Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt quy định cơ chế tài chính đặc thù của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Trường trong thời gian sắp tới.
Theo quy định, nguồn tài chính của USTH gồm kinh phí do ngân sách nhà nước cấp; các nguồn thu sự nghiệp; các khoản tài trợ, viện trợ, quà biếu, tặng của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước và viện trợ phi chính phủ nước ngoài; nguồn tài chính khác.
Trong đó, ngân sách nhà nước đảm bảo hỗ trợ 50% kinh phí hoạt động thường xuyên trong giai đoạn 2021 – 2025 (không tính phần hỗ trợ của phía Pháp). Mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong các năm tiếp theo sẽ được xem xét dựa trên hiệu quả hoạt động của giai đoạn 2021 – 2025, sự cần thiết và cân đối chung với Trường Đại học Việt Đức và Trường Đại học Việt Nhật.
Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hoạt động thường xuyên của Trường được tính toán căn cứ mức thu học phí, giá dịch vụ đào tạo và tổng quy mô đào tạo hàng năm của Trường.
Trường được tự chủ xây dựng và quy định các mức thu (học phí, lệ phí tuyển sinh) phù hợp với chất lượng đào tạo, dịch vụ. Căn cứ chi phí đào tạo tính toán dựa trên định mức kinh tế – kỹ thuật, Hiệu trưởng Trường tổ chức xây dựng các mức thu, trình Hội đồng Trường thông qua và báo cáo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xem xét, phê duyệt. Trường có trách nhiệm công khai mức thu học phí và lệ phí tuyển sinh theo quy định.
Đối với các khoản thu học phí, lệ phí tuyển sinh và thu sự nghiệp khác, Trường quản lý và sử dụng theo quy định hiện hành. Trường được quyết định sử dụng các khoản thu này để chi cho các hoạt động của Trường trên cơ sở Quy chế chi tiêu nội bộ, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả.
Trường USTH được tự chủ các khoản: Chi thường xuyên (chi tiền lương, tiền công, chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý); chi nhiệm vụ không thường xuyên; chi học bổng khuyến khích học tập; miễn, giảm học phí phần chênh lệch giữa mức hỗ trợ của Nhà nước theo quy định với mức học phí của Trường; chi hỗ trợ sinh viên có cha mẹ thuộc hộ nghèo, cận nghèo và gia đình sinh viên có khó khăn về kinh tế; thực hiện chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên, các hoạt động hỗ trợ khác cho sinh viên từ các Quỹ hỗ trợ sinh viên…
USTH là trường đại học công lập quốc tế được thành lập trong khuôn khổ Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Pháp. Trường nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam, cơ quan chủ quản Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chính phủ Pháp và Liên minh 40 trường đại học, tổ chức nghiên cứu Pháp trong đào tạo và nghiên cứu.
Trường đào tạo các ngành khoa học- công nghệ- kỹ thuật do hai chính phủ lựa chọn, dựa trên nhu cầu của thị trường lao động Việt Nam và thế mạnh của Pháp. USTH là một trong những trường đại học tiên phong tại châu Á áp dụng tiến trình Bologna châu Âu với thời gian đào tạo đại học chỉ có 3 năm cùng ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Anh.
Trước đó, tháng 11/ 2018 trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Cộng hoà Pháp Édouard Philippe, đại diện chính phủ Pháp, Ngài Bertrand Lortholary, Đại sứ Cộng Hòa Pháp tại Việt Nam và đại diện chính phủ Việt Nam, GS. VS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký kết Hiệp định Liên chính phủ về phát triển Trường giai đoạn 2.
Theo đó, hai Chính phủ thể hiện quyết tâm và cam kết xây dựng USTH trở thành trường đại học công lập xuất sắc đẳng cấp quốc tế và đặc biệt trở thành một trong những trường đại học hàng đầu Đông Nam Á.
Việc phê duyệt quy định cơ chế tài chính đặc thù của USTH lại một lần nữa thể hiện sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng Trường trở thành trường đại học công lập đẳng cấp quốc tế, đồng thời tạo tiền đề thuận lợi cho Trường bước vào giai đoạn mới- giai đoạn mở rộng và phát triển bền vững.
Tìm hiểu thêm:
Trường Đại học Việt-Pháp là biểu tượng điển hình trong việc hợp tác giữa 2 nước