Theo TS. Nguyễn Hải Đăng, Phó Hiệu trưởng USTH, dự kiến năm 2020, Trường sẽ đón hơn 200 lượt giảng viên từ nước ngoài từ Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,.. sang giảng dạy. Tuy nhiên, từ đầu tháng 2/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các lớp học trực tuyến đã được triển khai thay thế khi kế hoạch sang Việt Nam của các giảng viên nước ngoài bị hủy bỏ.
Đối mặt với phương thức giảng dạy mới, giảng viên phải chủ động vượt qua nhiều khó khăn, cả khách quan và chủ quan để mang đến tiết học có chất lượng. Chủ động điều chỉnh lịch sinh hoạt cá nhân để phù hợp với lịch học của sinh viên tại Việt Nam là giải pháp nhiều giảng viên nước ngoài lựa chọn để đối phó với sự khác biệt múi giờ. Hiện đang ở Li-băng, thầy Ziad Jreijiri, giảng viên ngành Kỹ thuật hàng không tại USTH phải bắt đầu lớp học trực tuyến khi bình minh còn chưa ló rạng. Mặc dù phải thức dậy từ sáng sớm để chuẩn bị nhưng thầy Ziad Jreijiri vẫn luôn sẵn sàng bởi với một lý do rất giản đơn: “Đối với tôi, sinh viên là ưu tiên số 1.”
Giảng dạy trực tuyến các môn khoa học chuyên ngành cũng đặt ra thử thách không nhỏ đối với giảng viên. GS. Eric Lacombe, giảng viên người Pháp, Trưởng khoa Khoa học Sự sống của USTH cho biết: “Tăng cường gửi tài liệu, hình ảnh và video minh họa là giải pháp mà tôi lựa chọn để giúp sinh viên dễ hình dung và chủ động tìm hiểu về các phần kiến thức mới. Tôi dành nhiều thời gian hơn trước, trong và sau giờ học để giải đáp các vấn đề của sinh viên.”
Trong khi đó, liên tục đặt câu hỏi và gọi sinh viên một cách ngẫu nhiên là cách TS. Manasawee Kaenampornpan, giảng viên người Thái Lan của khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, lựa chọn để tạo không khí sôi nổi và giữ sự tập trung của sinh viên trong suốt bài giảng. “Điều tôi thích nhất ở dạy học trực tuyến, đó là sinh viên gửi câu trả lời qua tính năng chat nhanh và nhiều hơn. Tôi thường thu lại buổi học trực tuyến và gửi vào nhóm để sinh viên có thể tải về xem lại bất kỳ khi nào, đồng thời dành nhiều thời gian hơn trước và sau mỗi bài giảng để trả lời thắc mắc của sinh viên.”
Bài toán duy trì chất lượng giảng dạy
Hiện nay dạy và học trực tuyến đang được xem là giải pháp hiệu quả để đối phó với tình trạng nghỉ học kéo dài do dịch Covid-19. Thế nhưng, phương pháp giảng dạy mới mẻ này cũng đang đặt ra cho các trường đại học bài toán về đảm bảo và duy trì chất lượng giảng dạy.
TS. Nguyễn Hải Đăng chia sẻ để có một buổi học trực tuyến hiệu quả đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía, gồm có Nhà trường, trong việc tạo điều kiện thuận lợi về các giải pháp kỹ thuật, phần mềm; giảng viên trong việc đổi mới bài giảng và phương pháp giảng dạy; sinh viên trong việc tích cực, chủ động tham gia giờ học. Do đó, USTH thường xuyên tiến hành khảo sát từ phía giảng viên và sinh viên để có những hỗ trợ, thay đổi và tư vấn kịp thời.
Về triển vọng áp dụng hình thức dạy trực tuyến trong tương lai, TS. Nguyễn Hải Đăng nhận định trong thời đại số, dạy và học trực tuyến đang trở thành xu thế khi sở hữu nhiều lợi thế như tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian, khả năng ứng dụng các tính năng mới của công nghệ. Tuy nhiên, với các trường đại học đào tạo về khoa học và công nghệ có thời lượng thực hành cao như USTH, dạy và học trực tuyến khó thay thế hoàn toàn phương thức giảng dạy trực tiếp mà chỉ đóng vai trò giải pháp “tạm thời” trong những điều kiện bất khả kháng như dịch Covid-19.
“Hiện nay, chúng tôi vẫn ưu tiên bố trí các giờ học lý thuyết qua hình thức dạy và học trực tuyến vào thời điểm sinh viên chưa thể đến lớp học trực tiếp. Nhà trường chủ trương cố gắng giữ nguyên, không cắt giảm thời lượng các giờ học thực hành trong phòng thí nghiệm hay đi trải nghiệm thực tế của sinh viên, bởi đây là những nội dung học thiết yếu có tính thực tiễn cao, đồng thời là phương châm đào tạo cốt lõi của USTH.” TS. Nguyễn Hải Đăng nhấn mạnh.