực tập tại nước ngoài. Tất cả đều được đội ngũ giảng viên và cán bộ phòng ban có liên quan như phòng Công tác sinh viên, phòng Hợp tác Quốc tế giải đáp và tư vấn kỹ càng. Bên cạnh đó, sinh viên cần chú trọng thể hiện rõ năng lực bản thân với đơn vị mình mong muốn đến thực tập, rèn luyện kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm,… và đừng ngần ngại đề đạt sự hỗ trợ, đồng hành từ phía thầy cô, và Nhà trường.
Khép lại chương trình, Ban Tổ chức đã gửi lời cảm ơn đến những giảng viên và sinh viên tham dự. Chúc cho tất cả các bạn sinh viên USTH nói chung và sinh viên khoa FAS, AMSN và WEO nói riêng sẽ có nhiều dấu ấn khó quên trên hành trình thực tập sắp tới.
Một số hình ảnh khác trong chương trình: