Với những nghiên cứu tỉ mỉ và có tính ứng dụng cao, 2 nhóm sinh viên ngành Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo, khoa Công nghệ và Kỹ thuật Ứng dụng đã xuất sắc giành giải Nhất và giải Ba tại Diễn đàn sinh viên nghiên cứu khoa học các trường Đại học Kỹ thuật năm 2023.
Nhằm tạo ra một không gian giao lưu, trao đổi và cập nhật các vấn đề chuyên môn cho sinh viên thuộc khối Kỹ thuật Năng lượng, Diễn đàn sinh viên nghiên cứu khoa học ngành Điện/ Năng lượng đã ra đời dựa trên sáng kiến của 6 trường đại học đào tạo ngành Điện gồm: Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Thủy lợi, và Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Điện lực. Sự kiện được tổ chức thường niên, thu hút sự hưởng ứng và tham gia đông đảo của sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Năm 2023, diễn đàn được tổ chức tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội với chủ đề “Frontiers in Sustainability”.
Trải qua gần một năm phát động, sự nỗ lực từ các nhóm nghiên cứu và sự tận tình hướng dẫn của các thầy cô giáo, diễn đàn đã nhận được hơn 100 công trình nghiên cứu. Trải qua công tác phản biện theo quy trình chặt chẽ, 86 báo cáo đã được lựa chọn trình bày tại diễn đàn diễn ra vào ngày 17/12/2023.
Trên tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm và công tâm, Hội đồng đánh giá đã thảo luận và thống nhất lựa chọn và quyết định trao 03 giải Nhất, 05 giải Nhì và 08 giải Ba cho những dự án xuất sắc nhất.
USTH vui mừng có 2 nhóm sinh viên ngành Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo, Khoa Công nghệ và Kỹ thuật Ứng dụng có dự án nghiên cứu đạt thành tích cao tại Diễn đàn.
Cụ thể, dự án nghiên cứu: “Loss analysis of a Grid-Tied rooftop PV system for self-consumption in Vietnam: A case study” (tạm dịch: Phân tích các tổn hao của hệ thống điện mặt trời nối lưới áp mái nhà tự tiêu dùng ở Việt Nam: Một nghiên cứu điển hình” của Phạm Thị Hải Yến và Nguyễn Tiến Nam, sinh viên năm 3 ngành Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo của USTH đã được trao giải Nhất.
Nhóm cho biết tại Việt Nam, việc lắp hệ thống điện mặt trời áp mái đang dần trở nên phổ biến hơn trong thời gian gần đây. Tuy nhiên có rất nhiều yếu tố về môi trường và kỹ thuật ảnh hưởng đến sự ổn định, hiệu suất của hệ thống này. Nghiên cứu của Phạm Thị Hải Yến và Nguyễn Tiến Nam xác định các yếu tố đó và phân tích ảnh hưởng của chúng đến hiệu suất của hệ thống điện mặt trời áp mái dành cho các tòa nhà hành chính. Kết quả được đánh giá kỹ lưỡng và so sánh với nhiều bài báo khoa học khác, từ đó đưa ra đánh giá sâu rộng hơn về việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới đối với khu vực đô thị, đặc biệt ở Hà Nội.
Dự án nghiên cứu “Time-series GHI forecasting for the utilization of PV systems using the long short-term memory neural network model” (tạm dịch: Dự báo chuỗi thời gian GHI cho việc ứng dụng hệ thống Pin Mặt Trời bằng mô hình mạng nơ-ron dạng bộ nhớ ngắn hạn – dài hạn) của Trần Anh Phi và Lương Anh Phong, sinh viên năm 3 ngành Kỹ thuật Điện và Năng lượng tái tạo, đã đạt giải Ba.
Dự án tập trung vào việc sử dụng mô hình mạng nơ-ron LSTM (Long Short-Term Memory) để dự đoán cường độ bức xạ mặt trời tổng (Global Horizontal Irradiance – GHI), một yếu tố quan trọng trong việc tối ưu hóa hiệu suất của các hệ thống năng lượng mặt trời. Việc phân tích và xử lý dữ liệu được thực hiện trên nền tảng lập trình Python, với nguồn dữ liệu thời tiết từ Hà Nội, được thu thập từ cơ sở dữ liệu của Visual Crossing Weather trong khoảng thời gian từ tháng 9/2021 đến tháng 9/2023. Dự án này góp phần vào việc nâng cao khả năng dự báo và quản lý nguồn năng lượng tái tạo, qua đó hỗ trợ định hướng phát triển bền vững trong lĩnh vực năng lượng.
Chia sẻ sau sự kiện, Phạm Thị Hải Yến cho biết: “Mình tham gia Diễn đàn với mục tiêu chính là học hỏi, việc liệu nghiên cứu có đoạt giải không nằm trong suy nghĩ của mình. Đây là cơ hội quý báu để mình trau dồi kiến thức và học hỏi kinh nghiệm từ thầy cô và các bạn. Việc nghiên cứu được ghi nhận khiến mình cảm thấy rất vui và tự hào. Thay mặt nhóm, mình muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến thầy Nguyễn Xuân Trường, người đã hướng dẫn và định hướng cho mình và Tiến Nam trong suốt thời gian thực hiện nghiên cứu. Mình cũng xin gửi lời cảm ơn Ban tổ chức đã mang đến cho sinh viên kỹ thuật một “sân chơi tri thức” ý nghĩa và bổ ích như vậy.”