Lắng nghe chia sẻ chân thành của phụ huynh bạn Vương Đặng Lê Mai, cựu sinh viên Khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano về USTH.
Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông đang đến gần, và cũng như mọi năm, cứ đến thời điểm này, nỗi băn khoăn về chọn ngành, chọn trường lại dấy lên trong lòng các em học sinh cuối cấp cũng như các bậc phụ huynh. USTH đã có buổi trò chuyện với PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê, Trưởng ngành Kỹ thuật Hoá học, trường Đại học Thuỷ Lợi; phụ huynh của bạn Vương Đặng Lê Mai, cựu sinh viên khoa Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano khóa 2014-2017 để lắng nghe tâm sự của cô về những trăn trở của mình khi con đứng trước những cánh cổng dẫn tới tương lai.
- Chào cô. Cảm ơn cô đã đồng ý tham gia buổi trò chuyện ngày hôm nay. Trước hết, xin cô cho biết cơ duyên nào đã đưa cô đến với USTH?
PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê: Cô biết đến USTH như một cái duyên. Ban đầu, cô định hướng cho Lê Mai theo ngành kinh tế. Tuy nhiên, Mai lại vô cùng yêu thích Hoá học và mong muốn được theo học ngành này và cô tôn trọng sự lựa chọn của con. Trong lúc đang phân vân giữa nhiều lựa chọn, cô tình cờ nói chuyện với Giáo sư Nguyễn Văn Hùng, nguyên Phó hiệu trường của trường Đại học USTH và được thầy giới thiệu về trường.
- Những lý do nào đã đưa cô đến với quyết định cho con gái theo học tại USTH?
PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê: Trong quá trình tìm hiểu về trường, cô cảm thấy USTH là lựa chọn phù hợp nhất với con gái cô – một cô bé với niềm đam mê khoa học mãnh liệt. Chương trình hệ Đại học của trường được xây dựng theo tiến trình châu Âu chỉ trong 3 năm, giúp Mai tiết kiệm được một đến hai năm so với các bạn đồng trang lứa. Khi các bạn của Mai vẫn đang là sinh viên năm thứ tư, có bạn còn phải tiếp tục học đến năm thứ năm, thì Lê Mai đã đi hết nửa chặng đường lấy bằng thạc sĩ.
Thứ hai, toàn bộ chương trình ở USTH được giảng dạy bằng tiếng Anh. Theo cô đây là một điểm vượt trội của trường so với các chương trình truyền thống đào tạo bằng tiếng Việt hay song ngữ Anh – Việt.
- Theo cô, điều gì đã khiến cho USTH đặc biệt hơn hẳn so với các trường đại học đào tạo những ngành tương tự ở Việt Nam?
PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê: Chứng kiến con được học tập, nghiên cứu cùng thầy cô và chia sẻ niềm yêu thích với các bạn, cô có một niềm tin vững chắc là đam mê hoá học của con mình sẽ được tiếp thêm lửa và bùng cháy mạnh mẽ hơn.
Có rất nhiều cái “được” mà các bạn học sinh ở USTH sẽ thu được trong quá trình theo học ở trường, nhưng cô nghĩ điều vô giá nhất mà các bạn được hưởng ở đây là môi trường.
Trước hết, phải thừa nhận rằng môi trường ở USTH đầy thử thách. Lê Mai khi mới bước chân vào trường đã có một học kì đầu “chiến đấu” với bài tập, thuyết trình, dự án. Tuy nhiên đây là một sự áp lực tích cực. Giống như câu nói “vàng thật thử lửa”, Lê Mai khi đặt dưới những sức ép này đã bộc lộ hoàn toàn tố chất của mình. Khối lượng bài tập hay lịch học dày đặc không những không khiến con bỏ cuộc mà ngược lại, càng thúc đẩy sự quyết tâm trong con, là động lực cho con cố gắng hơn nữa để đạt được những kết quả xuất sắc trong học tập. Con liên tiếp giành được học bổng Odon Vallet trong quá trình học và mới đây là học bổng Erasmus của Liên minh châu Âu cho trình độ thạc sĩ.
Bên cạnh đó, theo cô, môi trường ở USTH còn là một môi trường “đa văn hoá”. Các con vào đây sẽ được tiếp thu tinh hoa từ nhiều giảng viên đến từ nhiều nước trên thế giới, đồng thời trong quá trình học cũng được tiếp xúc với những nền văn hoá khác nhau. Điều này không chỉ giúp con nắm vững kiến thức chuyên môn, mài giũa các kĩ năng mềm thiết yếu như kĩ năng làm việc nhóm, mà còn góp phần làm phong phú thêm vốn hiểu biết xã hội cũng như đời sống tinh thần của các con. USTH đã chuẩn bị cho các con hành trang cần thiết nhất đó là trí tuệ và bản lĩnh để trở thành một “công dân toàn cầu”, sẵn sàng hội nhập cùng bạn bè quốc tế.
- Cô có thể chia sẻ Lê Mai đã thay đổi như thế nào trước và sau khi học ở USTH?
PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê: Ngay từ khi bắt đầu, cô đã tin rằng USTH là một môi trường tuyệt vời cho sự phát triển của Lê Mai. Tuy nhiên cho đến bây giờ, những điều mà con đạt được đã vượt ngoài sự mong đợi của cô và gia đình. Lê Mai đã trưởng thành hơn rất nhiều, cả tri thức và bản lĩnh. Từ một cô bé chưa bao giờ đi ra khỏi nhà một mình, mọi công việc từ học tập đến sinh hoạt đều được bố mẹ trợ giúp, đến một Lê Mai tự tin xách va li sang Châu Âu, độc lập học tập và trải nghiệm ở 4 quốc gia khác nhau là cả một đoạn đường dài.
Hạt giống tốt phải được gieo trồng ở một vùng đất màu mỡ thì mới phát triển toàn diện được. Phát hiện ra tài năng mới chỉ là bước khởi đầu, nếu tài năng đó không được đặt đúng chỗ, nhận được sự chăm sóc thích hợp thì cũng khó phát triển. Cảm ơn Ban Giám hiệu trường USTH và các thầy cô trong trường đã vun đắp nên một môi trường tốt, góp phần nuôi dưỡng “hạt giống nhỏ” của cô và tạo nên một Lê Mai của ngày hôm nay.
- Cô có lời khuyên gì đối với các bậc phụ huynh đang phân vân chọn trường, đặc biệt là những phụ huynh có con yêu thích khoa học tự nhiên?
PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê: Đối với cô, một trường tốt cũng như ngành học phù hợp không bắt buộc phải là trường “top”, ngành “hot” mà điều quan trọng là lựa chọn đó cần phải dung hoà được ba yếu tố là đam mê và năng lực của con, truyền thống của gia đình cũng như nhu cầu xã hội. Cho Lê Mai theo học ở trường USTH là một quyết định đúng đắn và sáng suốt. Đây cũng là lí do tại sao cô trở thành “người phát ngôn thầm lặng” của USTH khi cô giới thiệu trường với rất nhiều bạn bè, người thân… Cô cũng mong muốn trong tương lai hai em của Lê Mai sẽ được theo học tại trường. Cô tin tưởng rằng USTH sẽ sớm trở thành Ngôi nhà chung, nơi chào đón và nuôi dưỡng những tinh thần khoa học trẻ của Việt Nam.
- Cảm ơn cô vì những chia sẻ rất chân thành ngày hôm nay!