Ngày 30/11/2024, Diễn đàn Sinh viên Nghiên cứu Khoa học – STUDENT FORUM 2024 đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH). Năm nay, với chủ đề “Kỹ thuật và Công nghệ hướng tới Trung hòa Carbon”, diễn đàn đã thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên từ 13 trường đại học Việt Nam và quốc tế.
Diễn đàn Sinh viên Nghiên cứu Khoa học là sự kiện thường niên, được tổ chức lần đầu từ năm 2020 với sự tham gia của nhiều trường đại học trên cả nước và sự tài trợ chính từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) trong khuôn khổ chương trình hợp tác kỹ thuật ngành năng lượng. Sự kiện không chỉ là nơi kết nối, trao đổi giữa sinh viên và giảng viên mà còn góp phần nâng cao nhận thức và năng lực nghiên cứu khoa học về các vấn đề trong lĩnh vực năng lượng.
Sau bốn kỳ tổ chức thành công, diễn đàn đã khẳng định vị thế là sân chơi học thuật uy tín dành cho sinh viên trong ngành năng lượng, với nhiều nghiên cứu và giải pháp chất lượng cao. Tiếp nối thành công đó, Diễn đàn Sinh viên Nghiên cứu Khoa học 2024 được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) với chủ đề “Kỹ thuật và Công nghệ hướng tới Trung hòa Carbon”.
Tham dự lễ khai mạc, về phía USTH, có GS. Jean-Marc Lavest – Hiệu trưởng chính; về phía Đại học Bách khoa Hà Nội, có PGS. TS. Huỳnh Đăng Chính – Phó Giám đốc, về phía Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, có PGS. TS. Phạm Văn Đông – Phó Hiệu trưởng, về phía Trường Đại học Điện lực, có PGS. TS. Nguyễn Lê Cường – Phó Hiệu trưởng, về phía Trường Đại học Thủy lợi, có PGS. TS. Nguyễn Cảnh Thái – Phó Hiệu trưởng, về phía Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), có PGS. TS. Lê Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng.
Lễ khai mạc còn có sự tham dự của đại diện các nhà tài trợ, trong đó có Bà Vũ Chi Mai – Giám đốc dự án Năng lượng Sạch, Chi phí hợp lý và An Ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á (Viết tắt là CASE) của GIZ – đơn vị tài trợ chính cho diễn đàn nhiều năm qua, Bà Ngụy Thị Giang – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần sáng tạo xanh Việt Nam GREEN IN; Bà Trần Thị Thu Trang – Phó Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Một thành viên Thiết bị Khoa học HTI; Ông Hồ Sỹ Hải – Phó Giám đốc, Công ty cổ phần Tumiki; đại diện Công ty TNHH Vật tư KHKT Thái Bình, Công ty cổ phần giải pháp Tự động hóa Kỹ thuật Việt Nam, Công ty Global Wind Energy Council, Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật và quản lý dự án lưới điện.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, GS. Jean-Marc Lavest – Hiệu trưởng chính USTH nhấn mạnh năng lượng là một trong những nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế đối với một quốc gia. Cụ thể, để đạt được mục tiêu tăng gấp đôi GDP trong 10 năm tới, Việt Nam cần tăng cường sản xuất năng lượng, đồng thời đảm bảo sự bền vững trong khai thác và sử dụng các nguồn lực này. Chuyển dịch từ năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng carbon thấp là yêu cầu chiến lược để giảm thiểu tác động môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. GS. Jean-Marc Lavest bày tỏ kỳ vọng vào thế hệ sinh viên được đào tạo tại các trường đại học Việt Nam sẽ trở thành chuyên gia và nhà khoa học tương lai đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu các giải pháp năng lượng bền vững, xây dựng và triển khai các chính sách hiệu quả. GS. Jean-Marc Lavest chúc cho chương trình diễn ra thành công và các bạn sinh viên tham gia sẽ có những trải nghiệm hữu ích, nâng cao nhận thức và năng lực nghiên cứu khoa học đối với các vấn đề hiện nay trong lĩnh vực năng lượng.
Năm nay, diễn đàn thu hút sự tham gia đông đảo của sinh viên đến từ 13 trường đại học trong nước và quốc tế. Tổng cộng có gần 120 bài nghiên cứu đã được trình bày, tập trung vào các lĩnh vực như máy điện, điện tử công suất, điều khiển, năng lượng tái tạo, quản lý năng lượng hiệu quả, truyền tải và phân phối điện năng. Với số lượng và chất lượng các bài nghiên cứu tham dự tăng mạnh qua các năm, diễn đàn khẳng định vị thế là sân chơi học thuật uy tín dành cho sinh viên trong ngành năng lượng.
Không chỉ vậy, diễn đàn năm nay còn có sự tham gia của nhiều diễn giả trong và ngoài nước như Trường ĐH RMIT (Úc), Đại học Hanyang (Hàn Quốc), Công ty CP Hệ thống Kỹ thuật Ứng Dụng và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ).
Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa 6 trường đại học lớn về lĩnh vực năng lượng bao gồm Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Điện lực, Trường Đại học Thủy lợi và Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã diễn ra, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường hợp tác, phát triển đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các trường, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành năng lượng tại Việt Nam.
Tại diễn đàn, các nhóm nghiên cứu đã thuyết trình ý tưởng và các giải pháp công nghệ một cách đầy ấn tượng, phản biện nội dung Ban giám khảo đưa ra một cách thuyết phục. Qua đó, đã phản ánh sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khả năng sáng tạo và năng lực nghiên cứu của các nhóm tham gia.
Kết thúc chương trình, Hội đồng giám khảo đã trao giải Nhất cho hai bài nghiên cứu xuất sắc nhất gồm đề tài “Ứng dụng phát hiện cử chỉ tay và dịch ngôn ngữ ký hiệu ASL: Tích hợp xử lý hình ảnh và cảm biến” của Trần Anh Phi – sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) và đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các mô hình học máy nhằm phân loại và định vị sự cố trên đường dây truyền tải” của Trần Văn Tiến, Bùi Thị Phương Thảo, Nguyễn Minh Hoàng và Phạm Thị Kim Hương – sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội. Bên cạnh đó, Hội đồng giám khảo cũng đã trao năm giải Nhì, tám giải Ba và một giải Nữ xuất sắc nhất.