Với mục đích nâng cao nhận thức của sinh viên về tầm quan trọng của nữ giới trong các hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), đồng thời khuyến khích hơn nữa sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực này, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội – USTH (còn gọi là trường Đại học Việt Pháp) đã phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tổ chức tập huấn với chủ đề “Trao quyền về giới trong STEM: Cơ hội và Thách thức” vào ngày 14/1/2018.
Tham gia buổi tập huấn có các khách mời đến từ các cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc như với Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và tổ chức Tình nguyện viên của Liên Hợp Quốc (UN Volunteers). Về phía trường Đại học USTH có GS. Patrick Boiron – Hiệu trưởng USTH, PGS.TS. Đinh Thị Mai Thanh và PGS.TS. Ngô Đức Thành – Phó Hiệu trưởng USTH, cùng đông đảo sinh viên của trường đại học USTH, đặc biệt là các sinh viên nữ.
Phát biểu tại tập huấn, GS. Patrick Boiron, Hiệu trưởng trường Đại học USTH, chia sẻ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong bình đẳng giới, tuy nhiên phụ nữ Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong giáo dục và lao động, cũng như nhiều hình thức phân biệt tại nơi làm việc. Theo đó, buổi tập huấn được coi là một nỗ lực của trường Đai học USTH trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc cũng như giữa các sinh viên.
Đồng quan điểm với ngài Hiệu trưởng rằng Việt Nam đã phần nào quan tâm đến chính sách bình đẳng giới, bà PGS.TS. Đinh Thị Mai Thanh – Phó Hiệu trưởng USTH cho biết trong khi tỉ lệ các nhà khoa học là phụ nữ trên thế giới là 25% thì con số này ở Việt Nam là 40% (cao gấp 1,6 lần tỷ lệ chung của toàn thế giới) và ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ là 45%. Tuy nhiên, theo bà cần phải thúc đẩy hơn nữa tỷ lệ các nhà khoa học nữ chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ và cấp nhà nước trong thời gian tới vì con số hiện nay còn rất thấp.
Tại buổi tập huấn, dưới sự hướng dẫn của các giảng viên khách mời đến từ các tổ chức của Liên Hợp Quốc, các sinh viên đã nhiệt tình tham gia thảo luận, thuyết trình và hoạt động nhóm về các chủ liên quan tới giới, lao động, những thách thức và cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực KH&CN, những kỹ năng cần thiết trong thế kỷ 21 cùng các mục tiêu thiên niên kỷ và các sáng kiến sáng tạo.
Các khách mời cùng đại diện Ban Giám Hiệu nhà trường đã giải đáp những thắc mắc và chia sẻ với sinh viên về những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp, cũng như những khó khăn và cơ hội của nữ giới trong nghiên cứu khoa học. Theo PGS.TS. Đinh Thị Mai Thanh, đam mê, hy sinh và nỗ lực không ngừng là những phẩm chất cần có của phụ nữ muốn theo đuổi sự nghiệp khoa học do công việc này luôn đòi hỏi sự sáng tạo. Vì vậy, người phụ nữ cần không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao kiến thức, đồng thời luôn xác định được mục tiêu của mình và cần biết cách sắp xếp thời gian, công việc một cách hợp lý để có thể cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc.
“Thế giới cần khoa học, khoa học cần phụ nữ” là thông điệp tổ chức UNESCO đưa ra trong chương trình “Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học”. Hưởng ứng lời kêu gọi này, đồng thời đáp ứng bối cảnh khoa học và công nghệ đang phát triển với tốc độ như vũ bão, nhiều trường công lập ở Việt Nam đã và đang khuyến khích phụ nữ lựa chọn các chương trình đào tạo có thể giúp họ phát triển trong các lĩnh vực KH&CN. Là trường đại học công lập quốc tế đầu tiên ở Việt Nam kết hợp giữa phát triển đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực KH&CN, trường Đại học USTH đã và đang nỗ lực nuôi dưỡng và truyền cảm hứng cho các sinh viên đam mê khoa học và công nghệ, đặc biệt là các sinh viên nữ, nhằm đào tạo những thế hệ trí thức trẻ tài năng và giàu nhiệt huyết, đóng góp vào sự phát triển của đất nước nói chung cũng như ngành KH&CN nói riêng.